Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/7: Hồi hộp đợi phiên chiều

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/7: Hồi hộp đợi phiên chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên hoảng loạn chiều qua, nhất là đợt khớp lệnh ATC, thị trường đã trở lại thế cân bằng trong phiên giao dịch sáng nay, nhưng sự bất an vẫn còn khi VN-Index tăng nhờ kéo các trụ.

Phiên giao dịch chiều qua là một phiên khó quên của nhà đầu tư, nhất là trong 30 phút cuối phiên, đặc biệt là đợt khớp lệnh ATC khi lệnh bán rũ bỏ ào ào được tung vào, đẩy VN-Index lao dốc, mất hơn 56 điểm xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 1.354,79 điểm.

Phiên rũ bỏ này đã lấy đi thành quả của 16 phiên trước đó, xuống dưới sâu đường trung bình MA20 và phát đi tín hiệu tiêu cực.

Trên một số diễn đàn xuất hiện thông tin đồn thổi, thậm chí có cả công văn của HOSE về việc đợt ATC bị lỗi nên dẫn tới cú tụt dốc không phanh như trên. Tuy nhiên, cả Ủy ban Chứng khoán và ngay sau đó là HOSE đã có công văn phản bác thông tin trên và cho biết, hệ thống của HOSE hoạt động hoàn toàn bình thường trong phiên 6/7.

Ngoài yếu tố lỗi kỹ thuật, cũng có những nghi vấn trên thị trường về phiên đáp xuống ngày 6/7 là có chủ đích khi lệnh bán mạnh từ sau 14h15 tức là trước đợt ATC và các nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không có hành động bán tháo. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt câu hỏi liệu có phải nhà tạo lập và các quỹ xả hàng, phục vụ mục tiêu đập lệnh phái sinh?

Bỏ qua những nghi ngờ trên, xét về kỹ thuật, thông thường, sau các phiên giảm mạnh như phiên 6/7, thị trường sẽ tiếp tục bị đẩy xuống mạnh trong đợt khớp lệnh mở cửa (ATO) của ngày hôm sau để rũ bỏ hết trước khi hồi trở lại. Dù vậy, quan sát đồ thị ngày của VN-Index có thể thấy, đỉnh của thị trường đã được xác lập và nếu có hồi phục trở lại, VN-Index cũng chỉ lên thử thách lại vùng 1.376 - 1.380 điểm rồi sẽ quay đầu giảm tiếp.

Một số chuyên gia chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, không hoảng loạn bán tháo, mà đợt các nhịp hồi để tái cơ cấu danh mục.

Những khuyến nghị này dường như đã có tác dụng khi nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch sáng nay khá bình tĩnh, tình trạng “sale off” ngày 7/7 đã không xảy ra giúp thị trường lấy lại sự cân bằng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường vẫn chưa cho thấy tín hiệu tích cực khi số mã giảm vẫn chiếm thế áp đảo, gấp gần 4 lần số mã tăng, khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, vì có khả năng xảy ra tình trạng kéo trụ để xả hàng của các tay to.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,52 điểm (+0,04%), lên 1.355,31 điểm với 67 mã tăng, trong khi có tới 304 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 441,8 triệu đơn vị, giá trị 14.867,6 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 15,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 561,9 tỷ đồng.

VN-Index hồi phục sáng nay chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của nhóm VN30 khi nhóm này có 18 mã tăng, trong khi chỉ có 11 mã giảm và 1 mã tham chiếu. Trong các mã tăng, đáng chú ý là GAS tăng 3,7% lên 89.000 đồng, MWG tăng 3,2% lên 159.900 đồng, nhưng thanh khoản thấp, dưới 1 triệu đơn vị.

Tiếp theo là VHM tăng 2,4% lên 112.900 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị và là mã tác động tích cực nhất tới VN-Index khi đóng góp 2,31 điểm. Trong khi GAS đóng góp 1,65 điểm.

Ngoài ra, còn phải kể tới CTG tăng 2,3% lên 38.450 đồng, khớp 17,66 triệu đơn vị, MSN tăng 2,2% lên 111.400 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị, BID tăng 1,9% lên 44.850 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị, HPG tăng 1,9% lên 48.900 đồng, khớp 26,5 triệu đơn vị. MBB và TCB cùng tăng 1,7% lên 40.800 đồng và 54.900 đồng, khớp 18,2 triệu đơn vị và 24,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến PNJ, HDB, VNM, FPT, PLX, VJC, VRE, TPB, REE. Trong khi ở chiều ngược lại, TCH tiếp tục chuỗi ngày điều chỉnh sâu khi giảm 4,9% xuống 19.600 đồng. Trong khi “anh cả” của nhóm ngân hàng VCB giảm 2,1% xuống 109.700 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị và là mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index sáng nay khi lấy đi của chỉ số 2,25 điểm. Bên cạnh đó còn phải kể đến BVH giảm 2,1%, POW, SBT, KDH, PDR, VPB giảm hơn 1%, VIC và NVL giảm nhẹ, còn SSI đứng tham chiếu.

Nhóm ngân hàng có sự phân hóa, ngoài các mã trong nhóm VN30, phía tăng có thêm OCB, MSB, LPB, trong khi chiều giảm có ACB, EIB, SSB, VIB.

Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ đa số tiếp tục giảm mạnh với mức giảm trên dưới 3% và đây chính là điều nhiều nhà đầu tư lo lắng trong phiên chiều có khả năng sẽ xảy ra tiếp đợt xả mạnh.

Trong khi VN-Index hồi nhẹ nhờ nhóm trụ được kéo, thì HNX-Index tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi các mã lớn trên sàn tiếp tục điều chỉnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,69 điểm (-1,16%), xuống 314,82 điểm với 31 mã tăng, trong khi có tới 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,7 triệu đơn vị, giá trị 2.259 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 337,2 tỷ đồng.

Ngoại trừ THD tăng 1,13% lên 206.300 đồng, SHS hồi phục tốt 1,7% lên 42.100 đồng, khớp 7,6 triệu đơn vị, các mã bluechip còn lại trên sàn này đều giảm. Trong đó, SHB giảm 3,3% xuống 28.900 đồng, khớp 22,7 triệu đơn vị, PVS giảm 2,8% xuống 24.300 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị, NVB giảm 4,1% xuống 18.800 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, BAB giảm 3,04% xuống 25.700 đồng. Ngoài ra, còn có các mã giảm khác như MBS, CEO, PVI, PHP, VCS, VND…

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX và đóng cửa ở mức thấp gần nhất phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-0,84%), xuống 88,31 điểm với 56 mã tăng trong khi có 182 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,4 triệu đơn vị, giá trị 834 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng.

Trên thị trường này, toàn bộ các mã có thanh khoản tốt nhất đều đóng cửa giảm mạnh từ gần 6% trở lên. Trong đó, BSR tiếp tục giảm mạnh 7,1% xuống 18.400 đồng, khớp 12 triệu đơn vị; VGT thậm chí giảm 9,4% xuống 18.400 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị; AAS giảm 11,6% xuống 13.700 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị; SBS giảm 10,3% xuống 13.900 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; BVB giảm 6,9% xuống 22.800 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị…

Tin bài liên quan