Giao dịch chứng khoán sáng 19/1: Cú knock out không tưởng

Giao dịch chứng khoán sáng 19/1: Cú knock out không tưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong một buổi sáng, VN-Index lập liên tiếp các kỷ lục từ số điểm tuyệt đối mất đi trong 1 phiên, thanh khoản cao nhất trong 1 phiên, có thể là số mã giảm sàn trong 1 phiên nữa. Sáng nay, 19/1/2021, cần ghi vào lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Chuỗi tăng điểm quá dài của chứng khoán Việt Nam tạo ra một tâm lý "tai hại" là thị trường không thể giảm sâu được, tiền mới rất nhiều sẽ kéo thị trường điều chỉnh ngay trong phiên.

Những "chân lý" mới như kiểu "bán là thua, mua là được", "rút phích", "cá cơm ăn hàng cá mập", "F0 hung hãn",... thường xuyên được nhắc lại. Tất cả đều tạm quên đi một điều là có tăng thì phải có giảm. Chỉ có điều mức giảm sáng nay được gọi là thảm họa.

Diễn biến tâm lý giao dịch có thể nhìn rõ qua các "tút" trên các diễn đàn chứng khoán. Khi thị trường bắt đầu giảm nhẹ đầu phiên, sự hồ hởi lên cao với các đánh giá "điều chỉnh là tốt", "cơ hội tái cơ cấu danh mục".

Nhưng sau 10h sáng, khi VN-Index thủng mốc 1.180 điểm khi để mất tới gần 15 điểm với việc ghi nhận tới 318 mã giảm, gấp 2,5 lần số mã tăng thì sự lo ngại đã xuất hiện. Lo ngại ở cả 2 vấn đề, đây có thể là một phiên phân phối và lo ngại về khả năng nghẽn mạng xuất hiện ngay từ sớm.

Đến 11h, sự lo ngại đó thành sự thật và một cơn cuồng loạn diễn ra. Lệnh bán tung ra ồ ạt với tâm lý "có lời rồi, chốt thôi" khiến chỉ số lao dốc gần hết biên độ 6,27% và số tuyệt đối là 74 điểm với VN-Index. Lâu lắm rồi tình trạng "múa bên trăng" mới tái diễn, có lẽ là từ hồi tháng 4/2020. Các mã lớn nhỏ thi nhau nằm sàn, kể cả những mã sáng còn dư mua trần.

Phiên chiều nay trở lên khó đoán khi các chỉ số đã rơi gần hết biên độ. Không có tin xấu xuất hiện, mà thị trường đơn giản là phản ứng với đợt tăng quá mức trước đó. Nếu có chăng chỉ là tin đồn về việc siết tiền, nhưng vừa được Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng lên tiếng phủ định.

Biết đâu đó, cuộc chơi mới lại bắt đầu rất sớm và đầy bất ngờ như cách mà thị trường thể hiện trong phiên sáng.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 74,71 điểm (-6,27%), xuống 1.117,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 827,86 triệu đơn vị, giá trị 16.159 tỷ đồng, tăng gần 83% về khối lượng và gần 60% về giá trị so với phiên sáng đầu tuần ngày 18/1. Như vậy, chỉ tính riêng phiên sáng nay, thanh khoản đã đạt xấp xỉ cả phiên trong thời gian gần đây.

Hàng trăm mã trên sàn giảm sàn, trong đó đáng kể là phần lớn các mã trong nhóm bluechip cũng không thoát khỏi tình trạng chung, là tác nhân chính khiến thị trường lao thẳng đứng.

Cụ thể, toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm sâu, chỉ mỗi VJC giảm chưa tới 3%, còn lại hầu hết đều trên 6% với 14 mã nằm sàn. Trong đó, đáng kể là dòng bank với các mã BID, CTG, EIB, HDB, MBB, VPB, STB chốt phiên trong sắc xanh mắt mèo; VCB và TCB giảm trên dưới 6,5% về sát sàn.

Không chỉ bluechip cắm đầu đi xuống, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng lần lượt đáp sàn, mặc dù nhiều mã mở cửa phiên tăng trần. Điển hình là ROS chốt phiên giảm 7% xuống 3.480 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 81,17 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, HQC cũng giảm 6,9% về mức giá sàn 2.830 đồng/CP và khớp 43,46 triệu đơn vị.

Điểm đáng chú ý là phần lớn các mã lớn bé giảm sàn đều trong trạng thái dư bán sàn và bên mua vắng bóng. Điều này cho thấy cuộc tháo chạy khiến nhà đầu tư F0 dường như đã cảm thấy sợ và không còn hung hãn như thời gian vừa qua.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng diễn ra tương tự, đà bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến thị trường cắm thẳng đứng trong 30 phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 187 mã giảm, HNX-Index giảm 8,4 điểm (-3,65%), xuống 222,1 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản cũng tăng vọt với tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 206 triệu đơn vị, giá trị 2.920 tỷ đồng, đều tăng hơn 120% cả về lượng và giá trị, đồng thời vượt thanh khoản cả phiên hôm qua.

Trong nhóm HNX30 cũng có tới 11 mã giảm sàn, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ. Đáng kể các mã lớn như PVS, PVB, SHS, MBS, BVS giảm sàn, SHB và NVB cùng giảm hơn 9% về sát sàn…

Ở top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, ngoại trừ duy nhất THD sau công bố kết quả kinh doanh khả quan vẫn tăng tốt, với mức tăng 6,2% lên 146.000 đồng/CP và khớp gần 0,16 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp 36,53 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, các mã HUT, ART, KLF đều giảm sản và khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh nhạt cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn đầu phiên rồi nhanh chóng chìm sâu trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 3,86 điểm (-4,91%), xuống 74,69 điểm. Thanh khoản cũng tăng khá mạnh với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 65,65 triệu đơn vị, giá trị 983 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn giảm sâu là nhân tố chính đẩy thị trường đi xuống như BSR giảm 13% xuống 10.700 đồng/CP, MSR giảm sàn về mức giá 21.000 đồng/CP, OIL giảm 12,4% xuống 11.300 đồng/CP, VGI giảm 9,6% xuống 42.500 đồng/CP, VEA giảm 6,7% xuống 44.800 đồng/CP…

Trong đó, BSR vẫn giao dịch sôi động nhất UPCoM, đạt hơn 11 triệu đơn vị; tiếp theo là KSH khớp 4,47 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan