Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: Chứng khoán vỡ đáy vì dịch

Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: Chứng khoán vỡ đáy vì dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường mở cửa phiên sáng nay dễ tạo sự liên tưởng tới cú lao dốc 30% của chứng khoán đầu năm 2020, khi giảm thẳng đứng với toàn thị trường chìm trong sắc đỏ. 

Kết thúc phiên thứ Sáu tuần trước (16/7), đa số các nhận định vẫn cho rằng, VN-Index sẽ có nhịp tăng thêm để kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ở vùng 1.320 điểm trước. Điều này đã không xảy ra khi tình hình dịch bệnh trở lên phức tạp và nhiều địa phương, và sáng đầu tuần hôm nay chứng khoán mở cửa với sắc đỏ bao trùm.

Nói một cách công bằng thì đà giảm đã xuất hiện từ đầu tháng 7/2021 khi VN-Index trượt khoảng 150 điểm từ mốc 1.420 điểm xuống 1.270 điểm, dịch bệnh chỉ là cái cớ để sóng hồi mất nhịp và đà rơi tiếp tục.

Điều may mắn trong nửa đầu phiên sáng nay là lực bán dường như không quá mãnh liệt khiến VN-Index dù giảm điểm nhưng chưa đến mức bán tháo. VN-Index lúc giảm sâu nhất cũng chỉ trong khoảng 3% xuống ngưỡng quanh 1.260 điểm, chốt phiên sáng là mức điểm thấp nhất 1.257,87 điểm. Vấn đề là số điểm thấp nhất này cũng đủ phá đáy giảm điểm của VN-Index 2 tuần qua (1.264,68 điểm ghi nhận vào phiên 14/7).

Việc VN-Index "vỡ đáy" có thể tạo nên 2 xu hướng là chỉ số tiếp tục giả về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn, và ngưỡng "hỗ trợ cứng" được xác định ở vùng 1.200 điểm (+/-), nhưng việc giảm sâu phiên sáng nay trong điều kiện lực cung thấp có thể khiến lực cầu bắt đáy xuất hiện trở lại khiến chỉ số sau nhịp hoảng loạn có thể hồi phục nhanh.

Thực tế thì chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhất 2 lần rõ rệt bởi dịch. Đầu tiên là vào đầu năm 2020, khi dịch bắt đầu xuất hiện tới cao điểm phải giãn cách xã hội, VN-Index từ vùng gần 1.000 điểm hồi tháng 1/2020 đã lao về đáy cuối tháng 3/2020 ở mốc 645 điểm, mất khoảng 30%. Sau đó khi dịch tái bùng phát vào tháng 8/2020, VN-Index mất đi khoảng 10% số điểm. Còn nhịp giảm mạnh từ 1.200 điểm xuống 1.000 điểm vào tháng 1/2021 vừa qua, dù khá mạnh, nhưng đợt giảm này không hoàn toàn là phản ứng do dịch tái bùng phát.

Trong đợt giảm điểm đang diễn ra từ đầu tháng 7 này, lý do chính có lẽ vẫn là việc thị trường đã tăng nóng và cần một nhịp điều chỉnh, dịch đang xảy ra chỉ là yếu tố cộng thêm mà thôi. Đây là cơ sở để kỳ vọng thị trường không bị bán tháo như đã từng xảy ra đầu năm 2020.

Về diễn biến giao dịch, đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn khiến hàng trăm mã giảm điểm, trên sàn HOSE, chỉ còn vài chục mã giữ được sắc xanh. Trong đó, nhóm VN30 cũng hầu hết đều giảm sâu, với nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đều giảm trên 3%.

Tuy nhiên, trong nhóm VN30 vẫn có những điểm sáng, điển hình là cặp đôi MSN và KDH đi ngược xu hướng thị trường. Trong đó, cổ phiếu KDH có thời điểm xác lập mức giá trần nhưng sau đó đã hạ độ cao và giữa phiên sáng KDH và MSN có mức tăng trên 2-3%.

Bên cạnh KDH, một số mã bất động sản cũng giao dịch khởi sắc, bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ như HDG, HDC, NLG, SZC đang tăng điểm. Trong thời gian vừa qua, nhiều môi giới đã khuyến nghị khách hàng cặp MSN-HDG, với tư cách các mã chiến thắng thị trường khi vẫn giữ được nhịp tăng điểm khi thị trường giảm mạnh.

Phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu y tế ghi điểm khi nhiều mã ở nhóm này có tín hiệu tốt như TRA, TNH, DMC, IMP, DBT đều tăng, VPS tăng kịch trần.

Ngoài một số điểm sáng còn le lói, thị trường vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan hơn khi lực bán lớn vẫn diễn ra trên diện rộng. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 34 điểm, tương ứng giảm hơn 2,6% và lùi về sát mốc 1.260 điểm.

Mặc dù thanh khoản có chút cải thiện nhưng chưa đủ mạnh để chặn đà rơi của thị trường khi lực bán chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Điều đáng nói hơn là càng về cuối phiên, tâm lý chờ đợi điều bất ngờ có thể xẩy ra khó thành hiện thực khiến lực cung giá thấp ồ ạt tung ra, đẩy thị trường tiếp tục giảm sâu, chỉ số VN-Index dễ dàng thủng mốc 1.260 điểm và có nguy cơ lùi sâu hơn.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 322 mã giảm và chỉ 57 mã tăng, VN-Index giảm 41,44 điểm (-3,19%) xuống mức 1.257,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 345,8 triệu đơn vị, giá trị 10.711,29 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và 19,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 16/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,8 triệu đơn vị, giá trị 752,55 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn chỉ còn 2 mã KDH và MSN giữ được sắc xanh, nhưng biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể, trong đó MSN chỉ còn giữ mức tăng hơn 0,5%.

Trái lại, đà giảm của các cổ phiếu bluechip khác khá sâu. Trong đó, dòng bank hầu hết đều giảm trên dưới 4% như BID, VCB, CTG, HDB, MBB, TCB, TPB, VPB, MBB, đáng kể là LPB và VIB lùi về sát mức giá sàn khi cùng giảm hơn 6%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm sâu, trong đó SSI giảm 3,8% xuống mức 50.800 đồng/CP, các mã khác như HCM, CTS, BSI, AGR, APG đều giảm trên 5%, VIX giảm sàn…

Nhóm thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường với các mã HPG, HSG, POM, TLH đều giảm trên dưới 4-5%, đáng kể NKG giảm sàn. Nhóm dầu khí với GAS và PLX giảm trên dưới 3%, PVT và PVD đều giảm trên 5%...

Cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 là MWG giảm 5,7%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 158.600 đồng/CP; tiếp theo là SBT giảm 5% xuống mức 18.050 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đều giảm sâu, trong đó FLC giảm 5% xuống mức 10.500 đồng/CP, còn ROS giảm 6,8% về sát mức giá sàn 4.690 đồng/CP. Các mã khác như HNG, HQC, FIT… đều giảm trên 5%.

Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng thành công, điển hình là các cổ phiếu trong nhóm y dược với các mã DHG, IMP tăng hơn 1-2%, TRA và JVC cùng tăng 4%, DMC tăng hơn 6%, DBP và VPS đều tăng trần.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh cũng xuyên suốt cả phiên sáng, đặc biệt gia tăng về cuối phiên khiến HNX-Index thủng mốc 300 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 27 mã tăng và 148 mã giảm, HNX-Index giảm 8,5 điểm (2,76%) xuống 299,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,08 triệu đơn vị, giá trị 1.142,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,43 triệu đơn vị, giá trị 230,28 tỷ đồng.

Một số mã lớn le lói sắc xanh và đóng vai trò là những má phanh của thị trường như VCS tăng 1,9% lên 206.200 đồng/CP, CAP và THD tăng trên dưới 1%.

Còn lại đều điều chỉnh giảm, đáng kể là các mã lớn như SHB, PVS, PVB, SHS, PVB… đều giảm trên 5%. Trong đó, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với hơn 10,1 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Các mã khác trong nhóm ngân hàng như NVB và BAB cùng giảm trên dưới 4%; hay chứng khoán cũng đồng loạt giảm sâu như VND, BVS, MBS, ART, APS, VIG…

Cổ phiếu mới DXS cũng trở lại với sắc đỏ khi giảm 3,3% xuống mức 29.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường khiến UPCoM-Index giảm sâu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,82 điểm (-2,13%) xuống 83,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,35 triệu đơn vị, giá trị 507,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,99 triệu đơn vị, giá trị 162,76 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 8,87 triệu đơn vị được giao dịch thành công và tạm chốt phiên đứng tại mức giá 16.800 đồng/CP, giảm 6,7%.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giảm sâu như VGT giảm 6,2% xuống 15.100 đồng/CP, VEA giảm 3,5% xuống 38.400 đồng/CP, MSR giảm 1,6% xuống 18.900 đồng/CP, VGI giảm 3,5% xuống 27.900 đồng/CP…

Các mã ngân hàng như PGB, SGB, NAB đều giảm trên dưới 5%, ABB giảm 7,6% xuống 19.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan