Giao dịch chứng khoán sáng 11/6: Xanh nhưng không bán!

Giao dịch chứng khoán sáng 11/6: Xanh nhưng không bán!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán luôn có bất ngờ và phiên sáng này khả năng sẽ là một bất ngờ như vậy.

Phiên giảm điểm ngày hôm qua, về mặt kỹ thuật, xác nhận thị trường vẫn trong nhịp điều chỉnh giảm từ đầu tuần. Vì vậy, trên các chat room phiên hôm qua và đầu sáng nay có rất nhiều lời khuyên là "cứ xanh là bán", thậm chí "tổng danh mục có lãi thì thì chốt toàn bộ danh mục, đứng ngoài quan sát",...

Diễn biến giao dịch đầu phiên sáng nay khá giống với kịch bản cứ xanh là bán này, nhiều mã trụ trong nhóm ngân hàng, dầu khí hầu hết chỉ giao dịch quanh giá tham chiếu lúc đầu phiên vì cứ được kéo lên thì lượng bán lại gia tăng.

Thanh khoản thị trường tăng chậm. Điểm tích cực là bảng điện vận hành đã có sức sống hơn, mang lại cảm hứng mua bán cho nhà đầu tư hơn những phiên cuối tuần trước và đầu tuần này.

Diễn biến chậm đầu phiên khiến kịch bản phiên cuối tuần giảm điểm trở lên khả tín, nhưng tất cả thay đổi trong chốc lát. Dòng ngân hàng như nhận lệnh, được kéo lên mạnh mẽ với mã dẫn sóng là CTG (Vietinbank) leo thẳng một mạch lên giá trần, các mã khác có mức giá tăng rất tốt.

Các cổ phiếu khác trong nhóm VN30 cũng tạo ra sự đồng thuận khi gần hết phiên sáng chỉ có 3 mã (REE, VNM, VPB) giao dịch trong sắc đỏ.

Trên thị trường chung có tới 237 mã có giá tăng, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản, đây là nhóm "mới nổi" nên chưa thực sự có mức tăng đều một vài phiên trước, nhưng hôm nay hầu hết đã có màu xanh, kể cả cổ phiếu DXG bị bán tháo mấy phiên trước đã hồi phục trở lại.

Ngoài ra phải kể tới nhóm penny, nhóm luôn nhận được dòng tiền mạnh khi các mã lớn có dấu hiệu tăng quá đà.

Nếu VN-Index tiếp tục giữ đà tăng này trong phiên chiều, rất có thể phiên cuối tuần hôm nay lại tạo ra một kịch bản bẻ trend giảm điểm nhanh chóng. Điều này rất có thể vì dòng tiền đang mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 290 mã tăng và 104 mã giảm, VN-Index tăng 22,94 điểm (+1,73%) lên 1.346,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 434 triệu đơn vị, giá trị 13.337 tỷ đồng, tăng 6,16% về khối lượng nhưng giảm 4,45% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,9 triệu đơn vị, giá trị 388,75 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất REE và VNM với mức giảm nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều tăng khá tốt.

Trong đó, điểm tựa chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đồng loạt đều tăng tốc. Đáng kể là CTG bất ngờ đảo chiều hồi và tăng tăng vọt về cuối phiên, với mức tăng 6,9%, cổ phiếu CTG đã tạm dừng phiên sáng nay ở mức giá trần 52.900 đồng/CP và khớp lệnh cũng tăng mạnh, vượt xa cả phiên giao dịch hôm qua, đạt 14,35 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,2 triệu đơn vị.

Thông tin khiến CTG bay cao là đã chính thức nhận quyết định tăng vốn.

Các mã tăng tốt khác trong nhóm phải kể đến như TCB tăng 5,4% lên 52.800 đồng/CP, TPB tăng 4,7% lên 36.900 đồng/CP, BID tăng 2,5% lên 45.000 đồng/CP, STB tăng 2,6% lên 19.400 đồng/CP, MBB tăng 4,9% lên 39.750 đồng/CP, HDB tăng 4,3% lên 34.100 đồng/CP, OCB tăng 4,9% lên 31.300 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt hồi phục khi không còn mã nào trong nhóm giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu SSI tăng 6,1% lên gần mức giá trần 49.850 đồng/CP và khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị; HCM tăng 3,4% lên 39.500 đồng/CP, BSI tăng 4,6% lên 20.600 đồng/CP…

Các nhóm khác như thép, bất động sản tiếp tục nới rộng biên độ tăng. Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG tăng 2,5% lên mức 52.900 đồng/CP, các mã HSG, TLH và POM có mức tăng trong khoảng 1-2%, NKG tăng 5,3% lên 31.700 đồng/CP, SMC tăng 2,9% lên 37.150 đồng/CP…

Các mã bất động sản và xây dựng đáng kể như DXG hồi phục sau 2 phiên liên tiếp giảm sàn với mức tăng 3,6% lên 24.450 đồng/CP, DIG tăng 1,2% lên 25.000 đồng/CP, IJC tăng 4,5% lên 32.400 đồng/CP; HQC tăng 5,4% lên 4.100 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 31,61 triệu đơn vị.

Không chỉ tăng mạnh về giá, các cổ phiếu trong nhóm trụ cột cũng là tâm điểm giao dịch trong phiên với các mã STB, TCB, HPG, CTG, MBB, VPB, SSI, DXG có khối lượng khớp lệnh trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng mạnh về cuối phiên nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 103 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 6,37 điểm (+2,04%) lên 317,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,8 triệu đơn vị, giá trị 2.042,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,93 triệu đơn vị, giá trị 49,54 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng và chứng khoán trên HNX cũng đua nhau khởi sắc.

Cụ thể như SHB có thời điểm được kéo trần và chốt phiên sáng nay tăng 4,1% lên 30.700 đồng/CP, NVB tăng 2,6% lên 19.400 đồng/CP, BAB tăng 1,9% lên 27.100 đồng/CP.

Hay nhóm chứng khoán đáng kể có SHS tăng 4,6% lên mức 38.500 đồng/CP, VND tăng 2,4% lên 38.600 đồng/CP, BVS tăng 3,7% lên 28.300 đồng/CP, MBS tăng 2,6% lên 27.900 đồng/CP, ART tăng 3% lên 10.300 đồng/CP…

Ngoài ra, nhiều mã bluechip hay mã lớn khác như THD, VCS, PAN, IDC… cũng giao dịch khởi sắc, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB dẫn đầu sàn HNX với hơn 14,41 triệu đơn vị được khớp lệnh, các mã khác như PVS, SHS, VND, NVB, HUT đều có khối lượng khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng cũng được nới rộng giúp UPCoM-Index tạm dừng phiên sáng tại mức giá cao nhât.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 1,33 điểm (+1,53%), lên 88,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,9 triệu đơn vị, giá trị 843,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,87 triệu đơn vị, giá trị 216,88 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đã lấy lại sắc xanh như BVB tăng 4% lên 23.300 đồng/CP, ABB tăng 3,7% lên 22.300 đồng/CP, SGB tăng 1% lên 19.400 đồng/CP, NAB tăng 2,4% lên 21.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn giao dịch khởi sắc như VGT tăng 3,5% lên 17.800 đồng/CP, VGI tăng 3,6% lên 34.800 đồng/CP, VTP tăng 5,1% lên 102.900 đồng/CP, FOX tăng 3,6% lên 84.500 đồng/CP…

Về thanh khoản, cổ phiếu nhỏ HVG bất ngờ sôi động với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 9,97 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 4,3% xuống mức 2.200 đồng/CP. Tiếp theo đó là BSR khớp 8,46 triệu đơn vị và chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 18.600 đồng/CP.

Tin bài liên quan