Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/3: Cảnh báo dịch, thị trường lao dốc

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/3: Cảnh báo dịch, thị trường lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin Bộ Y tế cảnh báo đợt dịch thứ Tư và trước đó là công bố 2 ca nhiễm Covid-19 tại Hải Phòng và TP.HCM là người nhập cảnh trái phép khiến thị trường vốn đang có sức cầu yếu có thêm lý do giảm điểm.

Trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index nhích nhẹ tăng 1,29 điểm (+0,11%), lên 1.163,1 điểm, nhưng điều này không khiến giới phân tích và nhiều nhà đầu tư yên tâm bởi diễn biến trên sàn HNX (không bị nghẽn lệnh) xấu hơn với mức giảm 0,56%. Đặc biệt, việc VN-Index hồi nhẹ phiên hôm qua sau phiên giảm mạnh trước đó chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật theo đồ thị phân tích kỹ thuật.

Ngoài diễn biến nội tại của thị trường thì thông tin về 2 ca nhập cảnh trái phép dương tính với Covid-19 càng khiến nhà đầu tư nghi ngại.

Đây là lý do thị trường mở cửa hôm nay ở trạng thái thận trọng, lực cầu vẫn còn nhưng lệnh đặt mua chỉ ở mức giá thấp, giá trị giao dịch tăng lên chậm.

Trong thời gian đầu phiên, điểm may mắn là lực bán không quá quyết liệt khiến VN-Index được kéo tăng điểm trở lại sau hơn nửa giờ thị trường mở cửa. Các cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp thị trường cân bằng khi hầu hết các cổ phiếu đều giữ giá màu xanh, phần còn lại của thị trường thì không được lạc quan như vậy khi số mã giảm điểm chiếm áp đảo so với mã tăng điểm.

Diễn biến giao dịch giằng co giao dịch kéo dài đến khoảng 10h20, sau đó thị trường lao dốc thẳng đứng do lệnh bán ra khá quyết liệt, nguyên nhân được cho là Bộ Y tế cảnh báo đợt dịch thứ tư tại Việt Nam.

Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống COVID-19 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ, tình hình dịch tại các nước trong khu vực còn phức tạp. Vì thế, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Sau khi mất gần 25 điểm, VN-Index phục hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy, nhưng tình trạng bảng điện tử bị lỗi và gãy trụ nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến chỉ số không thể bật mạnh lại được.

Điểm nhấn đáng chú ý là HPG và FLC khi giữ được mức giá xanh trong hầu hết thời gian giao dịch sáng.

Với Hòa Phát, đó là việc doanh nghiệp này công bố kết hoạch 2021 lạc quan, chia cổ tức khủng.

Còn với FLC thì "game phát hành" vẫn là câu chuyện thú vị, giá FLC trong phiên sáng nay có lúc đã chạm mức giá trần tại 11.150 đồng. Đây là mức giá gấp 2 lần mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán tới nay.

Trong khi đó, tân binh SSB vẫn cho thấy sức hút mạnh, khi tăng kịch tần từ sớm lên 23.050 đồng và còn dư mua trần gần 3,5 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là tại RIC, khi đã có một bộ phận nhà đầu tư quyết định đáy khi cổ phiếu này đã có 15 phiên gần nhất giảm sàn. Lực cầu bắt đáy ồ ạt đã giúp RIC quay đầu tăng vọt lên mức giá trần 16.850 đồng, khớp được hơn 380.000 đơn vị và còn dư mua trần.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 58 mã tăng và 407 mã giảm, VN-Index giảm 14,64 điểm (-1,26%), xuống 1.148,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 553,4 triệu đơn vị, giá trị 12.569,5 tỷ đồng, tăng hơn 9% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,2 triệu đơn vị, giá trị 640,5 tỷ đồng.

Các bluechip níu giữ giúp chỉ số không giảm thêm sâu chỉ còn VIC +1,4% lên 112.000 đồng, HPG +1,4% lên 45.650 đồng, VJC +1,3% lên 129.800 đồng.

Còn lại đều giảm, trong đó giảm sâu có SBT -3,8% xuống 21.300 đồng, VRE -3,2% xuống 31.800 đồng, PDR -2,9% xuống 60.400 đồng, VPB -2,7% xuống 42.100 đồng.

Các cổ phiếu khác như VHM, PLX, GAS, PNJ, BVH, MSN, TPB mất từ 2,1% đến 2,4%. Các mã CTG, FPT, BID, TCH, MBB, SSI, REE giảm từ 1,5% đến 1,9%, trong khi may mắn hơn là HDB, VCB, POW, TCB khi chỉ giảm dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, gần như chỉ còn FLC tăng là đáng kể với thanh khoản dẫn đầu HOSE, khớp 45,4 triệu đơn vị và chưa tay mức giá trần từ sớm, kết phiên chỉ còn +2,9% lên 10.750 đồng.

Le lói một vài sắc xanh khác tại CRE, EVG, VCI, CCL KMR, HID, DPG, cùng TVS, GDT tăng kịch trần, với CRE khớp cao nhất với hơn 1,85 triệu đơn vị.

Tân binh SSB vẫn đi ngược xu hướng, tăng kịch trần +7% lên 23.050 đồng, khớp 0,88 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 2,52 triệu đơn vị.

Cổ phiếu RIC cũng đứng vững sắc tím tại 16.850 đồng, khớp hơn 400.000 đơn vị và xuất hiện tình trạng tranh nhau mua hàng.

Phần còn lại đều kết phiên dưới tham chiếu, trong đó không ít có thời điểm về mức giá sàn như DXG, HBC, PVD, OCB, IJC, VIX, PVT, ASM, FIT, FRT, BCG, KSB…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lùi xuống sắc đỏ từ khá sớm, tuy nhiên biên độ giảm không lớn, nhưng tới giữa phiên cũng chịu áp lực bán ồ ạt và giảm nhanh. Nhưng may mắn hơn trên sàn HOSE là chỉ số HNX-Index sau đó bật mạnh, thu hẹp đáng kể mức giảm khi kết phiên nhờ SHB nhảy vọt.

Theo đó, cổ phiếu lớn SHB vượt trội khi tăng kịch trần +9,6% lên 19.500 đồng, khớp lệnh ở mức cao và bỏ xa phần còn lại với hơn 38,3 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác đều giảm sâu như PVS -3,6% xuống 21.400 đồng, BAB -4,7% xuống 28.200 đồng, IDC -3,5% xuống 36.200 đồng, CEO -1,7% xuống 11.900 đồng, TNG -4% xuống 21.400 đồng, VCS -2,6% xuống 90.600 đồng, NVB -1,4% xuống 14.300 đồng, S99 -6,6% xuống 25.300 đồng…

Các mã nhỏ TTH, HHG, ACM, FID nổi bật hơn các mã cùng nhóm, khi đều có mức giá trần.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index giàm 1,88 điểm (-0,7%), xuống 265,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 131,3 triệu đơn vị, giá trị 1.927,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,48 triệu đơn vị, giá trị 34,4 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp giảm sâu vào giữa phiên, trước khi bật nhẹ trở lại từ mức đáy ở những phút cuối.

Ở các cổ phiếu có giao dịch khối lượng cao, ngoài LMH, TOP, VHG, SSN, KSH giữ được tham chiếu và PAS nhích nhẹ, và KHB tăng trần thì còn lại đều giảm.

Trong đó, PVX -3,4% xuống 2.800 đồng, khớp lệnh đứng đầu với hơn 14,1 triệu đơn vị khớp lệnh, BSR -1,8% xuống 16.100 đồng, khớp hơn 10,6 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,62 điểm (-2,01%), xuống 78,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76 triệu đơn vị, giá trị 752,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 10,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan