Giao dịch chứng khoán sáng 18/1: Thị trường rung lắc, cổ phiếu penny đua nhau tăng trần

Giao dịch chứng khoán sáng 18/1: Thị trường rung lắc, cổ phiếu penny đua nhau tăng trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh, nhưng nhóm cổ phiếu penny vẫn không giảm nhiệt khi hàng loạt mã vẫn đua nhau khoe sắc tím cùng lượng dư mua trần lớn.

Mặc dù thị trường trải qua thời gian tăng nóng và liên tục leo lên mốc điểm cao hơn, tiến gần hơi với vùng đỉnh lịch sử khiến nguy cơ điều chỉnh trở nên cao hơn, nhưng thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm khá tốt trong 2 tuần đầu tiên của năm 2021. Chỉ số Vn-Index chỉ quay đầu giảm nhẹ duy nhất trong phiên giữa tuần qua (ngày 13/1) rồi nhanh chóng hồi phục trở lại.

Dòng tiền trong nước là một trong những nhân tố chính dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường với sự tham gia nhộn nhịp, tấp nập của nhà đầu tư F0, khiến thanh khoản liên tục xác lập mức kỷ lục.

Với diễn biến thị trường chung đang khá thuận lợi bởi việc dòng tiền đang lan tỏa dần ra khắp thị trường, ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với nhiều cổ phiếu penny đang hấp dẫn hơn so với rủi ro của nhóm này.

Dù vậy, ông Tùng cũng lưu ý, khi thị trường còn đang rung lắc tại ngưỡng kháng cự quan trọng 1.200 thì nhà đầu tư vẫn cần kiểm soát tỷ trọng nhóm cổ phiếu penny ở mức vừa phải để cân đối rủi ro cho danh mục chung.

Không nằm ngoài dự báo trên, bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 18/1, trong khi nhóm cổ phiếu bluechip diễn biến phân hóa mạnh thì nhóm penny đua nhau khoe sắc tím. Nhiều mã quen thuộc như FLC, HQC, DLG, TTF, HAI, ROS, TNT, AMD… đều trong trong thái dư mua trần khá lớn.

Đáng kể có những mã như CIG xác lập phiên tăng trần thứ 9 và vẫn giữ trạng thái dư mua trần. Chỉ tính trong hơn 10 phiên đầu năm 2021, cổ phiếu CIG đã tăng 68,2%.

Về diễn biến chỉ số chung, ngay sau khi tiến tới vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, lực cầu sôi động nhanh chóng giúp thị trường lấy lại sắc xanh.

Áp lực bán chốt lời gia tăng khiến thị trường rung lắc và với gánh nặng từ bluechip, chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên sáng trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 239 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,04%), xuống 1.193,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 452,42 triệu đơn vị, giá trị 10.362,21 tỷ đồng, giảm 15,77% về khối lượng và 10,87% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,26 triệu đơn vị, giá trị 567,86 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, nhiều mã lớn đều chốt phiên trong sắc đỏ như VIC, VHM, TCB, SSI, CTG, FPT…, đáng kể là GAS, SAB giảm 1,5%, lần lượt về mức 90.200 đồng/CP và 197.500 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, sắc xanh nhạt chỉ có ở lác đác vài mã như BID, VCB, VNM, PNJ, ngoại trừ VRE tăng 1,9% lên 37.400 đồng/CP, MSN có phần thu hẹp biên độ nhưng vẫn là một trong những mã tăng tốt nhất nhóm VN30 khi chốt phiên tăng 3,23% lên 96.000 đồng/CP.

ROS là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 có được sắc tím. Đây là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của ROS, lên mức 3.740 đồng/CP nhưng thanh khoản rơi xuống mức nhất, chỉ đạt hơn 2 triệu đơn vị và dư mua trần tới 20,93 triệu đơn vị.

Ngoài ROS, hàng loạt mã nhỏ khác như HQC, FLC, DLG, TNI, HAI, TSC, DAH, CIG… cũng khoe sắc tím và đều trong trạng thái dư mua trần khá lớn. Trong đó, HQC và FLC có thanh khoản tốt nhất nhóm, đạt 12-13 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng STB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, đạt 26,55 triệu đơn vị, nhưng sau 2 phiên tăng mạnh cuối tuần trước, mã này đã rung lắc và chốt phiên chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 21.150 đồng/CP.

Trên sàn HNX, giao dịch sôi động với tâm điểm là nhóm HNX30 tiếp tục dẫn dắt đà tăng tăng mạnh của thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 60 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 6,88 điểm (+3,05%), lên 232,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 91,12 triệu đơn vị, giá trị 1.318,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 22,14 tỷ đồng.

Bên cạnh mã vừa và nhỏ HUT và KLF tăng trần, trong nhóm HNX30 còn có thêm các mã NVB, TNG và NRC cũng khoe sắc tím. Các mã này giao dịch khá tích cực khi chủ yếu khớp vài triệu đơn vị.

Thêm vào đó, một số mã lớn cũng giao dịch khởi sắc, góp phần hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường, điển hình là mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX là THD của Thaiholdings đã có phiên tăng hết biên độ 10%, lên mức 137.500 đồng/CP.

Trái lại, SHB rung lắc và điều chỉnh nhẹ 0,5% xuống 19.100 đồng/CP với thanh khoản vẫn duy trì nhiệt sôi động, đạt 21,11 triệu đơn vị.

Ngoại trừ KLF và HUT, nhiều mã nhỏ khác như ART, ACM, DST, PVL, TTH, KVC, VIG, C69… cũng đều được kéo lên kịch trần và hầu hết đều dư mua trần.

Trên UPCoM, mặc dù mở cửa trong sắc xanh nhưng lực bán nhanh chóng gia tăng đã đẩy UPCoM-Index về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,16%), xuống 78,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,45 triệu đơn vị, giá trị 490 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 5,68 tỷ đồng.

Trong khi BSR quay đầu giảm 2,4% xuống mức 12.300 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, đạt 4,95 triệu đơn vị, thì người anh em OIL tăng 2,4% lên 12.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,95 triệu đơn vị.

Ngoài BSR, nhiều mã lớn khác như ACV, MCH, MSR, FOX… mất điểm, đã tạo áp lực cho diễn biến chỉ số chung của thị trường.

Tin bài liên quan