Giao dịch chứng khoán sáng 14/5: TTF tiếp tục nổi sóng, VN-Index giảm nhẹ

Giao dịch chứng khoán sáng 14/5: TTF tiếp tục nổi sóng, VN-Index giảm nhẹ

(ĐTCK) Trong khi chờ đợi xu hướng của nhóm cổ phiếu dẫn dắt bluechip, dòng tiền đã quay trở lại tìm kiếm cơ hội tại các mã nhỏ có tính đầu cơ cao, và kéo không ít mã tăng kịch trần từ sớm.

Trong phiên hôm qua, sau khi rơi thẳng đứng gần 20 điểm ngay khi mở cửa, lực cầu bắt đáy đã chảy mạnh kéo VN-Index trở lại tham chiếu.

Càng về cuối phiên, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh, giao dịch sôi động hơn và số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, VN-Index lại không thể bứt lên, mà chỉ lình xình quanh tham chiếu trước khi đóng cửa với sắc đỏ.

Theo BVSC thì mặc dù xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì với sự hỗ trợ của đường xu hướng tăng từ ngày 01/4, sự hình thành của nến spinning top trên đồ thị ngày cho thấy sự lưỡng lự của thị trường - cảnh báo rủi ro thị trường giảm điểm.

Tuy nhiên, vẫn cần phải có sự xác nhận của cây nến đỏ trong phiên 14/5 để rủi ro này có thể rõ ràng hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 14/5, có lẽ nhận ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới phiên đêm qua, chứng khoán trong nước cũng ít nhiều chịu tác động, khi VN-Index mở cửa nhanh chóng đánh mất gần 10 điểm.

Mặc dù sau đó cũng mất không lâu để VN-Index hồi dần, nhưng sức cầu không mạnh mẽ như phiên sáng qua để kéo VN-Index trở lại tham chiếu, mà chỉ lấy lại một nửa số điểm đã mất về quanh 830 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Độ rộng thị trường khá tiêu cực khi có gần 200 mã giảm và chỉ gần 120 mã tăng, trong khi đó, rổ VN30 có gần 25 mã đang giao dịch dưới tham chiếu, nhưng may mắn là các bluechip chưa cho thấy áp lực lớn khi đa số chỉ giảm nhẹ.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu thị trường hút dòng tiền, khi một số có thanh khoản cao và tăng kịch trần như TTF, HAI, LCG, HAR, FIT, CXM, TLH, DHM, VRC, FRT…

Thị trường diễn biến trong nửa sau của phiên không có nhiều điểm đáng kể, khi chỉ số gần như chỉ đi ngang quanh 830 điểm khi nhà đầu tư dừng lại quan sát xu hướng, thanh khoản theo đó suy giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 151 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,35%), xuống 831,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 182 triệu đơn vị, giá trị 2.906,2 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 22 triệu đơn vị, giá trị 445,1 tỷ đồng.

Các bluechip, cổ phiếu lớn phần lớn tạm kết phiên trong sắc đỏ, nhưng áp lực bán không lớn nên chỉ giảm nhẹ dưới 1% như VIC, VHM, GAS, CTG, SAB, MSN, MBB, HPG…

Giảm hơn đôi chút có HDB -1,9% xuống 23.250 đồng; VPB -1,7% xuống 23.500 đồng; VRE -1,6% xuống 24.100 đồng; FPT -1,5% xuống 48.600 đồng; PNJ -1,5% xuống 63.900 đồng; MWG -1,2% xuống 82.900 đồng; TCB -1,2% xuống 20.350 đồng; VJC -1,2% xuống 113.500 đồng.

Tăng điểm đáng kể có SSI +3,2% lên 14.500 đồng; STB +1,9% lên 10.150 đồng; TPB +1,6% lên 21.800 đồng, và VCB, BID, PLX tăng nhẹ.

Trong số kể trên, thanh khoản STB dẫn đầu nhóm và cả trên HOSE, vượt xa phần còn lại với hơn 8,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tiếp theo là MBB có 4,74 triệu đơn vị; SSI có 4,1 triệu đơn vị; ROS có 3,65 triệu đơn vị, tăng 1%; HPG có 3,4 triệu đơn vị. Nhóm VRE, POW, VPB, CTG có từ 2,2 triệu đến 2,64 triệu đơn vị...

Nhóm cổ phiếu thị trường hút mạnh dòng tiền và giữ sắc tím khi kết phiên có TTF, FIT, HAR, TVB, TLH, CMX, DHM, TGG, VRC.

Phần còn lại như HSG, FLC, HBC, ITA, HQC, HAI, AMD, HCM, IDI, HHS có sắc xanh, với HSG khớp lệnh cao nhất, và chỉ đứng sau STB trên sàn với hơn 7,37 triệu đơn vị.

Trái lại thì PVD, HAG, LDG, DPM, DRH, DCM, SZC kết phiên dưới tham chiếu…

Một số cổ phiếu đáng chú ý khác như HDG +6,7% lên 27.200 đồng; VCI +6,4% lên 23.200 đồng; GEX +4,6% lên 16.050 đồng; DCL +3,2% lên 20.950 đồng; VGC +3% lên 17.200 đồng...hay như PTB -3,2% xuống 46.250 đồng; PHR -3,2% xuống 45.200 đồng; CMG -3,1% xuống 28.500 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chủ yếu giằng co dưới vùng giá thấp sau nhịp giảm mạnh đầu phiên.

Nhóm cổ phiếu nhỏ trên HNX một số nổi bật, khi tăng kịch trần và thanh khoản cao như ART, HUT, KLF, MST, DST, HBK, SCI, MPT…

Trong khi phần còn lại đa số giảm, trong đó không ít các mã lớn như ACB -0,5% xuống 21.600 đồng; SHB -1,2% xuống 17.100 đồng; VCS -1,3% xuống 66.600 đồng; PVS -0,8% xuống 12.900 đồng; NVB -1,3% xuống 7.900 đồng; CEO -1,3% xuống 7.600 đồng; TAR -6,3% xuống 31.200 đồng; AMV -1,8% xuống 16.800 đồng…

Tăng điểm chỉ còn SHS +2,2% lên 9.400 đồng; DGC +4,6% lên 31.800 đồng; PLC +4,3% lên 16.900 đồng.

Thanh khoản PVX cao nhất sàn với hơn 8,2 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ đứng giá tham chiếu. Tiếp theo là 3 mã nhỏ ART có 4,88 triệu đơn vị; HUT có 3,77 triệu đơn vị; KLF có 2 triệu đơn vị. Các cổ phiếu SHB, ACB và PVS có từ 1,43 triệu đến 1,99 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,37%), xuống 111,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,44 triệu đơn vị, giá trị 243,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,82 triệu đơn vị, giá trị gần 3 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng rơi mạnh ngay khi mở cửa và nhích dần lên, nhưng không quá mạnh mà tương tự 2 sàn chính, khi đi ngang ở vùng dưới tham chiếu cho đến hết phiên.

Cổ phiếu BSR chiếm 1/3 thanh khoản và được giao dịch lớn nhất với hơn 4,48 triệu đơn vị đã tăng 3,2% lên 6.500 đồng.

Phần còn lại phân hóa với LPB, VIB, VGI, ACV, DVN, LTG, CTR giảm điểm, trong khi OIL, TND, C4G, QNS tăng.

Đáng chú ý, cổ phiếu VLC tăng kịch trần +15% lên 27.600 đồng, khớp gần 350.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%), xuống 53,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,59 triệu đơn vị, giá trị 134,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Tin bài liên quan