Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/1: Thêm một phiên rũ bỏ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/1: Thêm một phiên rũ bỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường giảm điểm từ rất sớm, và đúng như lo ngại ban đầu, một phiên rũ bỏ đã xảy ra dù mức độ không "kinh hoàng" như phiên 19/1. Nhưng phiên sáng nay đủ để cắt toàn bộ hưng phấn về một đợt tăng dài của thị trường, và đủ để tạo ra cảm hứng mới về một "game" mùa công bố kết quả kinh doanh có thể sớm bắt đầu.

Với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc lâu năm, diễn biến phiên sáng hôm nay là "điều cần phải có", tức là thị trường cần có thêm những nhịp điều chỉnh thậm chí là những phiên rũ bỏ.

Về mặt tâm lý, những phiên rũ bỏ dễ xảy ra bởi sau một chuỗi tăng dài thì nhiều nhà đầu tư đã có lời và sẵn sàng bán ra khi thị trường diễn biến xấu sẽ tạo áp lực bán mạnh hơn trong giai đoạn thị trường lình xình. Về mặt kỹ thuật, thị trường quá trình tăng nhanh tạo ra các khoảng trống trên đồ thị (tạo gap) và một quy luật tất yếu là cần phải lấp gap và tốc độ giảm sẽ không hề kém tốc độ tăng.

Chỉ có một điều khó nắm bắt đó là dòng tiền mới, với công nghệ hiện đại của các ngân hàng và bản thân các công ty chứng khoán, việc chuyển tiền mua cổ phiếu từ tài khoản thanh toán ngân hàng sang tài khoản chứng khoán để đặt lệnh được tính bằng giây. Điều này khác với trước kia khi nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu thường phải làm động tác chuyển tiền sang tài khoản tương ứng, nên với những người thạo tin có thể ước tính được dòng tiền đổ vào thị trường, nhưng điều này giờ đây khó khăn hơn.

Tuy nhiên về dòng tiền, việc căng margin đã lộ dần, đang có những nghi ngờ về việc cố tình giảm margin trong phiên giảm điểm kỷ lục 19/1, cho thấy lượng margin không phải là vô hạn và nhiều mã, nhiều công ty chứng khoán đã đến ngưỡng giới hạn về khả năng cung ứng tiền vay cho nhà đầu tư.

Quá nhiều yếu tố cộng lại đã dẫn đến nhận định về một đợt điều chỉnh, trong đó có những phiên giảm sốc, nhưng cần thiết như sáng nay. Giảm để thị trường bền vững hơn, nhưng giảm cũng có nghĩa là một "game mới" được mở ra. Người thắng sẽ là người đoán được điểm đáy của đợt điều chỉnh này.

Quay lại phiên giao dịch sáng nay 26/1, áp lực bán ngay từ sớm và khá mạnh đến nhiều nhóm ngành khiến sắc đỏ bao phủ phần lớn bảng điện tử, đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu, về quanh 1.150 điểm và giằng co sau hơn 1 giờ giao dịch quanh ngưỡng này.

Phần lớn các trụ cột đều giảm, trong đó nhóm ngân hàng bị đẩy khá sâu khi những VPB, CTG, HDB, IEB, STB nằm trong số những mã trong rổ VN30 mất điểm sâu nhất, từ 1,5% đến gần 2%.

Điểm tích cực đang vẫn đang là cặp đôi FLC và ROS, khi thanh khoản đang dẫn đầu sàn, trong đó, ROS có thời điểm chạm mức giá trần, khớp lệnh tăng vọt hơn 40 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FIT tiếp tục bị bán tháo và giảm sàn từ rất sớm xuống 17.550 đồng và tắc thanh khoản, khi chỉ khớp được gần 50.000 đơn vị và dư bán giá sàn lên tới hơn 11 triệu đơn vị.

Sau hơn nửa đầu phiên giằng co dưới vùng giá thấp, nhiều nhà đầu tư đã quyết định xả mạnh hàng hơn, khiến sắc đỏ thêm lan rộng, VN-Index theo đó càng lùi sâu thêm và mất 45 điểm so với mốc tham chiếu về gần 1.120 điểm trước khi nảy trở lại lên trên 1.125 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 54 mã tăng và 417 mã giảm, VN-Index giảm 38,35 điểm (-3,29%), xuống 1.127,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 598,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 12.341 tỷ đồng, tăng 40% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12 triệu đơn vị, giá trị gần 365 tỷ đồng.

Các trụ cột của thị trường là các cổ phiếu lớn, bluechip tăng điểm chỉ còn duy nhất NVL +1% lên 80.800 đồng.

Còn lại đều giảm, trong đó giảm sâu như SBT -6,7% xuống 20.900 đồng, SSI -5,5% xuống 31.850 đồng, POW -5,3% xuống 13.400 đồng, TCH -4,8% xuống 24.700 đồng.

Nhóm ngân hàng với BID -6,3% xuống 41.800 đồng, HDB -6% xuống 24.100 đòng, EIB -5,5% xuống 18.900 đồng, VPB -5,3% xuống 34.000 đồng, STB -4,4% xuống 18.500 đồng, CTG -4,3% xuống 35.200 đồng, MBB -4% xuống 24.200 đồng, TCB -3,2% xuống 34.650 đồng, VCB -3,2% xuống 99.200 đồng.

Các mã lớn như MSN, PNJ, VNM, VHM, VIC, PLX mất từ 2,2% đến 3%, trong khi SAB -4%, GAS, HPG đều mất 3,9%. Giảm nhẹ nhất là VJC -0,4%, FPT -0,7%, MWG -0,8%.

Thanh khoản nhóm ngân hàng vẫn chiếm ưu thế với STB có hơn 25,8 triệu đơn vị khớp lệnh, TCB có 14,2 triệu đơn vị, MBB có 12 triệu đơn vị, CTG có hơn 6,7 triệu đơn vị.

Trong khi HPG khớp 19,66 triệu đơn vị, POW có 8,8 triệu đơn vị, SSI có hơn 8 triệu đơn vị, TCH có hơn 7,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường phần lớn cũng kết phiên dưới tham chiếu, thậm chí nhiều mã giảm sàn như HQC, PVD, DLG, AMD, HAI, DBC, PET, SJF, JVC, DRH, CTS, FIT…trong đó, HQC khớp lệnh cao nhất với hơn 18 triệu đơn vị, còn FIT khớp hơn 0,2 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 10,55 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, ROS, DXG, HBC, TGG, NTL là còn tăng điểm, trong đó ROS khớp lệnh cao nhất sàn HOSE với hơn 51,55 triệu đơn vị, nhưng đà tăng bị thu hẹp đáng kể, khi lùi từ mức giá trần về còn +1,3% lên 4.630 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp sau nửa đầu phiên và cũng chịu áp lực bán gia tăng về cuối phiên và giảm mạnh.

Sắc đỏ trần ngập bảng điện tử, trong đó đáng kể là các mã lớn như SHB -7,8% xuống 15.400 đồng, PVS -5,6% xuống 18.600 đồng, NVB -3,7% xuống 12.900 đồng, SHS -9% xuống 25.200 đồng, CEO -4,4% xuống 11.000 đồng, IDC -5,7% xuống 39.700 đồng, VCS -4,5% xuống 84.100 đồng, TNG -6% xuống 25.000 đồng….

Các mã nhỏ KLF, VIG, DST, ART, APS, TDT, PVL giảm sàn, trong khi chỉ còn KVC, ACM tăng điểm cùng KVC, SD6 tăng kịch trần.

Thanh khoản khớp lệnh SHB vượt xa phần còn lại với hơn 29,1 triệu đơn vị, HUT có 8,86 triệu đơn vị, KLF có 8,33 triệu đơn vị, ACM có 7,9 triệu đơn vị, PVS có 7,5 triệu đơn vị, NVB có hơn 6,8 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 162 mã giảm, HNX-Index giảm 5,94 điểm (-2,56%), xuống 225,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 135,89 triệu đơn vị, giá trị 1.829,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,65 triệu đơn vị, giá trị 164 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng điểm khi mở cửa, nhưng với biên độ thấp, và khi hai sàn chính chịu áp lực lớn thì UpCoM cũng không tránh khỏi tình trạng bán ồ ạt, đẩy UpCoM-Index lùi sâu xuống dưới tham chiếu.

Nhích lên chỉ còn VGT, ATB, TVN, PAS, VNH, còn lại đều mất điểm, trong đó AAS, SBS, G36, PFL còn giảm sàn.

Giao dịch lớn tại BSR với hơn 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh, và mã này mất 6,9% xuống 10.800 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,65 điểm (-2,13%), xuống 75,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,4 triệu đơn vị, giá trị 657,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,92 triệu đơn vị, giá trị 71,3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan