Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/11: Dòng tiền luân chuyển, VN-Index giữ nhịp tăng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/11: Dòng tiền luân chuyển, VN-Index giữ nhịp tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đang luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành. Sau con sóng ở nhóm bất động sản vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản đang hút tiền và có dấu hiệu tạo sóng.

Trong phiên hôm qua, sau những phút thăm dò khi mở cửa, dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc sôi động và cộng thêm nhóm trụ ngân hàng tăng khá tốt đã dẫn dắt VN-Index lên vùng đỉnh mới, vượt 1.470 điểm.

Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến chỉ số rơi về gần tham chiếu, nhưng cũng đã nảy mạnh trở lại sau đó lên trên 1.465 điểm khi đóng cửa.

Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn chưa phát đi các dấu hiệu cảnh báo rủi ro dù đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong quá khứ, khi thị trường vượt đỉnh giá cũ thì thị trường thường có nhịp tăng tốt 1-2 tháng trước khi bước vào đợt điều chỉnh ngắn hạn. Chính vì thế, bước sang phiên giao dịch sáng nay 9/11, sau ít phút giằng co đầu phiên, dòng tiền lớn đã nhập cuộc trở lại, giúp VN-Index hướng tới ngưỡng 1.475 điểm.

Dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm đang bật hẳn lên như cặp đôi của bầu Đức là HAG-HNG, HAI, AAM, ABS, IDI, APC, NAV, ABT, SCD, TSC, trong đó, HAG và HAI có thời điểm đã chạm mức giá trần, với khối lượng khớp lệnh của HAG đang dẫn đầu HOSE.

Bên cạnh đó, một số Midcap khác tiếp tục hoạt động tốt và thanh khoản dồi dào như ở nhóm bất động sản, xây dựng ASM, ITA, SCR, DXG, KBC, LDG, HBC, DLG…, với LDG vọt lên giá trần 12.050 đồng, khớp được hơn 6 triệu đơn vị và đã dư mua giá trần hơn 3,7 triệu đơn vị.

Sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như các bluechip đứng vững đã giúp VN-Index có nhịp tăng khá tốt sau khi giằng co ở nửa đầu phiên.

Tuy vậy, khi chớm chạm gần 1.475 điểm, áp lực bán đã gia tăng khiến độ rộng bảng chính ngày một nghiêng về các mã giảm, trong khi một số bluechip cũng về dưới tham chiếu đã khiến VN-Index bị đẩy xuống dưới 1.470 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 194 mã tăng và 238 mã giảm, VN-Index tăng 1,47 điểm (+0,10%), lên 1.469,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 640 triệu đơn vị, giá trị 17.913,9 tỷ đồng, tăng hơn 1,5% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,6 triệu đơn vị, giá trị 541,3 tỷ đồng.

Lực đỡ lớn nhất cho chỉ số hôm nay là VHM khi mà nhóm VN30 phân hóa mạnh, với 17 mã giảm và 10 mã tăng cùng VIC, VCB và GVR đứng tham chiếu.

Theo đó, VHM dù chỉ +1,6% lên 83.700 đồng, nhưng đóng góp gần 1,5 điểm tích cực cho VN-Index.

Cùng VHM, các bluechip tương đối khởi sắc là cặp đôi ngân hàng HDB +2,8% lên 27.750 đồng và STB +2% lên 28.400 đồng, cùng BVH +2% lên 64.800 đồng.

Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank sáng nay tiếp tục có một phiên tăng tích cực. Ngay sau khi mở cửa lực mua mạnh từ khối ngoại đã nhanh chóng đưa HDB vượt 27.350 đồng/cổ phiếu, mức đỉnh của tuần trước và có thời điểm đạt 27.900 đồng. Dù hạ nhiệt chút ít cuối giờ, HDB vẫn tăng 2,8%, lên 27.750 đồng/cổ phiếu, mạnh nhất rổ VN30 với thanh khoản vượt 5 triệu cổ phiếu ngay trong phiên sáng.

Ở chiều ngược lại, PNJ và SAB giảm sâu nhất nhóm, lần lượt mất 1,9% và 1,5% xuống 106.000 đồng và 171.100 đồng.

Trên bảng chính, nhóm cổ phiếu nông nghiệp giao dịch sôi động với HAG, HAI, TSC, PAN trở thành điểm nóng với khối lượng giao dịch vượt trội, trong đó HAG và HAI có thanh khoản cao nhất trên sàn với 29,83 triệu và 19,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên, ngoài TSC leo lên mức giá trần +6,6% lên 14.450 đồng, khớp 9,77 triệu đơn vị thì còn lại đều hạ nhiệt với HAG +3,7% lên 6.370 đồng và HAI +3,1% lên 6.670 đồng, trong khi PAN nhích nhẹ.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng đa phần chịu áp lực chốt lời và thu hẹp đà tăng, như CTI, SCD, DXV, PTL, VSI đều để mất sắc tím.

Chỉ còn LDG đứng vững ở mức giá trần là đáng kể nhất, kết phiên LDG +6,6% lên 12.050 đồng, khớp 6,44 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 4,1 triệu đơn vị.

Các mã còn tăng khá với đa phần là các mã bất động sản, xây dựng như DIG, DRH, KBC, CCL, KHG, SCR, NTL, DXG, FIR, HDC…tăng từ 2,9% đến 5,8%, với DXG khớp hơn 14,5 triệu đơn vị, SCR khớp hơn 12 triệu đơn vị, KBC khớp hơn 8,3 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu logistics trở lại khá ấn tượng như STG tăng trần, VSC +4,3% lên 46.000 đồng, GMD +3,8% lên 54.200 đồng, ILB +3,3% lên 39.100 đồng, GSP +3,1% lên 16.600 đồng, TCL +2,6% lên 44.100 đồng, CCL +2,6% lên 35.900 đồng…

Ở chiều ngược lại, lực bán chốt lời khá mạnh khiến FTM, VGC, HAR, ACL, TGG, VPI, SRG, ACC, TLG, CIG giảm khá mạnh, mất từ 2,4% đến hơn 3%.

Đáng chú ý là KHP, khi có thời điểm lùi về mức giá sàn, trước khi kết phiên -6,2% xuống 13.600 đồng, khớp hơn 1,22 triệu đơn vị.

Sắc đỏ khác còn tại FLC, ROS, HQC, DCM, TTF, CII…nhưng mức giảm cũng không quá lớn, thanh khoản cao với khối lượng khớp lệnh từ 5 triệu đến hơn 12 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng trên HOSE, khi HNX-Index rung lắc ở nửa đầu phiên và bật tăng, trước khi hạ nhiệt về cuối phiên.

Cổ phiếu nổi bật nhất là CEO, khi tiếp tục tăng vọt lên mức giá trần +9,5% lên 15.000 đồng, khớp lệnh cũng dẫn đầu HNX với hơn 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tăng mạnh khác còn ở các mã bất động sản IDC +3% lên 94.900 đồng, KSF +6,3% lên 72.100 đồng, LIG +4,2% lên 17.500 đồng.

Trong khi đó, hàng loạt mã lớn khác như PVS, SHS, ART, APS, AMV, TAR, TVC, MBS, IDJ đều chìm trong sắc đỏ, với IDJ giảm sâu nhất khi -4,6% xuống 66.000 đồng, TAR -4% xuống 39.900 đồng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 125 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 1,14 điểm (+0,26%), lên 433,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,8 triệu đơn vị, giá trị 2.307,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,93 triệu đơn vị, giá trị 185 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch đều giằng co nhẹ trên tham chiếu, mặc dù cũng có thời điểm chớm đỏ trong phiên.

Cổ phiếu HHV phiên này hút dòng tiền mạnh nhất với 22,3 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa phần còn lại và cũng có mức tăng tốt nhất trong nhóm các cổ phiếu có thanh khoản cao với mức tăng 7,6% lên 22.700 đồng.

Trong khi đó, BSR -1,2% xuống 24.100 đồng, VGT -1,5% xuống 27.000 đồng, OIL -2,3% xuống 17.300 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,25%), lên 109,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,8 triệu đơn vị, giá trị 1.697,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị, giá trị 68,5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan