Giao dịch chứng khoán sáng 19/2: Áp lực bán gia tăng mạnh, đột biến ACB

Giao dịch chứng khoán sáng 19/2: Áp lực bán gia tăng mạnh, đột biến ACB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh khiến thị trường đảo chiều giảm, thậm chí tại thời điểm đầu phiên, chỉ số VN-Index đã rơi gần 20 điểm. Điểm nhấn thị trường là sức hút của dòng bank với tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu ACB.

Không như 2 đợt bùng dịch Covid-19 trước đó, phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam trước đợt bùng phát lây nhiễm thứ ba với tâm điểm là Hải Dương được đánh giá có phần bình tĩnh hơn. Thị trường chỉ đột ngột giảm sâu trong phiên giao dịch đầu tiên ngay khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngoài cộng đồng sau khoảng 55 ngày liên tiếp không ghi nhận.

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng đảo ngược tình thế và hồi phục mạnh. Chỉ trong khoảng 1 tuần sau đó, thị trường dường như đã lấy lại những gì đã mất, chỉ số VN-Index hồi phục trở về mức trước đó, trong khi đợt bùng dịch lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 7/2020 phải cần thời gian dài hơn 1 tháng.

Bên cạnh đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu khá dài ngày, tâm lý nhà đầu tư cũng nhập cuộc sôi động, hơn hẳn so với những dịp lễ tết trong những năm trước. Dòng tiền chảy mạnh và luân chuyển qua các nhóm ngành tiếp tục dẫn dắt VN-Index lên những mức cao hơn. Chỉ trong 2 phiên đầu năm, chỉ số này đã tăng hơn 5% và tiến gần hơn với vùng đỉnh 1.200 điểm.

Không chỉ lực cầu nội, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần tích cực hỗ trợ tâm lý thị trường khi liên tiếp duy trì trạng thái mua ròng mạnh. Trong 2 phiên đầu năm mới, khối ngoại đã mua ròng trên 500 tỷ đồng mỗi phiên và tính tổng cộng lên tới gần 1.300 tỷ đồng.

Với diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn khá tự tin về xu hướng tăng của thị trường. Theo BVSC dự báo, VN-Index sẽ tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ có biến động rung lắc trong phiên với sự phân hóa rõ nét hơn giữa các dòng cổ phiếu.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 19/2, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh sau 3 phiên tăng liên tiếp khiến thị trường nhanh chóng chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa, chỉ số VN-Index bay gần 20 điểm và lùi về dưới mốc 1.160 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp thị trường nhanh chóng bật ngược đi lên, chỉ số VN-Index lấy lại mốc tham chiếu sau khoảng 1 giờ giao dịch và đã le lói sắc xanh.

Nhưng diễn biến phân hóa khá mạnh từ thị trường, cùng việc thiếu trụ đỡ khiến VN-Index tăng kém bền vững.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm của thị trường. Sau khoảng hơn 80 phút giao dịch, bộ 3 gồm MBB, ACB và STB đang dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch vượt trội trong khoảng 10-20 triệu đơn vị. Đặc biệt, ACB có thời điểm được kéo lên mức giá trần và hiện đang tăng 5% lên mức 30.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến, lên tới hơn 18 triệu đơn vị.

Sau nhịp hồi nhẹ vào giữa phiên, thị trường đã đảo chiều trở lại với sắc đỏ và biến động lình xình dưới vùng giá tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 164 mã tăng và 235 mã giảm, VN-Index giảm 4,45 điểm (-0,38%), xuống 1.169,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 422,82 triệu đơn vị, giá trị 10.690,72 tỷ đồng, đi ngang cả về lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 584,85 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã ngân hàng là BID, MBB và STB có tín hiệu xanh. Trong đó, MBB tăng tốt nhất với biên độ 2,5% và tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá 26.850 đồng/CP, thanh khoản cũng sôi động dẫn đầu thị trường, đạt gần 26,7 triệu đơn vị.

Mặc dù không thuộc nhóm cổ phiếu VN30 nhưng thành viên mới của nhóm ngân hàng là ACB đã có phiên giao dịch đột biến cả về giá và thanh khoản.

Chốt phiên sáng nay, ACB tăng 5,7% lên mức 30.800 đồng/CP và có thời điểm được kéo lên kịch trần. Khối lượng khớp lệnh lên tới 23,32 triệu đơn vị, gần bằng thanh khoản cả phiên cao nhất ngày 9/12/2020 kể từ khi chuyển sàn sang HOSE.

Trái lại, có tới 24 mã trong nhóm VN30 giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó các mã FPT, GAS, HPG, KDH, MWG, NVL, REE, TCH, VCB, VNM, VPB và VRE có mức giảm trong khoảng 1-2%, cổ phiếu SBT giảm mạnh nhất trong nhóm với biên độ giảm 2,8% xuống 22.700 đồng/CP.

Không chỉ GAS, các mã khác trong nhóm họ P như PVD, PVT, PSH cũng đảo chiều giảm. Trong đó, PVD chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng giá khi giảm 2,8% và tạm dừng phiên sáng nay tại mức 22.750 đồng/CP, khối lượng khớp đạt gần 14,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng diễn ra tương tự, sau khoảng 1 giờ mất điểm, thị trường đã hồi nhẹ và biến động rung lắc quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 71 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,08%), xuống 230,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,29 triệu đơn vị, giá trị 1.245 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 48 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, các cổ phiếu họ P trên sàn HNX cũng lần lượt đảo chiều như PVS giảm 2,8% xuống 21.200 đồng/CP, PVB giảm 3,6% xuống 18.800 đồng/CP, PVC giảm 1,1% xuống 9.000 đồng/CP.

Thêm vào đó, một số mã lớn khác như THD, VCS, IDC, PVI, SHS, PHP… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, sau phiên tăng trần hôm qua, cổ phiếu CEO đã hạ nhiệt nhưng vẫn là điểm sáng của nhóm HNX30 khi tăng 4,7% lên mức 11.200 đồng/CP và khớp lệnh 4,43 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB dẫn đầu trên HNX với hơn 13 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là PVS khớp 10,86 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch khởi sắc trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,78 điểm (+1,03%), lên 76,12 điểm với 151 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,53 triệu đơn vị, giá trị 582 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 10,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi quay đầu giảm 4% xuống mức 12.000 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM, đạt gần 13,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã lớn khác giao dịch tích cực, là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm. Cụ thể như VGT tăng 5% lên 18.800 đồng/CP, LTG tăng 6,7% lên 31.800 đồng/CP, MSR tăng 4,4% lên 21.400 đồng/CP, VGI tăng 1,5% lên 41.200 đồng/CP…

Tin bài liên quan