Giao dịch chứng khoán sáng 13/9: Lỗi hẹn với mốc 1.350 điểm, cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nóng

Giao dịch chứng khoán sáng 13/9: Lỗi hẹn với mốc 1.350 điểm, cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù cổ phiếu lớn SAB được kéo sát trần nhưng với sự thiếu vắng sự tham gia của các nhóm cổ phiếu trụ cột khiến VN-Index vẫn chưa thể thắng được mốc 1.350 điểm.

Thị trường có tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp sau nhịp điều chỉnh về dưới ngưỡng 1.300 điểm bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong khi dòng tiền trong nước chưa nhập cuộc sôi động. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn loay hoay ở ngưỡng 1.350 điểm và chưa thể dứt điểm khi chưa có sự tham gia của nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Về kỹ thuật, ngưỡng 1.350 điểm cũng là mức hồi về ngưỡng Fibonacci 61,8%, nên thị trường có sự thận trọng. Tuy vậy, thị trường hiện đang có mô hình tăng tiếp diễn cho cả ngắn hạn và trung hạn nếu vượt qua ngưỡng 1.354 điểm.

Theo nhận định của MBS, thị trường sẽ nghiêng về dao động đi ngang và tích lũy trước các thông tin quan trọng như kỳ review danh mục ETF và phiên họp của Fed trong tháng 9. Trong đó, nhóm cổ phiếu Midcap cơ bản tốt vẫn sẽ hoạt động tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 13/9, lực cầu trong nước vẫn thận trọng thăm dò khiến thị trường diễn ra khá chậm. Sự phân hóa của thị trường chung khiến chỉ số VN-Index chỉ nhúc nhắc xanh nhẹ khi mở cửa.

Tuy nhiên, sau khoảng 1 giờ nỗ lực giữ giá, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng đã khiến VN-Index rung lắc và có thời điểm điều chỉnh nhẹ về dưới mốc tham chiếu bởi sắc đỏ đang có phần chiếm áp đảo trên thị trường nói chung và nhóm bluechip nói riêng.

Đặc biệt, ở nhóm cổ phiếu tài chính, gần như sắc đỏ phủ khá kín, ngoại trừ một vài điểm xanh nhạt như VPB tăng chưa tới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu xây và bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung, đáng kể một số mã lớn như VHM, VIC, VRE, KDH giữ sắc xanh nhưng biên độ tăng khá hẹp, chưa tới 1%.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu SAB đang là điểm sáng với mức tăng vọt 5,5% và xoay quanh mức giá 160.000 đồng/CP, nhưng không đủ lực để giúp thị trường vững vàng đi lên.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là các cổ phiếu vừa nhỏ. Hàng loạt mã như SJF, TDH, VIP, VOS, APG, TCD, QBS, TGG, TCO vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi sắc tím tiếp tục được duy trì và hầu hết đều đang trong trạng thái trắng bên bán.

Còn xét về nhóm ngành thì nhóm cổ phiếu than vẫn là điểm sáng với các mã TVD, THT, TV6, MDC, HLC, NBC, TCS, TDN vẫn tăng khá mạnh.

Mặc dù có thời điểm tiếp cận mốc 1.350 điểm nhưng thiếu sự hỗ trợ từ các nhóm cổ phiếu trụ cột bank - chứng - thép, đã khiến VN-Index chưa thoát khỏi thử thách này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 197 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index tăng 3,04 điểm (+0,23%), lên 1.348,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 342,51 triệu đơn vị, giá trị 10.912,19 tỷ đồng, tăng 23,54% về khối lượng và 8,82% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 10/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,56 triệu đơn vị, giá trị 470,35 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch khá phân hóa với 13 mã tăng và 16 mã giảm và chủ yếu trong biên độ không quá lớn với mức tăng giảm xoay quanh biên độ 2%. Trong đó, đáng chú ý là cặp đôi cổ phiếu SAB và MWG hỗ trợ khá tốt cho xu hướng thị trường.

Cụ thể, cổ phiếu SAB tăng 6,9% lên sát mức giá trần 161.800 đồng/CP, còn MWG tăng 4,2% lên mức 123.900 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã tăng tốt khác như VIC, TPB, MSN, KDH tăng trên 1-2%.

Ở chiều ngược lại đáng kể có GVR giảm 2,8% xuống mức 38.200 đồng/CP; SSI, BVH, PNJ giảm hơn 1%; còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giao dịch khởi sắc. Các mã SJF, LDG, TDH, TNI, VIP, SKG, TCD, VRC, APG… tiếp tục trong trạng trắng bên bán và tăng kịch trần.

Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ ngoại trừ bộ đôi VPB và TPB tạm dừng chân trên mốc tham chiếu. Trong đó, VPB chỉ tăng nhẹ 0,6%, còn TPB tích cực hơn khi ghi nhận mức tăng hơn 2%; còn lại BID, CTG, MBB, ACB, STB, SSB, ICB, VIB, HDB… đều điều chỉnh nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Trong đó, đồng loạt cổ phiếu thép như HPG, HSG, TLH, NKG, POM, SMC giảm trên dưới 2%; còn ở nhóm chứng khoán hầu hết cũng mất điểm ngoại trừ một số mã ở top dưới như APG, ART, IVS, PSI, VIG khởi sắc.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu lớn VIC nới rộng đà tăng khi tạm dừng phiên sáng tại mức giá 92.900 đồng/CP, KDH tăng 2,2% lên mức 41.450 đồng/CP, các mã VHM, VRE, PDR, IJC, DXG, NTL… đều khởi sắc.

Nhóm cổ phiếu than dù sắc tím không còn phủ rộng như phiên cuối tuần trước nhưng vẫn tăng khá mạnh với TC6 tiếp tục tăng kịch trần, các mã TVD, TDN, THT tăng trên 5-7%, MDC tăng 8%; HLC, NBC, TCS tăng trên 2-4%.

Một trong những nhóm khởi sắc trong phiên sáng nay là nhóm dầu khí. Trong đó đáng chú ý là cặp đôi PVS và PVS tăng mạnh hơn 5%.

Về thanh khoản, trên sàn HOSE chỉ có 5 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị. Trong đó, đáng chú ý SCR dẫn đầu với 13,35 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên tăng 4,3% lên mức 12.050 đồng/CP.

Bên cạnh đó cũng là thành viên của nhóm bất động sản, TCH tiếp tục có phiên khởi sắc thứ 2 sau khi thực hiện điều chỉnh giá để chia cổ tức và thực hiện quyền mua cổ phiếu. Mở cửa, TCH tiếp tục khoe sắc tím nhưng đà tăng dần thu hẹp về gần mốc tham chiếu. Tạm chốt phiên sáng TCH tăng 1,2% lên mức 17.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,39 triệu đơn vị.

Mặc dù SJF tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo và chưa có nhiều doanh thu từ mảng gỗ tre nhưng cổ phiếu này đã xác lập phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp sau khi ghi nhận mức tăng khá tốt trong tháng 8, đặc biệt là thanh khoản bùng nổ trong phiên sáng nay. Chốt phiên, SJF tăng 6,9% lên mức giá trần 5.910 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 11,93 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,55 triệu đơn vị.

Hay một điểm sáng khác là cổ phiếu thuộc nhóm hóa chất – DGC khi chốt phiên tăng 6,8% lên sát mức giá trần 125.300 đồng/CP cùng thanh khoản cải thiện tích cực với hơn 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thanh khoản khá tốt giúp HNX_Index tiếp tục tăng khá tốt.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 95 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 2,46 điểm (+0,7%) lên 352,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,64 triệu đơn vị, giá trị 1.889,68 tỷ đồng, tăng 46,9% về lượng và 41,76% về giá trị so với phiên sáng 10/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,3 triệu đơn vị, giá trị 89,2 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, bộ đôi cổ phiếu dầu khí PVS và PVC tăng khá tốt trong phiên sáng nay, trong đó đáng chú ý là PVS có thanh khoản tăng mạnh với hơn 12,92 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu về giao dịch trên sàn HNX.

Ngoài ra, cũng thuộc dòng dầu khí, PVL cũng có phiên giao dịch tích cực khi tạm dừng phiên sáng tại mức giá trần 4.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,54 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ của một số mã lớn như THD, VCS, IDC, BAB… trong đó THD tăng khá mạnh lên mức 224.100 đồng/CP, tăng 2,3%.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng là điểm nhấn của thị trường trên sàn HNX với hàng loạt mã như VIG, BII, PVL, LIG, DST, TTH, ITQ… đều chốt phiên trong sắc tím.

Trong đó, cổ phiếu BII xác lập phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, lên mức giá 26.600 đồng/CP và đây là phiên tăng trần thứ 6 trong tổng số 7 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9. Tổng cộng từ đầu tháng 9 đến nay, giá cổ phiếu BII đã tăng hơn 70,5%.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,28%) xuống 95,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,7 triệu đơn vị, giá trị 1.253,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,43 triệu đơn vị, giá trị 41,54 tỷ đồng.

Cũng như nhiều cổ phiếu dầu khí khác, BSR đã lấy lại đà tăng tích cực trong phiên sáng nay và chốt phiên tăng 3,4% lên mức 18.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 là VGT tăng 4,2% lên mức 22.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 8 triệu đơn vị.

Một trong những cổ phiếu đáng chú ý trên UPCoM là DDV. Cổ phiếu này đã có chuỗi tăng mạnh mẽ kể từ giữa tháng 8 và trong nửa đầu phiên sáng nay vẫn duy trì sức nóng khi đứng vững trên mức giá trần với khối lượng dư mua trần chất khá lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời hiện rõ trong nửa cuối phiên khiến DDV mất sắc tím và chốt phiên tăng 10,5% lên mức 30.500 đồng/CP và khớp 4,33 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan