Giao dịch chứng khoán sáng 1/2: Thăm dò sức cung

Giao dịch chứng khoán sáng 1/2: Thăm dò sức cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối phiên sáng, thị trường bất ngờ rớt sâu do lực cung giá thấp bất ngờ tăng mạnh ép chỉ số VN-Index rơi thẳng đứng mất gần 20 điểm so với lúc mở cửa. Tuy nhiên lực cầu giá thấp luôn hiện hữu giúp chỉ số lấy lại cân bằng, và nhận định ban đầu về một phiên tăng điểm đã thành hiện thực.

Thị trường vừa trải qua tuần biến động mạnh khi chứng kiến 4/5 phiên giảm điểm. Đặc biệt là phiên 28/1 đã xác lập mức giảm kỷ lục khi VN-Index bốc hơi gần 74 điểm với hàng trăm mã nằm sàn và trắng bên mua, khiến thị trường càng rời xa mốc 1.200 điểm đã thiết lập được hồi đầu năm.

Bên cạnh nguyên nhân cho rằng đợt giảm mạnh lần này là do các thông tin về Covid-19, nhưng thông tin này chỉ đơn giảm là “đổ thêm dầu vào lửa”, nguyên nhân chính đến từ việc thị trường đã trải qua chuỗi ngày tăng trưởng dài và nóng trước đó với sự tham gia nhiệt tình của dòng tiền nóng F0, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp 2-3 lần so với cùng đáy, do đó việc chốt lời mạnh cũng không nằm ngoài dự đoán của đa số các tổ chức tài chính.

Mặc dù thị trường đã lấy lại đà hồi phục trong phiên cuối tuần ngày 29/1, nhưng phần lớn các chuyên gia chứng khoán đã đánh giá phiên giao dịch này chưa làm thay đổi các tín hiệu kỹ thuật trước đó của các chỉ số.

Cụ thể là xu thế chính của thị trường vẫn là giảm điểm, các phiên tăng điểm là các nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường chứ không phải là các phiên đảo chiều xu hướng.

Tất nhiên, với nhiều nhà đầu tư, đây chỉ là dự báo có tính kỹ thuật và hoàn toàn có thể không chính xác vì lượng tiền giao dịch đang rất lớn, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ thêm tiền vào tài khoản, và cũng có không ít nhà đầu tư mới vì lỡ con sóng cuối năm 2020 đang muốn tham gia thị trường,...

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 1/2, thị trường giao dịch khá thận trọng và nhóm VN30 vẫn là động lực chính giúp VN-Index duy trì đà tăng nhẹ.

Sau nhịp hồi khá mạnh cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ phong độ khá tốt, là trụ đỡ dẫn dắt đà tăng cho thị trường, giúp VN-Index thử thách lại vùng giá 1.070 điểm.

Đáng chú ý là CTG có độ trễ hơn so với những mã cùng ngành bởi sau phiên đi ngang ngày cuối tuần trước 29/1, cổ phiếu này đã được kéo tăng vọt lên mức giá trần 32.600 đồng/CP với thanh khoản tích cực gần 5,3 triệu đơn vị và dư mua trần khá lớn chỉ sau khoảng 1 giờ giao dịch.

Bên cạnh đó, SAB sau khi bị loại ra khỏi rổ VN30 đã trải qua chuỗi dài mất điểm, đặc biệt là 2 phiên giảm sàn cuối tuần trước, cổ phiêu này đã đảo chiều tăng mạnh lên mức giá trần 173.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi ROS chất đống với khối lượng dư bán sàn 50-60 triệu đơn vị ngay từ đầu phiên cùng thanh khoản nhỏ giọt, thì FLC biến động giằng có và có dấu hiệu hồi phục sau phiên giảm sâu hôm cuối tuần qua, đồng thời vẫn là mã thanh khoản tốt nhất thị trường.

Sau 11h sáng, lực bán tăng mạnh, đặc biệt ở các cổ phiếu trụ khiến chỉ số bị ép rơi thẳng đứng trong thời gian ngắn, trên bảng điện tử hàng loạt mã đã lộ ra bước giá mua sàn. Tuy nhiên, lực cầu mạnh đã nhanh chóng giúp giải tỏa tâm lý lo ngại. Diễn biến "thót tim" nhiều nhà đầu tư này tạo ra một điểm tích cực là thanh khoản tăng nhanh, tránh diễn biến buồn tẻ như thời gian đầu phiên sáng.

Tạm chốt phiên sáng, sàn HOSE có 91 mã tăng và 349 mã giảm (37 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index tăng 1,56 điểm (+0,15%) lên 1.058,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 384,32 triệu đơn vị, giá trị 7.977 tỷ đồng, giảm mạnh 42,2% về khối lượng và 45,43% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 29/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,2 triệu đơn vị, giá trị 344,45 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 13 mã tăng và 15 mã giảm. Trong đó, một số mã như BID, BVH, HPG, MBB đã đảo chiều giảm, đáng kể một số mã giảm sâu như MWG thoát giá sàn nhưng chốt phiên vẫn giảm 5,7% xuống 125.200 đồng/CP, PNJ và TCH cùng giảm 3%, SSI giảm 2,8% xuống 28.000 đồng/CP.

Các mã mới được vào rổ VN30 là BVH và PDR đều giảm 1,8%, chỉ có TPB tăng 1,4% lên 25.300 đồng/CP. Trong khi 3 mã bị loại có SAB và EIB hồi phục, với SAB tăng 7% lên mức giá trần 173.000 đồng/CP, còn ROS vẫn bị tháo chạy khi nằm sàn ngay khi mở cửa và chốt phiên sáng dư bán sàn tới 72,42 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTG vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 nhưng đã để mất sắc tím khi tăng 6,6% lên 32.500 đồng/CP và khớp 8,96 triệu đơn vị. Ngoài ra, VIC tăng 2,7% lên 102.100 đồng/CP, VNM tăng 1,6% lên 104.400 đồng/CP, TCB tăng 1,9% lên 32.600 đồng/CP, cùng đà tăng nhẹ của các mã GAS, VCB, MSN, đã hỗ trợ giúp thị trường hồi phục sắc xanh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài ROS, hàng loạt mã cũng giảm sàn như ITA, ASM, TTF, TGG, DRH, FIT, FTM… Trong đó, FLC cũng có thời điểm bị đẩy xuống mức giá sàn và tạm chốt phiên sáng giảm 4,7% xuống mức 5.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường cắm đầu đi xuống và có thời điểm thủng mốc 210 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 128 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 2,05 điểm (-0,96%) xuống 212,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,26 triệu đơn vị, giá trị 876 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,36 triệu đơn vị, giá trị 96,11 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã nhích nhẹ là DHT, DP3 và VMC, còn lại hầu hết đều giảm điểm, trong đó TNG giảm mạnh phiên thứ 5 liên tiếp với tổng mức giảm tới hơn 34% và chốt phiên sáng nay ở mức giá sàn 17.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giảm khá mạnh như SHB giảm 3,4% xuống 14.100 đồng/CP, PVS giảm 3,6% xuống 16.000 đồng/CP, PVB giảm 4,5% xuống 14.900 đồng/CP, NVB giảm 2,3% xuống 12.600 đồng/CP, NTP giảm 1,4% xuống 34.000 đồng/CP…

Trong đó, SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, với hơn 10,9 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi HUT và KLF lần lượt khớp 9,52 triệu đơn vị và 4,2 triệu đơn vị, chốt phiên HUT giảm 2,17% xuống 4.500 đồng/CP, còn KLF đứng giá tham chiếu 2.300 đồng/CP.

Trên UPCoM, cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi lực bán gia tăng cuối phiên khiến UPCoM-Index mất điểm sau hơn nửa đầu phiên giằng co nhẹ trên mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,24%), xuống 71,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,54 triệu đơn vị, giá trị 286 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đạt gần 200 triệu đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất với hơn 4,15 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên lùi về mốc tham chiếu 9.200 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi cổ phiếu chứng khoán với SBS tăng 12% lên 5.600 đồng/CP và khớp 1,77 triệu đơn vị, cùng AAS tăng 4,6% lên 6.800 đồng/CP và khớp 1,12 triệu đơn vị.

Nhiều mã lớn mất điểm là tác nhân đẩy thị trường đi xuống như VGT giảm 6,9% xuống 14.800 đồng/CP, MSR giảm 1,6% xuống 18.100 đồng/CP, MCH và VEA cũng giảm nhẹ…

Tin bài liên quan