Giao dịch chứng khoán sáng 10/5: Cổ phiếu thép vẫn nóng rẫy, VN-Index lấy lại mốc 1.250 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip đã tạo động lực giúp thị trường đảo chiều hồi phục và thử thách thành công mốc 1.250 điểm. Trong đó, bên cạnh dòng thép nổi sóng, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí cũng đua nhau khởi sắc.
Giao dịch chứng khoán sáng 10/5: Cổ phiếu thép vẫn nóng rẫy, VN-Index lấy lại mốc 1.250 điểm

Mặc dù tâm lý chung phần nào bị tác động bởi thông tin cập nhật ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng không ngừng tăng với con số hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày nhưng dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index không quá giảm sâu và giữ được mốc 1.240 điểm khi kết thúc tuần đầu tiên của tháng 5, bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Thống kê diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm gần đây cho thấy, tháng 5 không phải là giai đoạn giảm điểm mạnh nhất. Thậm chí, có tới trên một nửa số năm, chỉ số VN-Index tăng điểm. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index có số lần tăng tốt hơn số lần giảm, cũng như giai đoạn sau đó, VN-Index luôn có mức tăng tốt đến tháng 10 trong năm.

Theo Mirae Asset, Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS cao trong năm 2021, và nằm trong số các thị trường đã lấy lại mốc EPS trước dịch (năm 2019). Và với sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng EPS, công ty chứng khoán này đã nâng mức kỳ vọng đối với VN-Index sẽ dao động trong vùng từ 1.130−1.480 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.300 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 10/5, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến giới đầu tư có phần e ngại. Lực bán khá lớn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, dù hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu trong khi chỉ có vài chục mã tăng, nhưng biên độ giảm không quá sâu khiến VN-Index không lao mạnh.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bluechip nhanh chóng lấy lại phong độ nhờ lực cầu gia tăng mạnh, đã tạo động lực giúp thị trường bật ngược đi lên và có những nhịp hồi. Chỉ số VN-Index đang hướng tới mốc 1.250 điểm sau khoảng 90 phút giao dịch khi nhiều mã lớn nới rộng biên độ tăng.

Đặc biệt, cổ phiếu VNM có màn bứt phá ngoạn mục sau 2 phiên lao dốc mạnh về vùng đáy của hơn 8 tháng quá. Hiện VNM tăng 6% lên mức 92.200 đồng/CP và có thời điểm tăng kịch trần.

Bên cạnh đó phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành thép. Trong đó, các mã NKG, TLG, POM, VIS, DTL đều tăng hết biên độ và khoe sắc tím, bên cạnh các mã lớn như HPG tăng 3,6% lên mức 63.000 đồng/CP, HSG tăng 4,8% lên mức 38.500 đồng/CP…

Đà tăng ngày càng nới rộng hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng thị trường giúp VN-Index tiến bước và chinh phục thành công mốc 1.250 điểm khi tạm ứng phiên giao dịch sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 166 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index tăng 8,36 điểm (+0,67%) lên 1.250,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 474,65triệu đơn vị, giá trị 13.813,56 tỷ đồng, tăng 9,37% về khối lượng và 7,22% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 7/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,56 triệu đơn vị, giá trị 773,37 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ EIB tiếp tục lùi sâu và VPB quay đầu điều chỉnh sau chuỗi ngày dài tăng nóng, còn lại các mã đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, TPB là điểm sáng của ngành khi tăng vọt về cuối phiên, lên sát mức giá trần cùng thanh khoản sôi động.

Cụ thể, chốt phiên sáng, TPB tăng 6,4% lên mức 30.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 11 triệu đơn vị. Ngoài ra, MBB tăng 3,2% lên 32.600 đồng/CP, HDB tăng 3,3% lên 31.000 đồng/CP, CTG tăng 2,3% lên 44.800 đồng/CP, LPB tăng 1,4% lên 21.900 đồng/CP, BID tăng 1,1% lên 41.100 đồng/CP, ACB tăng 2,6% lên 36.100 đồng/CP, các mã TCB, VCB, STB cũng xanh nhạt.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác tăng mạnh cũng phần nào tiếp sức cho thị trường phi nước đại như VNM tăng 6,2% lên 92.400 đồng/CP, VHM tăng 2,1% lên 99.100 đồng/CP, PLX tăng 3,4% lên 52.400 đồng/CP, MSN tăng 4,3% lên 99.100 đồng/CP, HPG tăng 3,8% lên 63.100 đồng/CP, FPT tăng 3% lên 85.500 đồng/CP…

Ngoài HPG duy trì đà tăng mạnh, các mã khác trong nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch bùng nổ và lần lượt xác lập mức giá cao nhất trong phiên. Trong đó, HSG tăng 5,4% lên mức 38.700 đồng/CP, các mã DTL, POM, NKG, TLH, VIS đều tăng kịch trần.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau khởi sắc với SSI tăng 4,4% lên 34.150 đồng/CP, HCM tăng 5,4% lên 33.500 đồng/CP, BSI, AGR, CTS đều tăng hơn 3%...

Trái lại, trong nhóm VN30 chỉ còn 9 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ NVL giảm mạnh nhất 3,3% xuống mức 131.300 đồng/CP.

Về thanh khoản, dòng bank vẫn là tâm điểm với STB, MBB và VPB đang dẫn đầu sàn HOSE, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 25 triệu đơn vị, 23,58 triệu đơn vị và 19,12 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã khác cũng khớp hơn 10 triệu đơn vị và thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất trên HOSE như CTG, TPB, TCB.

Trên sàn HNX, mặc dù giao dịch khá giằng co nhưng một số mã lớn đã làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 49 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,13%) lên 280,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 71,31 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.430 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,5 triệu đơn vị, giá trị 67 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX giao dịch tích cực với ART tăng 9,9% lên mức giá trần 10.000 đồng/CP, VND tăng 3,5% lên 40.900 đồng/CP, SHS tăng 6,2% lên 29.300 đồng/CP, BVS tăng 3,9% lên 21.400 đồng/CP, VDS tăng 4,8% lên 15.200 đồng/CP, MBS tăng 8,2% lên 25.100 đồng/CP…

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng góp sức hỗ trợ thị trường như PVS tăng 2,4% lên 21.100 đồng/CP, NTP tăng 2,8% lên 37.000 đồng/CP, DTK tăng 1,7% lên 12.200 đồng/CP, THD xanh nhạt…

Tuy nhiên, dòng bank trên HNX không mấy tích cực với SHB đứng giá tham chiếu, còn BAB và NVB cùng giảm 2,4% lần lượt về mức giá 24.200 đồng/CP và 16.400 đồng/CP.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB dẫn đầu với hơn 8,8 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là SHS khớp 7,57 triệu đơn vị, ART khớp 5,87 triệu đơn vị, PVS khớp 4,7 triệu đơn vị, VND khớp 3,77 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường chưa thoát khỏi sắc đỏ trước áp lực bán trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,49%), xuống 80,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,27 triệu đơn vị, giá trị 496,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,8 triệu đơn vị, giá trị 18,55 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu TVN tiếp tục có phiên giao dịch tích cực khi tạm dừng phiên sáng nay tăng 7,9% lên 16.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,62 triệu đơn vị, thuộc top 3 mã giao dịch sôi động nhất UPCoM.

Bên cạnh đó, cổ phiếu BSR cũng đã có nhịp hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước. Tạm chốt phiên sáng nay, cổ phiếu BSR tăng 1,3% lên 15.300 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM, đạt hơn 6,45 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan