Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/2: Dòng tiền miệt mài tìm cơ hội

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/2: Dòng tiền miệt mài tìm cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như cuối phiên chiều qua không nghẽn lệnh, có thể sự phục hồi của chứng khoán sáng nay đã đến sớm hơn ngay ngày hôm qua. Sau những cú sụt giảm mạnh, như một quy luật mới, cơ hội mua vào lại mở ra bởi dòng tiền nhàn rỗi chờ mua quá lớn. 

Nhìn lại phiên giao dịch hôm qua (8/2), những thông tin khá tiêu cực từ Covid-19 là nguyên nhân khiến một phiên đảo chiều kỹ thuật giảm quá đà cần thiết. Thị trường đóng của với VN-Index mất đi hơn 40 điểm, nhưng trong phiên có thời điểm là trên 50 điểm.

Diễn biến đáng chú ý ngày hôm qua không phải là điểm số mà là lực mua. Khi mà ngày nghỉ Tết đã cận kề, nhà đầu tư đều biết mua vào đồng nghĩa với việc phải ôm cổ phiếu qua tuần nghỉ Tết với rất nhiều rủi ro không lường trước, thậm chí ngày chào Xuân (6/1 âm lịch) khi thị trường mở cửa thì cổ phiếu vẫn chưa về tài khoản, nhưng dòng tiền vẫn chấp nhận. Lượng cổ phiếu bán tháo được mua với lượng đáng kể.

Kết quả chính là nghẽn mạng cuối phiên, điều thật tệ với một thị trường được coi là cao cấp như chứng khoán! Với một số nhà đầu tư, việc không mua được cổ phiếu phiên hôm qua đồng nghĩa với việc họ phải cân nhắc mua với mức giá cao hơn khi phiên sáng nay mở cửa với một số cổ phiếu có đà phục hồi nhanh.

"Mua may, bán đắt" là một tâm lý thú vị của người tiêu dùng Việt, khi mua hàng hóa, dịch vụ. Với thị trường chứng khoán, mua phiên giá đỏ, bán phiên giá xanh sẽ thích hơn điều ngược lại dù kết quả mua bán có khi không chênh lệch nhiều.

Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng nay 9/2, ngay trong phiên ATO, thị trường đã có tín hiệu tích cực, khi lực cầu mạnh nhanh chóng kéo VN-Index tăng hơn 10 điểm lên gần 1.095 điểm.

Tuy vậy, sự thận trọng dâng cao, do đây đã là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch và một bộ phận nhà đầu tư đã quyết định bán ra một phận để bảo vệ thành quả đã khiến thị trường quay đầu về gần tham chiếu và giằng co sau hơn 1 giờ giao dịch.

Các bluechips phân hóa mạnh và biên độ dao động bị thu hẹp, chỉ còn ở mức thấp, trừ SBT vẫn nhích hơn 3%.

Tình trạng tương tự cũng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với PVD, FLC, ITA, HQC, HSG, HCM, DXG đang giữ sắc xanh, trong khi ROS, ASM, FIT giao dịch dưới tham chiếu, thậm chỉ cả 3 mã này có thời điểm còn bị đẩy xuống mức giá sàn.

Nhưng như vừa đề cập, sau một phiên bán tháo mạnh, khi chỉ số chuyển sang màu đỏ thì lực mua theo nguyên tắc "mua đỏ, bán xanh" ồ ạt vào thị trường, lan tỏa và kéo chỉ số dựng thẳng một mạch, lấy lại hơn nửa số điểm đã mất phiên hôm qua.

Sau nửa đầu phiên thăm dò, lực mua bất ngờ dâng cao ở nhóm bluechips giúp nhiều mã đảo chiều tăng điểm, thậm chí không ít nới biên độ tăng đã kéo VN-Index vọt hơn 22 điểm và kết phiên ở trên mốc 1.105 điểm.

Kết phiên sáng, sàn HOSE có 321 mã tăng và 98 mã giảm, VN-Index tăng 22,18 điểm (+2,05%), lên 1.105,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 290,88 triệu đơn vị, giá trị 7.165,4 tỷ đồng, giảm mạnh 42% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,6 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng.

Thanh khoản suy giảm, nhưng dòng tiền lại tập trung ở nhóm VN30 với gần 4.200 tỷ đồng và lực cầu giá cao thắng thế là tác nhân chính kéo chỉ số đi lên, trong đó, đáng kể là các mã lớn đều tăng vọt như VPB +5,3% lên 37.900 đồng, VIC +5,1% lên 106.200 đồng, MSN +3,7% lên 88.800 đồng, VNM +3,4% lên 108.900 đồng, SBT +3,2% lên 21.200 đồng.

Nhiều mã như SSI, PNJ, POW, NVL, HDB, CTG, MBB, TCH, VCB, STB, KDH, TPB và FPT giao dịch tích cực và nhích từ 2% đến 2,9%. Các cổ phiếu HPG, BVH, VJC, GAS, VHM tăng từ 1,5% đến 1,9% và chỉ còn PLX cùng REE giảm nhẹ 0,2%.

Thanh khoản trong nhóm dẫn đầu là HPG với hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh. SSI có hơn 10,5 triệu đơn vị, MBB có 9,8 triệu đơn vị, STB có 9,4 triệu đơn vị, TCB có hơn 8,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mất điểm chỉ còn ROS, FIT, ASM, KBC, GEX, CII là đáng kể. Phần còn lại nới đà đi lên hoặc đảo chiều tăng giá hàng loạt như PVD, LPB, FLC, DXG, ITA, LDG, HQC, HSG, HCM, HBC, PVT…

Trong số này, ROS giảm 4,9% xuống 3.470 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HPG trên sàn với hơn 17,5 triệu đơn vị, FIT giảm 4,8% xuống 10.000 đồng, khớp 2,59 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index giằng co ở nửa đầu phiên sáng, trước khi tăng vọt từ giữa phiên và leo lên mức cao nhất trong phiên.

Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ nới rộng đà tăng như SHB +2% lên 15.400 đồng, PVS +2,7% lên 18.700 đồng, IDC +3,1% lên 39.700 đồng, SHS +4,2% lên 25.000 đồng, TNG +3,6% lên 20.200 đồng, CEO +3,4% lên 9.200 đồng, MBS +3,3% lên 18.900 đồng, NDN +2,4% lên 21.100 đồng.

Các mã NVB, HUT, BVS, GKM, TVC, TAR kết phiên trong sắc xanh. Đáng kể là S99 còn tăng kịch trần +9,9% lên 19.900 đồng.

Thanh khoản SHB cao nhất với hơn 6,4 triệu đơn vị khớp lệnh. PVS theo sau khi có hơn 4,8 triệu đơn vị, IDC có 3,36 triệu đơn vị, NVB có 3,17 triệu đơn vị, SHS có 2,67 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 103 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 3,09 điểm (+1,4%), lên 223,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,75 triệu đơn vị, giá trị 738,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,55 triệu đơn vị, giá trị 49,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu ở nửa đầu phiên và sau đó cũng có nhịp nhảy vọt, tăng khá mạnh sau đó.

Các cổ phiếu lớn hay thanh khoản tốt, trừ AAS, KSH, SBS, VGT đứng tham chiếu và VGI, ACV, PVP mất điểm, thì còn lại đều tăng.

Trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất với hơn 4,9 triệu đơn vị, nhưng chỉ nhích 1,8% lên 11.200 đồng, trong khi theo sau là SSN với hơn 1 triệu đơn vị đã tăng kịch trần +14,6% lên 4.700 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,73%), lên 73,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,3 triệu đơn vị, giá trị 240,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.

Tin bài liên quan