Giao dịch chứng khoán sáng 21/7: Dòng tiền thiếu tự tin ghìm chân VN-Index

Giao dịch chứng khoán sáng 21/7: Dòng tiền thiếu tự tin ghìm chân VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục tăng điểm để hướng tới vùng 1.280 - 1.290 điểm trong phiên sáng nay, nhưng lực cầu vẫn chưa đủ tự tin, khiến VN-Index 3 lần thất bại khi test lại ngưỡng 1.280 điểm.

Phiên chiều qua chứng kiến sự bùng nổ của nhiều nhóm cổ phiếu như chứng khoán, ngân hàng, giúp VN-Index nhẹ nhàng chinh phục thành công ngưỡng cản 1.206 - 1.270 điểm, chốt phiên tăng gần 30 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Lực mua được hỗ trợ mạnh mẽ khi một số mã trụ trong 3 nhóm dẫn dắt thị trường là ngân hàng, thép và chứng khoán liên tiếp công bố thông tin quý II hết sức tích cực. Ấn tượng mạnh là Hoa Sen (mã HSG) có lợi nhuận tăng 4,35 lần trong quý II (tức quý III niên độ tài chính của HSG), hay như Techcombank (mã TCB có lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng tới 71% so với cùng kỳ), Chứng khoán SSI có lợi nhuận 6 tháng đạt 1.231,7 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ,...

Khi các mã trụ đồng loạt được kéo lên, dòng tiền đã nhập cuộc ở nhiều mã giúp thị trường đóng phiên ngày hôm qua với số mã tăng gấp gần 3 lần số mã giảm.

Với quán tính của phiên chiều qua, thị trường mở cửa phiên sáng nay tiếp tục tăng điểm, VN-Index hướng lên thử thách ngưỡng cản mới 1.280 - 1.290 điểm và có thể tiến xa hơn về vùng 1.300 điểm. Tiếc rằng những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý II trôi qua quá nhanh, lực cầu vào vẫn rất yếu, khiến VN-Index không thể bước đi một cách dễ dàng như phiên chiều qua. Chỉ số này bị đẩy trở lại khi vừa lên vùng kháng cự mạnh 1.280 điểm.

Độ rộng vẫn đang nghiêng về số mã tăng, nhưng đang dần bị thu hẹp, trong khi nhóm VN30 có sự phân hóa khá rõ với số mã tăng giảm khá cân bằng nhau.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên bùng nổ chiều qua đã hạ nhiệt khi nhiều mã quay đầu giảm điểm phiên sáng nay. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan vẫn tiếp tục giữ vai trò làm trụ giữ cho VN-Index tăng điểm, tuy nhiên cũng đã có sự phân hóa.

Trong nhóm này, một số mã giảm nhẹ như MSB, VCB, HDB, BID, SSB, còn lại vẫn tăng giá, nhẹ, trong đó LPB và VIB đang là những mã tăng tốt nhất. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 12% của LPB và mã này tăng mạnh, có lúc được kéo lên mức trần 24.400 đồng, trước khi hạ nhiệt nhẹ, còn tăng 4,4%.

Thanh khoản vẫn tiếp tục là vấn đề của thị trường, một tín hiệu rất cần lưu tâm trong đợt giảm từ đầu tháng 7 trở lại đây đó là những phiên giảm điểm luôn có giá trị giao dịch tốt hơn phiên tăng điểm. Có một nét gì đó tương tự các đợt giảm điểm mạnh quý II/2018 và quý I/2020.

VN-Index sáng nay chỉ dao động trong vùng 1.275 - 1.285 điểm, trong đó đã 3 lần thử thách ngưỡng 1.280 điểm nhưng đều bất thành. Dù vẫn duy trì đà tăng với sắc xanh vẫn chiếm ưu thế so với sắc đỏ, nhưng thanh khoản duy trì ở mức thấp khiến những nhịp hồi của VN-Index chưa thật sự thuyết phục. Do đó, vẫn cần chờ đợi các phiên tiếp theo để có thể dự đoán được đâu mới là đáy của thị trường.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,01 điểm (+0,47%), lên 1.279,3 điểm với 212 mã tăng và 136 mã giảm, cùng 54 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 271 triệu đơn vị, giá trị 10.086 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và gần 30% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,3 triệu đơn vị, giá trị 2.727,5 tỷ đồng, gấp 2 lần về khối lượng và 4 lần về giá trị so với phiên sáng qua. Như vậy, nếu xét riêng về khớp lệnh, thanh khoản phiên sáng nay cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít so với phiên sáng qua.

Trong nhóm ngân hàng, TCB là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 12 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 50.800 đồng. Tiếp đến là STB với 8,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,4% lên 28.200 đồng, MBB gần 7,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 28.200 đồng.

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán lại có sự phân hóa khi số mã giảm và tăng khá cân bằng, dù cũng đồng loạt báo cáo lãi khủng. Trong đó, SSI sau khi tăng trần hôm qua đã quay đầu điều chỉnh giảm 0,9% trong phiên sáng nay, xuống 52.200 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị.

Cũng vừa báo lãi lớn là VCI cũng quay đầu giảm nhẹ 0,2% xuống 50.300 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị, sau phiên tăng mạnh trước đó. Trong khi đó, FTS và VIX tăng giá, nhưng thanh khoản không cao.

Nhóm cổ phiếu thép cũng không còn giữ được sức nóng của phiên hôm qua khi HPG, NKG, TLH lùi về tham chiếu, chỉ còn HSG duy trì đà tăng 2,7% lên 36.350 đồng, POM tăng 1,5% lên 13.700 đồng, SMC tăng nhẹ 0,3% lên 39.600 đồng. Trong đó, HPG và HSG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 13,5 triệu đơn vị và 10,5 triệu đơn vị.

BCG cũng có diễn biến tích cực sáng nay khi đóng cửa tăng 0,9% lên 11.450 đồng, khớp 224.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này cũng có diễn biến tương tự VN-Index khi giằng co quanh 305,5 điểm, nhưng yếu đà về cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,87 điểm (+0,62%), lên 302,98 điểm với 88 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34 triệu đơn vị, giá trị 793 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,6 triệu đơn vị, giá trị 413,5 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán trên sàn này cũng có sự phân hóa, VND tăng 1,2% lên 41.900 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị; SHS tăng 1% lên 40.000 đồng, khớp gần 1,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, BVS, BSI, APS, TVB, EVS giảm giá, IVS, MBS, VIG, HBC và ART đứng giá tham chiếu.

Ngoài VND và SHS, sáng nay sàn HNX còn nhận được sự hỗ trợ của một số bluechip khác như SHB, PVS, NVB, THD. Trong đó, PVS và SHB có thanh khoản tốt nhất với hơn 4 triệu đơn vị và gần 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,9% lên 23.000 đồng và 0,4% lên 27.200 đồng.

Hai tân binh trong nhóm dịch vụ bất động sản là DXS và KHG cũng có giao dịch tích cực sáng nay, trong đó KHG tiếp tục tăng trần lên 23.500 đồng, khớp gần 0,7 triệu đơn vị, còn DXS hồi phục 2,9% lên 28.800 đồng, khớp gần 0,6 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM lại duy trì đà tăng khá tốt sáng nay, dù có đôi lúc gặp rung lắc nhé.

Đóng cửa UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,91%), lên 84,45 điểm với 158 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,3 triệu đơn vị, giá trị 428 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 56,5 tỷ đồng.

Hàng loạt mã đáng chú ý trên thị trường này đều tăng giá tốt, trong đó BSR tăng 2,4% lên 16.800 đồng, thanh khoản 3,1 triệu đơn vị. CTR tăng 4,7% lên 77.900 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. QTP tăng 2,9% lên 14.100 đồng, khớp 0,94 triệu đơn vị. Nhóm ngân hàng và chứng khoán với BVB, ABB, SBS, ORS, AAS đều tăng giá.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của VGI, VEA, PGV, OIL, QNS.

Tin bài liên quan