Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/5: Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng hãm đà rơi VN-Index

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/5: Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng hãm đà rơi VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán ồ ạt ngay từ sớm khiến VN-Index đổ đèo lao dốc, có thời điểm mất gần 30 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của bộ 3 cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, TCB, đà rơi của chỉ số được hãm lại.

Trong phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 29/4, thị trường giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản, nhất là trong phiên chiều khi VN-Index test mốc 1.230 điểm thành công hai lần. Cùng với đó là đà tăng mạnh mẽ của NVL và VPB với những thông tin riêng đã kéo chỉ số lên sát 1.240 điểm trong phiên ATC.

Tuy vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đã bất ngờ có những diễn biến xấu và nhanh trong những ngày nghỉ lễ với hàng cả chục ca nhiễm mới được ghi nhận trong cộng động khiến nhà đầu tư có chút lo sợ khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài sáng nay (4/5).

Sắc đỏ bao chùm bảng điện tử, VN-Index giảm thẳng đứng xuống gần 1.210 điểm, tức mất gần 30 điểm ngay trong phiên ATO và thu hẹp được một nửa số điểm đánh mất sau hơn 1 giờ giao dịch khi một số bluechip hồi dần trở lại lên tham chiếu.

Mặc dù vậy, giao dịch vẫn rất ảm đạm với lực bán áp đảo với hơn 300 mã giảm trên HOSE, và gần 150 mã trên HNX.

Không ít các cổ phiếu có thời điểm chạm giá sàn như ROS, HQC, VIX, AMD, SJF, ASM, TDH, FTM…

Đáng kể, HVN cũng đã lùi về mức giá sàn 27.000 đồng, sau khi báo cáo lỗ thêm 4.900 tỷ đồng trong quý I vừa qua, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 14.200 tỷ đồng, lớn hơn số vốn điều lệ 14.180 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục.

Sau nhịp giảm mạnh đầu phiên, tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn, không còn bán bằng mọi giá, cộng thêm việc thanh khoản vẫn rất tích cực và lực cung giá cao vẫn luôn được hấp thụ tương đối tốt ở nhiều mã, cùng một số bluechip hoạt động tích cực đã giúp VN-Index hãm bớt khá nhiều đà giảm, chỉ còn mất gần 10 điểm khi kết phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 93 mã tăng và 309 mã giảm, VN-Index giảm 9,96 điểm (-0,80%), xuống 1.229,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 471,77 triệu đơn vị, giá trị 13.137,1 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên sáng trước kỳ nghỉ lễ (29/4). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,66 triệu đơn vị, giá trị 1.307,5 tỷ đồng.

Nổi bật nhất trong số các mã lớn sáng nay là TCB, khi tăng mạnh 4,9% lên 43.000 đồng, khớp hơn 21,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB về thanh khoản khớp lệnh (38,4 triệu đơn vị).

Một mã ngân hàng lớn khác cũng góp phần lớn giúp VN-Index thu hẹp đà giảm là CTG, khi tăng mạnh 4,2% lên 42.500 đồng, khớp 17,5 triệu đơn vị.

Tích cực không kém còn có KDH +3,8% lên 36.500 đồng, khớp 4,6 triệu đơn vị, TCH +3,5% lên 22.450 đồng, khớp 4,91 triệu đơn vị, PDR +2,7% lên 72.100 đồng, khớp 2,81 triệu đơn vị, MBB +1,5% lên 30.800 đồng, khớp 16,11 triệu đơn vị, TPB +1,3% lên 27.750 đồng, khớp 2,77 triệu đơn vị. Còn FPT và BID nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giảm sâu nhất là BVH, khi mất 2,6% xuống 55.800 đồng, VRE -2,5% xuống 31.200 đồng.

Không ít các cổ phiếu giảm trên dưới 2% như SBT -2,3% REE -2,1%, POW -2%, MSN -1,8%, VNM -1,8%, SSI -1,7%, VIC -1,7%. Mất dưới 1% có HDB, VCB, GAS, VJC, HPG, NVL và VPB.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các cổ phiếu ROS, DLG, AMD, HAI, SJF, FTM đều giảm về mức giá sàn, trong đó, ROS khớp hơn 29 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 6 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác với các cổ phiếu quen thuộc như FLC -6,3%, HQC -6,4%, ITA -3,3%, VIX -6,2%, TTF -4,2%, HBC -5,7%, PVD -3,4%, HAG -5,1%.... thanh khoản khớp lệnh từ 3,19 triệu đến 21,1 triệu đơn vị.

Lội ngược dòng ấn tượng có TGG, HID, DCL khi đều tăng kịch trần, nhưng TGG khớp lệnh cao nhất cũng chỉ có hơn 1 triệu đơn vị.

Sắc xanh còn tại HSG, KBC, NKG, TLH, AGG, TDP, nhưng chỉ tăng nhẹ, trong khi NLG tăng tốt nhất +4,7% lên 38.000 đồng, khớp hơn 3,27 triệu đơn vị, DGC +4,3% lên 72.800 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị, DGW +3,1% lên 115.000 đồng, khớp 0,22 triệu đơn vị, LHG +4,3% lên 37.500 đồng, khớp hơn 0,58 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, việc các trụ đỡ không thể phục hồi mạnh đã khiến HNX-Index chỉ xoay nhẹ quanh mức đáy thấp nhất phiên tạo ra ngay khi mở cửa do lực bán chung toàn thị trường gây áp lực.

Gần như toàn bộ bảng điện tử với khoảng 30 mã thanh khoản cao nhất, chỉ còn C69 và TAR tăng và HHG giữ tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó giảm sàn có các mã KLF, ART, ACM, MPT.

Các cổ phiếu lớn như SHB -2,2% xuống 26.800 đồng, PVS -2,5% xuống 19.600 đồng, SHS -2,2% xuống 26.800 đồng, CEO -4,8% xuống 9.900 đồng, TNG -2,6% xuống 20.700 đồng, IDC -3,6% xuống 32.300 đồng, AMV -3,6% xuống 10.600 đồng, các cổ phiếu VND, NVB, TVC, THD, MBS, S99, BVS cũng chìm trong sắc đỏ.

Thanh khoản SHB cao nhất sàn với hơn 8,6 triệu đơn vị khớp lệnh, KLF khớp 6,5 triệu đơn vị, PVS và SHS khớp trên dưới 4 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 153 mã giảm, HNX-Index giảm 4,65 điểm (-1,65%), xuống 277,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,35 triệu đơn vị, giá trị 993,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18.000 đơn vị, giá trị 1,17 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp giảm sâu ngay khi mở cửa và bật trở lại sau đó và đi ngang, nhưng cũng chỉ thu hẹp được một nửa số điểm đánh mất cho đến khi kết phiên.

Giao dịch cũng khá ảm đạm với lác đác sắc xanh tại DDV tăng 3,7% lên 11.200 đồng và điểm nhấn LTG, khi tăng kịch trần +14,9% lên 34.800 đồng, khớp 1,15 triệu đơn vị.

Còn lại đều giảm như BSR -4,1% xuống 14.200 đồng, khớp hơn 4,59 triệu đơn vị, OIL -2,4% xuống 12.000 đồng, khớp 0,52 triệu đơn vị, SBS -6,4% xuống 7.300 đồng, BVB -1,5% xuống 13.500 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,94 điểm (-1,16%), xuống 79,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,65 triệu đơn vị, giá trị gần 350 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64 triệu đơn vị, giá trị 13,22 tỷ đồng.

Tin bài liên quan