Giao dịch chứng khoán sáng 18/9: Tân binh "nổi loạn", VN-Index hụt mốc 900 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 18/9: Tân binh "nổi loạn", VN-Index hụt mốc 900 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường nhanh chóng hồi phục sau phiên điều chỉnh hôm qua nhờ sự trở lại của các bluechip. Tuy nhiên, tâm điểm của phiên sáng nay là thành viên mới TTA khi nổi sóng ngay từ đầu phiên.

Sau 4 phiên tăng liên tiếp và tiến sát ngưỡng kháng cự mạnh 900 điểm, thị trường đã gặp khó và giao dịch rung lắc trong phiên đáo hạn phái sinh ngày 17/9. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực bán mạnh tập trung ở các mã lớn VN30 đã khiến VN-Index quay đầu và để mất mốc 895 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ vẫn có diễn biến đi ngang với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong phiên cuối tuần. Chỉ số sẽ tiếp tục bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895-905 điểm.

Ngoài ra, thị trường có thể cũng sẽ xuất hiện các nhịp biến động mạnh do ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.

Đồng thời, công ty chứng khoán này đưa ra chiến lược đầu tư đối với các nhà đầu tư đã bán trước đó, có thể xem xét mở lại các vị thế mua trading tại vùng hỗ trợ 880-885 điểm của chỉ số.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 18/9, sau nhịp điều chỉnh hôm qua, hầu hết các bluechip đều đã lấy lại sắc xanh, hỗ trợ tốt giúp thị trường giao dịch khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn khá thăm dò cùng diễn biến tăng nhẹ của các mã lớn khiến VN-Index chưa thể bật cao, chỉ biến động nhẹ trên mốc 895 điểm.

Tâm điểm đáng chú ý là “tân binh” TTA (Trường Thành Group).

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển điện năng, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất tốt, nhưng với việc đầu tư nhiều dự án phát điện khiến Trường Thành Group đang phải gánh khoản nợ khá lớn cùng những nỗi lo từ “đầu vào” tới “đầu ra”.

Trong nửa đầu năm 2020, Trường Thành Group đạt doanh thu thuần 169,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, lần lượt tăng 58,9% và 91% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên mới chỉ hoàn thành 37,8% và 30% các mục tiêu cả năm.

Bên cạnh đó, dù quý III được dự báo sẽ cải thiện nhờ thời tiết miền Bắc bước vào cao điểm mùa mưa và giả định lợi nhuận Công ty sẽ tăng đột biến trong nửa cuối năm để hoàn thành các kế hoạch đề ra, thì các chỉ số hiệu suất so với quy mô tài sản, nguồn vốn hiện vẫn còn khá thấp.

Cụ thể, với quy mô tổng tài sản 4.113 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.583 tỷ đồng đến cuối quý II/2020, các chỉ số tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,07% và 2,8%.

Giả định Công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra với 140 tỷ đồng, ở quy mô tài sản hiện tại, các chỉ số ROA và ROE cũng mới tăng lên 4,4% và 8,8%.

Bất chấp những phân tích và đánh giá không mấy tích cực, TTA vẫn tạo sóng lớn ngay trong phiên chào sàn HOSE sáng nay 18/9.

Theo đó, dòng tiền tham gia sôi động giúp TTA tăng kịch trần ngay từ đầu phiên với giao dịch sôi động. Sau gần 40 phút giao dịch, TTA đứng tại mức giá trần 21.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,28 triệu đơn vị và dư mua trần 2,34 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu khác trong ngành năng lượng như BCG, ASM, LCG cũng giao dịch khá khởi sắc.

Trong đó, với cổ phiếu GEG, trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 100:8 và bán ưu đãi với tỷ lệ 4:1 hôm nay, cổ phiếu này đã có lúc được kéo lên mức giá trần nhưng sau đó có chút thu hẹp biên độ. Hiện GEG tăng hơn 6% lên sát mức giá trần (mức giá đã điều chỉnh) và tạm đứng tại mức 16.850 đồng/CP.

Hầu hết các cổ phiếu bluechip đều tiếp tục nhích bước trong nửa cuối phiên sáng giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp thị trường lấy lại mốc 900 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 192 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 4,95 điểm (+0,55%), lên 898,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 190,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.240 tỷ đồng, giảm hơn 4% về khối lượng và 2,54% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,3 triệu đơn vị, giá trị 483,18 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ có EIB và MWG giao dịch trong sắc đỏ với cùng mức giảm nhẹ 100 đồng/CP, còn lại có tới 24 mã tăng.

Tuy nhiên, chủ yếu các mã vẫn giữ mức tăng khá nhẹ ngoại trừ một số mã trong nhóm ngân hàng có mức tăng hơn 1%, hỗ trợ tốt giúp thị trường giữ nhịp như BID, CTG, TCB, MBB.

Cổ phiếu TCH cũng như phần lớn các bluechip khác khi hồi phục sắc xanh thành công. Như vậy, sau 4 phiên điều chỉnh liên tiếp, TCH đã đảo chiều tăng nhẹ 0,5% lên 20.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khá tích cực, đạt gần 1,7 triệu đơn vị, gần bằng thanh khoản trong cả phiên hôm qua (17/9).

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA có phần hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua khi +1,7%, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 4.680 đồng/CP và khớp lệnh hơn 9,3 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Điểm sáng thị trường vẫn thuộc về tân binh TTA với sắc tím được bảo vệ vững chắc. Chốt phiên, TTA tăng hết biên độ 20% lên mức giá trần 21.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,46 triệu đơn vị và dư mua trần tới 3,58 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường đã khởi sắc nhờ một số mã bluechip hồi phục hoặc nới rộng biên độ tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 46 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,2%), lên 128,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,13 triệu đơn vị, giá trị 279,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 20,53 tỷ đồng.

Một số mã bluechip giúp thị trường có được sắc xanh phải kể đến ACB, SHB, VCS, IDC, SHS…

Trong khi đó, các mã VCG, PVS, PVB, BVS… vẫn chưa thoát khỏi sự điều chỉnh nhẹ.

Cổ phiếu CEO vẫn rung lắc với những phiên tăng giảm xen kẽ và chốt phiên sáng nay +2,82% lên 7.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 2,98 triệu đơn vị.

Còn các mã ACB, SHS, PVS, BII, NVB… cùng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng cũng nhanh chóng được thiết lập sau nhịp rung lắc đầu phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,36%), lên 60,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 143,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị hơn 99 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ PVX sau 4 phiên không có giao dịch đã trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,8 triệu đơn vị được giao dịch thành công, tuy nhiên chốt phiên -5,6% xuống mức 1.700 đồng/CP.

Trong khi đó, LPB vẫn giao dịch tích cực khi +3% lên 10.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch gần 3,3 triệu đơn vị. Người anh em VIB cũng tăng tốt +4,3% lên mức 24.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan