Giao dịch chứng khoán sáng 19/4: Thị trường hồi phục, cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh

Giao dịch chứng khoán sáng 19/4: Thị trường hồi phục, cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù gặp rung lắc do áp lực chốt lời vẫn lớn, nhưng dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tốt giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần qua. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa rõ nét giữ các nhóm, thậm chí giữa các mã cổ phiếu trong cùng nhóm.

Chỉ số VN-Index tiếp tục bỏ xa mốc 1.200 điểm và liên tục xác lập đỉnh lịch sử mới khiến thị trường trở nên nóng hơn. Và trong tuần giao dịch vừa qua, áp lực bán chốt lời đã gia tăng mạnh khiến thị trường có những nhịp rung lắc, thậm chí chao đảo mạnh.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch cuối tuần, sau biến động giằng co ở phiên sáng, thị trường đột ngột cắm đầu đi xuống khi để mất tới hơn 20 điểm trong phiên chiều. Tuy nhiên, một số mã lớn đã tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò của mình, một lần nữa giúp thị trường thu hẹp biên độ đáng kể.

Mặc dù thị trường trải qua tuần biến động khá mạnh nhưng về tổng thể VN-Index vẫn duy trì đà tăng điểm với thanh khoản ấn tượng.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB dự báo tuần tới đây, xu hướng thị trường vẫn sẽ là điều chỉnh.

Trong 1 - 2 tuần gần đây, chỉ số VN-Index tăng do cổ phiếu lớn dẫn dắt, đặc biệt ấn tượng là VIC, HPG và MSN. Nhóm cổ phiếu cơ bản đã phân hóa và có nhiều cổ phiếu điều chỉnh khá mạnh. Nhóm penny có lẽ được nhà đầu tư quan tâm hơn cả với khá nhiều cổ phiếu tăng nóng. Diễn biến này khiến cho thị trường có áp lực bán và điều này sẽ ngày càng lớn hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 19/4, lực cầu nhập cuộc tích cực ngay từ đầu phiên và hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp VN-Index hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa và vượt xa mốc 1.240 điểm.

Tuy nhiên, với tâm lý nhà đầu tư cứ lên là bán khiến thị trường khó bền vững. Chỉ sau khoảng gần 30 phút giao dịch khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index đã để mất hơn 12 điểm và lùi về sát mốc 1.230 điểm.

Sau đó thị trường đã nhanh chóng bật ngược đi lên và tiếp tục biến động rung lắc quanh vùng giá 1.240 điểm trước áp lực bán chiếm áp đảo.

Bên cạnh nhóm bluechip giao dịch phân hóa, ở nhóm cổ phiếu thị trường áp lực bán tăng mạnh khiến nhiều mã giảm sàn như SJF, DLG, TGG, FTM. Đặc biệt, DLG xác nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau khi đưa ra báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 với việc ghi nhận khoản lỗ gần 1.000 tỷ đồng và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động. Sau khoảng 90 phút giao dịch, DLG đã dư bán sàn hơn 17,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ROS cũng giảm nhiệt do áp lực bán chốt lời tăng mạnh, thậm chí có thời điểm lùi về gần mức giá sàn và hiện đang quay quanh vùng giá 8.000 đồng/CP.

Sau nhịp rung lắc trong nửa đầu phiên, thị trường đã giao dịch khởi sắc hơn nhờ sự dẫn dắt của một số mã bluechip cùng nhiều mã lớn bé đảo chiều hồi phục.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 226 mã tăng và 189 mã giảm, VN-Index tăng 4,66 điểm (+0,38%), lên 1.243,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 520,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 11.693 tỷ đồng, giảm 16,16% về khối lượng và 10,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngatf 16/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,95 triệu đơn vị, giá trị 844,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch phân hóa với 16 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó các mã bất động sản vẫn là điểm nhấn với VHM tăng 2,2% lên 103.200 đồng/CP, PDR tiếp tục có phiên ấn tượng khi tăng 6,8% lên sát mức giá trần 75.800 đồng/CP, KDH cũng có thời điểm khoác áo tím và hiện tăng 5,4% lên 33.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn giữ sắc xanh dù biên độ tăng hẹp hơn như BID, BVH, GAS, FPT tăng trên dưới 1%.

Cổ phiếu thép có phiên giao dịch tích cực khi phần lớn đều khởi sắc với HPG tăng 2,7% lên 56.100 đồng/CP, HSG tăng 1,9% lên 32.100 đồng/CP, NKG tăng 2,2% lên 26.100 đồng/CP, POM và VIS cùng xác lập mức giá trần.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các mã ngân hàng vẫn chưa hồi phục dù mức giảm không quá lớn với VCB, CTG, MBB, TCB, VPB đều giảm dưới 1%.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm bluechip là VRE với mức giảm 1,8% xuống 33.350 đồng/CP. Các mã khác như VNM, SBT và POW có mức giảm hơn 1%, còn lại chỉ lình xình giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu nóng, ROS rung lắc và tạm dừng phiên sáng nay ở mức 7.700 đồng/CP, giảm nhẹ 0,1% với khối lượng khớp lệnh vẫn vượt trội, đạt 57,42 triệu đơn vị. Người anh em FLC giảm tới 5,1% xuống mức 13.150 đồng/CP và khớp 21,5 triệu đơn vị.

Các mã khác như HQC, AMD, ITA, HAI, HAG, TTF, TGG, SJF… cũng đều đi lùi. Đáng kể DLG giảm 6,8% xuống mức giá sàn 3.720 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị cùng lượng dư bán sàn tới 18,83 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng khiến thị trường có thời điểm giảm sâu, nhưng lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên đã giúp HNX-Index thoát hiểm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 126 mã giảm, HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,25%), lên 293,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 101,62 triệu đơn vị, giá trị 1.817,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,84 triệu đơn vị, giá trị gần 161 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng SHB hồi phục mạnh khi tăng 3,1% lên mức cao nhất trong phiên 26.600 đồng/CP, cùng THD, SHS, BAB, VIF hồi nhẹ, là động lực giúp thị trường đảo chiều thành công.

Không chỉ bật cao về giá, cổ phiếu SHB cũng dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 22,4 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đáng kể trong nhóm HNX30 có SLS mặc dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng đã nhanh chóng đảo chiều tăng vọt và chốt phiên ở mức giá trần 140.800 đồng/CP, tăng 10% với khối lượng khớp lệnh đạt 33.000 đơn vị và dư mua trần 12.100 đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu CEO tiếp tục lùi sâu khi chốt phiên sáng nay giảm 6,1% xuống mức 10.700 đồng/CP. Cùng các mã lớn như VCS giảm 1,7% xuống 91.800 đồng/CP, PVS giảm 1,7% xuống 23.000 đồng/CP, IDC giảm nhẹ…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu KLF cũng đảo chiều giảm mạnh, thậm chí có thời điểm rơi xuống mức giá sàn. Chốt phiên, KLF giảm 5,8% xuống mức 6.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 10,83 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường nhanh chóng quay đầu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,22%), xuống 81,61 điểm với 114 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,25 triệu đơn vị, giá trị 408,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,98 triệu đơn vị, giá trị 59,71 tỷ đồng.

Nhiều mã nhỏ trên UPCoM cũng quay đầu điều chỉnh, trong đó VHG giảm 14,3% xuống mức giá sàn 3.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 5,94 triệu đơn vị và dư bán sàn 262.300 đơn vị. Các mã khác như SDP, KSH, KHB, CI5… đều giảm sàn.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, BSR giảm 1,8% xuống 16.200 đồng/CP, MSR giảm 2,8% xuống 21.100 đồng/CP, OIL giảm 3,5% xuống 13.700 đồng/CP, VGT giảm 3,8% xuống 15.000 đồng/CP, VGI giảm 1,6% xuống 36.200 đồng/CP…

Tin bài liên quan