Giao dịch chứng khoán phiên sáng 19/10: Tiếp tục xanh vỏ đỏ lòng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 19/10: Tiếp tục xanh vỏ đỏ lòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên sáng, VN-Index bật trở lại cuối phiên nhờ sự giúp sức của VHM và một số mã ngân hàng, dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế so với số mã tăng. 

Trong phiên hôm qua, dù dòng tiền sôi động và hướng đến các nhóm dầu khí và thép ngay từ sớm giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản 1.400 điểm, nhưng giống như 4 phiên trước đó, áp lực bán tại vùng này gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng thoái lui, thậm chí có thời điểm còn lao mạnh xuống dưới tham chiếu, trước khi bật nhẹ về cuối phiên.

Mặc dù vậy, đa số nhận định về xu hướng thị trường của các công ty chứng khoán đều khá tích cực và nghiêng về kịch bản tích lũy quanh 1.400 điểm trong ngắn hạn, trong bối cảnh, mùa kết quả kinh doanh quý III dần hé lộ sẽ khiến thị trường phân hóa hơn.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 19/10, lực bán mạnh ngay trong phiên ATO đã khiến VN-Index đổ đèo và thủng 1.390 điểm và cũng rất nhanh chỉ số đã bật trở lại, và dù không chạm được tham chiếu do sắc đỏ lấn át trên bảng chính, nhưng nhìn chung biên độ giá dao động của nhiều cổ phiếu chỉ ở mức thấp.

Thậm chí còn một vài điểm sáng như các mã bất động sản vừa và nhỏ HCD, TDC và HAR, khi đều tăng kịch trần, khối lượng khớp lệnh tương đối cao với hơn 2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm như SAM, TLG, QCG, UDC, VRC, SZL, PHC cũng có mức tăng khá từ hơn 3% đến 6% đi kèm giao dịch tương đối sôi động.

Giao dịch thị trường vẫn rất sôi động với thanh khoản ở mức cao, nhưng phần lớn chỉ là phân phối, luân chuyển qua lại của dòng tiền, không có sự đột biến nào đáng kể, thị trường theo đó chỉ biến động nhẹ quanh tham chiếu, và trong phiên sáng nay bật nhẹ lên nhờ số mã giảm trên bảng điện tử được thu hẹp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 184 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index tăng 3,58 điểm (+0,26%), lên 1.399,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 356,6 triệu đơn vị, giá trị 11.014,9 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,7 triệu đơn vị, giá trị 388,4 tỷ đồng.

Các bluechip phân hóa mạnh với nhóm VN30 có 15 mã tăng, 10 mã giảm cùng 5 cổ phiếu VIC, VCB, STB, MBB và VPB đứng tham chiếu.

Biến động đáng kể nhất cũng không nhiều, chỉ có BVH +2,7% lên 61.200 đồng, BID +2,3% lên 40.200 đồng, SSI +1,5%, KDH +1,4%. Ở chiều ngược lại là HDB -1% xuống 25.450 đồng là cổ phiếu giảm “sâu” nhất.

Cùng với đó là giao dịch có khối lượng lớn nhất tại HPG với 9,8 triệu đơn vị khớp lệnh, TCB khớp gần 7 triệu đơn vị, POW khớp 6,8 triệu đơn vị, SSI khớp 6,21 triệu đơn vị…

Mỗi khi thị trường đang trong xu hướng thiếu rõ ràng, hoặc chờ đợi sự thay đổi bước ngoặt, thì dòng tiền luôn có xu hướng dịch chuyển mạnh đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận T+, và phiên này cũng không ngoại lệ, khi mà hàng loạt cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều là các mã nhỏ.

Theo đó, FIT khớp lệnh tốt nhất toàn sàn HOSE với 10,2 triệu đơn vị và tăng mạnh 4,2% lên 13.650 đồng.

Theo sau là các cổ phiếu bất động sản khác như DLG, KBC, HQC, FLC, SCR, LDG, IJC, ROS, LCG, TDH, khớp từ 3,3 triệu đến 6,72 triệu đơn vị, với DLG khởi sắc nhất khi tăng kịch trần +6,9% lên 7.270 đồng và khối lượng khớp lệnh cũng cao kết kể trên và còn dư mua giá trần hơn 1,57 triệu đơn vị.

Cũng có sắc tím ở nhóm này là VPH, DC4, TDC, HAR, HCD và VRC, nhưng thanh khoản thấp hơn, khớp từ 0,5 triệu đến hơn 2,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có sự đồng thuận lớn nhất trên thị trường, khi tất cả đều tăng, nhưng biên độ tăng cũng không quá vượt trội, trừ VIX +4,8% lên 20.950 đồng, trong khi VCI, VND, APG tăng hơn 2%, còn lại CTS, FTS, VDS, HCM tăng hơn 1%.

Hai cổ phiếu ngành phân bón DCM và DPM tiếp tục hút lực mua với 6,65 triệu và 4,54 triệu đơn vị khớp lệnh, với DCM +2,1% lên 31.750 đồng, DPM +4% lên 43.150 đồng.

Ở chiều ngược lại, gần như không có mã nào nổi bật và giảm sâu, ngoài HPG và TCB là hai bluechip giảm nhẹ với khối lượng khớp lệnh cao, thì sắc đỏ khác tại nhóm bất động sản là đáng kể nhất với DIG, NLG, TCH, DRH, ASM, GEX, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ, khớp từ 1,62 triệu đến 5,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục được nhấc lên nhờ một vài cổ phiếu lớn hoạt động tích cực và vượt trội so với phần còn lại như KSF, PVI, IDJ, VNR.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 84 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 2,71 điểm (+0,7%), lên 387,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,4 triệu đơn vị, giá trị 1.331,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,28 triệu đơn vị, giá trị 27,6 tỷ đồng.

Như đã đề cập, các cổ phiếu lớn KSF +9,1% lên 72.200 đồng, PVI +7,3% lên 49.900 đồng, VNR +4,7% lên 40.500 đồng, IDJ +2,6% lên 43.700 đồng đã đóng góp lớn nhất cho chỉ số.

Cùng với đó là các sắc xanh khác tại SHS, S99, MBS, TNG, với SHS phiên này khớp lệnh cao nhất với hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ một số đã nổi sóng lớn với MBG, PV2, PVL, FID, SDA, CMS đều tăng kịch trần, và có cả GKM +10% lên 34.200 đồng, khớp 0,45 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch dưới sắc đỏ, nhưng đã bật nhẹ lên trên tham chiếu vào những phút cuối với điểm nhấn NED.

Theo đó, NED vươn lên dẫn đầu về thanh khoản, với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng kịch trần +15% lên 11.500 đồng, đây cũng là phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất của NED từ khi giao dịch trên UpCoM.

Các cổ phiếu theo sau phần lớn chìm trong sắc đỏ như BSR, VGT, HHV, TVN, AAS, SBS...

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,14%), lên 99,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,9 triệu đơn vị, giá trị 1.005 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị 26,8 tỷ đồng.

Tin bài liên quan