Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/7: Lực cầu đã tự tin trở lại

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/7: Lực cầu đã tự tin trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù lực mua vẫn chưa thực sự vượt trội so với phiên sáng ngày hôm qua, nhưng có một diễn biến tích cực hơn trong phiên sáng nay đó là những biến động trồi sụt của chỉ số đã mất đi, dấu hiệu cho thấy lực cung vẫn tiết giảm và lực cầu đã tự tin hơn.

Thị trường sáng nay vẫn trong chuỗi tăng điểm phục hồi sau phiên giảm mạnh đầu tuần, vùng cản trên cho VN-Index vẫn trong khoảng 1.300-1.320 điểm. Diễn biến trong phiên sáng nay cho thấy, cú sụt nhẹ chiều hôm qua không làm cản trở quá trình phục hồi này khi dòng tiền nhập cuộc chưa lớn nhưng lan tỏa toàn thị trường.

Tổng số mã tăng sáng nay trên HOSE lên tới 261 mã, áp đảo so với 101 mã giảm và 39 mã giữ giá tham chiếu.

Tất nhiên, trong sắc xanh toàn thị trường vẫn có thể thấy sự thận trọng nhất định. Các mã có được giá trần trong phiên sáng nay chủ yếu là các mã vốn hóa nhỏ và trung bình, chỉ có vài mã đạt thanh khoản cao như BCG, ASM, SCR, còn lại là các mã có thanh khoản thấp. Nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường thì hầu hết tăng điểm, nhưng mức tăng không lớn, lực cầu có lẽ chỉ mạnh lên khi xác nhận lượng cung đã giảm đi.

Mức tăng giá thấp cũng xảy ra phổ biến với nhóm VN30. Trong nhóm này sáng nay chỉ có 4 mã giảm điểm còn lại có 26 mã tăng.

Như đã đề cập trong bản tin chiều qua, hiện một số mã trong những nhóm ngành không đại diện như cung cấp nước, vật liệu xây dựng, thi công, bất động sản... lại đang hút được dòng tiền khá tốt. Về mặt tích cực thì điều này cho thấy dòng tiền mặc dù có suy giảm so với giai đoạn tháng 6 nhưng vẫn đang ở lại thì trường để tìm các cơ hội mới. Đây là tín hiệu khá tốt cho thấy thị trường có thể đang ở vùng đáy tích lũy.

Về mặt tâm lý đầu tư thì yếu tố dịch bệnh vẫn chiếm chi phối, nhưng tâm lý sợ hãi đã dần qua, thay vào đó là việc tìm các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý II tốt và triển vọng đến cuối năm vẫn tích cực. Điều này không chỉ đúng với chứng khoán Việt Nam mà các chứng khoán quốc tế.

Quay lại với diễn biến phiên sáng nay 22/7, dòng tiền đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngay từ sớm, kéo không ít cổ phiếu tăng mạnh. Dòng tiền sau đó lan tỏa rộng ra các nhóm khác, giúp VN-Index lên test lại lần nữa ở mốc 1.280 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh để giúp chỉ số chinh phục được ngưỡng cản này.

Các cổ phiếu tăng khá mạnh nổi bật như ASM, TSC tăng kịch trần, và các cổ phiếu khác, đa phần là các mã xây dựng, bất động sản như NLG, IJC, FRT, SCR, DIG, HDG, DGC, BCG, VHC tăng từ 2 đến hơn 5%, thanh khoản khớp lệnh đều thuộc top cao nhất HOSE.

Ở những nơi khác, tân binh VAB trên UpCoM tiếp tục leo lên sắc tím +14,9% lên 23.900 đồng, trong khi ở chiều ngược lại, một cổ phiếu mới chào sàn khác trên HNX là KHG đã bị chốt lời sau 3 phiên gần nhất tăng trần và giảm sàn hôm nay -9,8% xuống 21.200 đồng.

Thị trường tiếp tục nhích dần lên ở nửa sau của phiên và có thời điểm đã chạm 1.285 điểm, trước khi bị đẩy lùi trở lại đôi chút vào những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 261 mã tăng và 101 mã giảm, VN-Index tăng 13,16 điểm (+1,04%), lên 1.283,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 294,73 triệu đơn vị, giá trị 9.405,6 tỷ đồng, tăng gần 9% về giá trị, nhưng giảm 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 31,3 triệu đơn vị, giá trị 1.472,6 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip càng giao dịch càng có thêm nhiều mã đảo chiều tăng giá, với rổ VN30 có tới 26 mã tăng và chỉ còn VJC, MSN, TCH và VRE giảm nhẹ.

Tăng mạnh nhất là KDH +6,3% lên 38.950 đồng, FPT +2,9% lên 89.100 đồng, BVH +2% lên 50.500 đồng, VIC +1,9% lên 106.000 đồng, VHM +1,8% lên 109.900 đồng, CTG +1,7% lên 33.400 đồng.

Các cổ phiếu khác như NVL, SBT, VNM, SSI, TPB, PLX, PDR tăng từ 1 đến 1,5%, còn lại tăng nhẹ.

Thanh khoản trong nhóm HPG dẫn đầu với hơn 9,8 triệu đơn vị, KDH khớp hơn 9,36 triệu đơn vị, TCB và CTG khớp hơn 6,3 triệu đơn vị, STB khớp 5,4 triệu đơn vị...

Phiên này, dòng tiền đã dịch chuyển mạnh sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó các cổ phiếu bất động sản, xây dựng nổi trội là SCR, ASM, BCG khi đã tăng kịch trần với SCR khớp được hơn 8,96 triệu đơn vị, ASM khớp hơn 2,58 triệu đơn vị.

Tăng mạnh đáng kể IJC +4,5% lên 23.400 đồng, NLG +4,5% lên 39.900 đồng, FIT +3,8% lên 15.000 đồng, HQC +3% lên 3.130 đồng, DIG +3,6% lên 22.800 đồng, ITA +3,6% lên 6.050 đồng, DXG +2,7% lên 21.150 đồng, LDG +3,5% lên 5.930 đồng, HDG +3,3% lên 53.300 đồng, TSC +4,9% lên 9.500 đồng...

Các cổ phiếu khác trên bảng với thanh khoản cao cũng tăng điểm như FLC, khớp 17,88 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, tăng nhẹ 1,8% lên 11.050 đồng. Bên cạnh đó là HSG, KBC, ROS, AAA, GVR, PVD, GEX, HCM, VCI... khớp từ 1,6 triệu đến 8,8 triệu đơn vị.

Một số khác tăng mạnh đáng kể còn có DGC +5,5% lên 86.500 đồng, BMI +5,5% lên 40.400 đồng, DPG +5,2% lên 32.600 đồng, DGW +5% lên 141.300 đồng, ANV +4,7% lên 26.800 đồng, FRT +4,5% lên 33.600 đồng...

Ở chiều ngược lại, kết phiên giảm điểm không có nhiều ở các cổ phiếu thanh khoản cao, như VIX -1,2% xuống 20.150 đồng, JVC -3,9% xuống 3.980 đồng và MSB, KDC, PSH đứng tham chiếu.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp bật tăng mạnh ở nửa sau của phiên nhờ một số mã lớn nới đà đi lên, sau những phút đầu giằng co.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 110 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index 2,72 điểm (+0,90%), lên 303,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,86 triệu đơn vị, giá trị 931,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,05 triệu đơn vị, giá trị 54,5 tỷ đồng.

Phiên này, cổ phiếu CEO nhận hiệu ứng chung từ nhóm bất động sản trên thị trường, đã tăng kịch trần +8,9% lên 8.600 đồng, khớp lệnh hơn 4,12 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu lớn như TNG +5% lên 21.100 đồng, IDC +4,4% lên 33.200 đồng, PVS +2,6% lên 23.300 đồng, còn SHB, VND, SHS, MBS, NVB, BSI, PAN, NDN tăng nhẹ.

Trái lại, tân binh KHG chính thức nằm sàn, giảm 9,8% xuống 21.200 đồng, khớp hơn 983.000 đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tăng từ sớm khi mà gần như toàn bộ các cổ phiếu có thanh khoản tốt đều tăng.

Trong đó, cặp đôi dầu khí BSR-OIL tăng lần lượt 2,4% và 2,6% lên 17.200 đồng và 12.000 đồng, với BSR khớp lệnh dẫn đầu UpCoM với 3,9 triệu đơn vị.

Tân binh VAB đứng vững ở mức giá trần +14,9% lên 23.900 đồng, khớp lệnh đạt hơn 729.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,88 điểm (+1,04%), lên 85,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,66 triệu đơn vị, giá trị gần 373 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,11 triệu đơn vị, giá trị 41,9 tỷ đồng.

Tin bài liên quan