Giao dịch chứng khoán sáng 10/12: Dòng bank nỗ lực giữ giá, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng

Giao dịch chứng khoán sáng 10/12: Dòng bank nỗ lực giữ giá, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm chứng khoán, thép tiếp tục chịu áp lực bán khá mạnh thì dòng bank là động lực chính giúp thị trường có được sắc xanh trong phiên sáng 10/12. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm nhấn với giao dịch bùng nổ.

Gạt bỏ những nỗi lo ngại về lượng hàng T+ phiên đầu tuần sẽ bị xả, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong phiên giao dịch 9/12 với biên độ khá rộng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy lượng lớn nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường và quan sát diễn biến.

Hiện VN-Index đang đứng trong vùng kháng cự gần nhất 1.465 – 1.470 điểm (MA20), nên chỉ cần vượt qua được vùng này, thì xu hướng tăng của thị trường sẽ được cải thiện và khả năng VN-Index trở lại vùng giá 1.500 điểm trong thời gian tới sẽ được mở rộng.

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường hiện nay trong nhịp phục hồi có phần gấp gáp và thanh khoản sụt giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán đã nhận định rủi ro điều chỉnh vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, CSI đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên vị thế canh bán tiếp, vì cho rằng xác suất không lớn cho xu hướng tăng điểm.

Quay trở lại diễn biến thị trường trong phiên sáng cuối tuần ngày 10/12, trái với những dự báo không mấy khả quan về thị trường, chỉ số VN-Index vẫn duy trì sắc xanh khi mở cửa nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong bối cảnh thị trường chung phân hóa, nhóm bluechip cũng phân hóa mạnh, dòng bank đang là điểm tựa chính cho đà tăng của chỉ số chung. Sắc xanh phủ kín trong nhóm cổ phiếu này với đà tăng mạnh nhất thuộc về người anh cả VCB khi ghi nhận mức tăng 3,2%, tạm đứng tại mức giá 102.400 đồng/CP sau hơn 1 giờ giao dịch.

Bên cạnh đó, TPB tiếp tục ghi nhận mức tăng ấn tượng và bỏ xa TCB khi đang đứng trên mức giá 52.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm chạm mốc 53.500 đồng/CP. Ngoài ra, mã vốn hóa lớn BID cũng tăng 2,3%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán không nằm ngoài xu hướng chung trong trạng thái phân hóa, nhưng có phần thiếu tích cực khi các mã lớn như SSI, VND, hay top sau đó là FPT, CTS, ORS, VDS, AGR đang điều chỉnh giảm, trong khi VCI và HCM nhích nhẹ chỉ 1 bước giá.

Nhóm bất động sản cũng có phần không mấy khả quan khi những mã lớn đầu ngành như VIC, VHM, NVL đang điều chỉnh giảm.

Điểm nhấn thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong khi những mã nóng như HAG đảo chiều giảm do áp lực bán chốt lời gia tăng, thì cặp SJF và IDI lực cầu bắt đáy khá lớn giúp các mã này có những nhịp hồi mạnh, thậm chí được kéo tăng kịch trần.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ có phần chiếm áp đảo, tuy nhiên, dòng bank vẫn làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index bảo toàn mốc 1.470 điểm khi tạm dừng phiên sáng. Đặc biệt, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 173 mã tăng và 249 mã giảm, VN-Index tăng 2,9 điểm (+0,2%), lên 1.470,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 461,25 triệu đơn vị, giá trị 13.100,24 tỷ đồng, tăng 26,2% về khối lượng và 27,91% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,32 triệu đơn vị, giá trị 539,9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có chút hạ nhiệt về cuối phiên do ảnh hưởng bởi áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường nói chung, khi một số mã như CTG, MBB, OCB trở lại mốc tham chiếu, trong khi EIB, SHB, STB quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, dòng bank vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường giữ được sắc xanh.

Trong đó, cặp đôi lớn VCB và BID chốt phiên tăng hơn 2%; TPB tăng gần 2%; VPB, LPB và VIB tăng trên dưới 1,5%...

Bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số mã lớn trong nhóm VN30 vẫn giữ đà tăng như GVR tăng 1,3%, BVH, KDH, VJC tăng hơn 0,5%.

Trái lại, một số mã lớn trong rổ VN30 có biên độ giảm rộng như SSI giảm 1,9%; các mã GAS, PNJ, VIC, NVL, PLX, VNM giảm hơn 1%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.

Bên cạnh diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sau nhịp rung lắc và điều chỉnh do áp lực chốt lời đầu phiên, HAG đã đảo chiều hồi nhẹ và chốt phiên sáng nay trong sắc xanh nhạt cùng thanh khoản vẫn giữ ở mức cao, xấp xỉ đạt 19,7 triệu đơn vị; trong khi người anh em HNG mở cửa tăng trần và dần hạ nhiệt khi chốt phiên tăng 4% với khối lượng khớp đạt hơn 21,24 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là IDI, sau 8 phiên liên tiếp nằm sàn với lượng dư bán sàn chất đống, thường hơn chục triệu cổ, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc khá mạnh mẽ. Ngay từ khi mở cửa, với lượng dư bán sàn hơn 8 triệu cổ nhanh chóng được hấp thụ hết và IDI đã phi nước đại lên mức giá trần.

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn khiến cổ phiếu IDI không giữ được sắc tím khi chốt phiên sáng nay tạm đứng tại 14.950 đồng/CP, tăng 4,2% với thanh khoản kỷ lục, đạt xấp xỉ 20,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, những mã khác như SJF, TSC, MCG cũng đã không còn nằm sàn và có thời điểm được kéo lên vùng giá xanh, thậm chí SJF ngấp nghé trần.

Dẫn đầu thanh khoản thị trường là POW cũng đã có màn đảo chiều khá ấn tượng sau nhịp giảm điểm ngay khi mở cửa. Tạm chốt phiên sáng nay, POW tăng 4,9% lên 16.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 26,44 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ khác như ITA, HQC, ROS, HAI, LDG… cũng chốt phiên sáng nay trong sắc xanh.

Xét về nhóm ngành, ngoại trừ điểm sáng của nhóm cổ phiếu ngân hàng như đã nói ở trên, các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, thép tiếp tục có những phiên không mấy khả quan.

Trong đó, ở nhóm chứng khoán trên sàn HOSE, chỉ có duy nhất VIX tăng hơn 1%, còn lại đều chốt phiên trong sắc đỏ. Còn nhóm cổ phiếu thép, đồng loạt đều điều chỉnh giảm với HPG và POM có biên độ giảm hẹp nhất chỉ hơn 0,5%, còn lại HSG, NKG và TLH cùng giảm hơn 1%, SMC giảm 2,2%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động, các mã lớn như VIC, VHM, NVL vẫn giảm trên dưới 1%, trong khi VCG, NLG, KDH, KBC, DXG, DXS… đều giao dịch khởi sắc.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng về cuối phiên cũng khiến thị trường giật lùi sau nhịp biến động rung lắc đầu phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 84 mã tăng và 131 mã giảm, HNX-Index giảm 1,18 điểm (-0,26%) xuống 451,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,75 triệu đơn vị, giá trị 1.449,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,84 triệu đơn vị, giá trị 45,17 tỷ đồng.

Trái với diễn biến khởi sắc của dòng bank trên sàn HOSE, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng trên HNX lại giao dịch không mấy tích cực. Cụ thể, BAB chốt phiên sáng nay tại mốc tham chiếu, còn NVB điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,3%.

Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn đóng vai trò hỗ trợ giúp thị trường không giảm sâu với nhiều mã trong nhóm HNX30 tăng mạnh như VMC để mất sắc tím nhưng vẫn tăng 5,4%, DTD tăng 3,3%, NDN tăng 2,5%, IDV tăng 1,9%... Hay cổ phiếu vốn hóa lớn KSF tăng 2,6%, THD có được sắc xanh nhạt khi tăng 0,1%...

Trái lại, IDC sau 3 phiên tăng mạnh đã gặp áp lực chốt lời khá lớn trong phiên sáng nay khi chốt phiên giảm 4,1% xuống 86.300 đồng/CP và khớp 1,87 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán như SHS, VIG, APS, ART, IVS… đều giao dịch trong sắc đỏ.

Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HNX là KLF với khối lượng khớp gần 8,7 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 4,3% lên 7.300 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm trong nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,21%), xuống 111,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120,32 triệu đơn vị, giá trị 1.128 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 41,32 triệu đơn vị, giá trị 532,95 tỷ đồng, với phần lớn là 34,12 triệu cổ phiếu PBC, giá trị hơn 406 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ PVX chốt phiên tăng 3,1% lên mức 6.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 16 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nhỏ PBC tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng trần và chốt phiên đứng tại mức giá 15.900 đồng/CP.

Cổ phiếu đáng chú ý HHV đã đảo chiều hồi phục khi tăng 1,6%, tạm chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 25.400 đồng/CP, cùng thanh khoản vẫn duy trì sự sôi động với hơn 3,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, các cổ phiếu lớn như BSR, MSR điều chỉnh giảm nhẹ, còn ACV, VEA, VGT đứng giá tham chiếu.

Tin bài liên quan