Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/11: Thêm "cú đạp" thót tim!

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/11: Thêm "cú đạp" thót tim!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu vừa và nhỏ sáng nay chịu áp lực chốt lời quá lớn ngay từ đầu phiên, tuy nhiên lực cầu tỏ ra vẫn khá mạnh khi tiếp tục chứng minh rằng giảm giá lại là cơ hội mua vào.

Phiên hôm qua, thị trường tiếp diễn kịch bản đạp mạnh giữa phiên chiều để rồi phục hồi cuối phiên với sắc mã tím tiếp tục lan tràn, cơn hưng phấn trao tay "cục than hồng" chưa dừng lại. Nhưng điều đó dường như đã chuẩn bị kết thúc, cú đạp mạnh vào gần cuối phiên sáng nay thêm một lần nữa phát đi những tín hiệu cẩn trọng bởi lực bán mạnh có thể xuất hiện bất kỳ vào lúc nào.

Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, khi con sóng lớn chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mang tính đầu cơ cao, rủi ro sẽ tăng lên và thường báo hiệu sóng tăng của thị trường sắp đến hồi kết.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đó chỉ là câu chuyện quá khứ, khi thanh khoản thị trường chỉ ở mức 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên và thị trường phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài và một vài tay to. Còn hiện nay, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới 80% tổng giá trị giao dịch của thị trường, thì lịch sử đã sang trang, và điều này đã được chứng mình trong thời gian qua. Tâm lý FOMO (sợ mất cơ hội) đang lấn át trên thị trường, nên mỗi khi lực bán chốt gia tăng, ngay lập tức dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ, hấp thụ nhẹ nhàng lượng cung này, giúp thị trường không giảm sâu.

Điều này dường như tiếp tục xảy ra trong phiên giao dịch sáng nay 16/11. Sau chuỗi tăng nóng, lực bán chốt lời ồ ạt diễn ra ở các mã vừa và nhỏ, lan rộng ra bảng điện tử khiến hơn 340 mã chìm trong sắc đỏ, VN-Index mở cửa mất hơn 17 điểm so với mức điểm mở cửa. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tâm lý FOMO đã xuất hiện hấp thụ hết lượng cung giá thấp kéo VN-Index đi lên cũng nhanh như lúc chỉ số này đi xuống, về sát tham chiếu.

Dù tình trạng bán tháo diện rộng chưa diễn ra, tuy nhiên cần rất lưu tâm bởi VN-Index dù chưa giảm quá mạnh nhưng thuần túy là nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu lớn, mà chủ yếu là nhóm ngân hàng, dầu khí.

Dòng tiền luân chuyển nhanh và sáng nay ghi nhận một số mã đã phi thẳng lên mức giá trần từ sớm như PXI, DAG, MCG, NBB, PTL, KHP, EVG, VPH với khối lượng khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị/mã.

Nhóm cổ phiếu đang có thanh khoản tốt nhất phân hóa hơn, trong đó, HAG và FLC đang dẫn đầu HOSE với hơn 14 triệu và 17 triệu đơn vị khớp lệnh và nhích nhẹ, còn HQC và ITA chìm trong sắc đỏ, thậm chí ITA còn có thời điểm đã lùi về mức giá sàn.

Trong nửa cuối phiên, lại thêm một cú đạp nữa, lần này còn mạnh hơn lúc mở cửa, đẩy VN-Index lùi sâu về dưới ngưỡng 1.460 điểm. Tuy nhiên, cũng như đầu phiên, khi lực bán giá thấp được tung ra, luôn có lực cầu chực chờ, giúp lượng hàng giá thấp được hấp thụ một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, VN-Index theo đó cũng kéo lên theo chiều thẳng đứng giống như lúc xuống dốc, đóng cửa chỉ giảm nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 133 mã tăng và 320 mã giảm, VN-Index giảm 4,48 điểm (-0,30%), xuống 1.472,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 803,37 triệu đơn vị, giá trị 21.629,88 tỷ đồng, tăng 24% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,3 triệu đơn vị, giá trị 1.078 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa, với đa số giảm, nhưng biên độ giảm ngoài GVR -2% xuống 39.700 đồng, thì không mã nào lớn hơn.

Ảnh hưởng mạnh cũng là GVR với gần 1 điểm tiêu cực, cùng HPG -1,7% xuống 52.700 đồng.

Còn lại phần lớn chỉ giảm nhẹ, với các mã lớn như VIC, VNM, MSN, VHM, VJC, PLX, mất từ 0,2% đến 1%.

Ở chiều ngược lại, BVH bật hẳn lên so với phần còn lại, tăng 3,7% lên 65.000 đồng. Các mã theo sau như POW +1,8%, STB +1,3%, VCB +0,6%...

Giao dịch vẫn tập trung ở các mã vừa và nhỏ ở nhiều nhóm ngành, với diễn biến kéo xả mạnh, trong đó, đáng kể là những HQC, ITA, LDG, DLG, HAI, AMD, HHS, CII, QBS, HAR, OGC,…đều đã có lúc bị đẩy lùi xuống mức giá sàn, nhưng kết phiên cũng đều thu hẹp đà giảm.

Chẳng hạn HQC chỉ còn -2,9% xuống 6.050 đồng, thanh khoản cao nhất HOSE với hơn 29,5 triệu đơn vị khớp lệnh, ITA -4,8%, LDG -5,5%, DLG -3,6%, AMD -4,4%...

Tuy vậy, cũng còn không ít giảm sâu như BCE, KOS, HCD, BKG, HNG, SAM, SCT, NLG, IJC, LCG, khi mất từ 3% đến 3,8%,

Cùng lúc, nhiều mã khác lại nới đà tăng và chạm mức giá trần như TNI, PXI, TVS, MCG, DAG, PTL, KHP…, tăng sát giá trần có HTN +6,8% lên 63.000 đồng, EVG +6,5% lên 16.400 đồng, NBB +6,2% lên 45.450 đồng, VPH +6% lên 10.600 đồng.

“Thấp hơn đôi chút” là HAH +5,2% lên 74.300 đồng, VCG +5,1% lên 48.150 đồng, APG +4,6% lên 22.550 đồng, HBC +4,3% lên 24.500 đồng, HVH +4,3% lên 13.250 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu có giao dịch sôi động khác, ROS, TCH, PVD, DCM, SJF còn tăng, với ROS khớp hơn 24,5 triệu đơn vị, TCH khớp hơn 15,1 triệu đơn vị.

Trái lại, FLC, KBC, GEX, FIT, DIG, PAN, IDI chìm trong sắc đỏ, nhưng biên độ giảm cũng không lớn, cùng HAG, DXG, CKG, VGC đứng tham chiếu.

Kết phiên, sàn HNX có 94 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index tăng 6,76 điểm (+1,52%), lên 451,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 137,3 triệu đơn vị, giá trị 3.266,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 21,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO vẫn chưa hết nóng, khi vẫn tăng kịch trần +9,6% lên 23.900 đồng, khớp lệnh cũng cao nhất HNX với hơn 19,1 triệu đơn vị.

Ngoài CEO, các sắc tím khác còn có tại VIG, PCG, DTC và như đã đề cập là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HNX là THD, khi cũng tăng hết biên độ +10% lên 249.700 đồng, khớp hơn 0,77 triệu đơn vị.

Các mã xanh khác cũng có mức tăng khá như TNG +3,6% lên 34.100 đồng, APS +3,5% lên 49.600 đồng, NTP +2,5% lên 62.500 đồng, VC2 +3,8% lên 49.200 đồng, VC9 +4,5% lên 13.900 đồng…

Còn lại không ít giảm khá sâu, đặc biệt là các mã nhỏ như KLF -6%, DST -3,9%, TTH -6,9%, HHG -8%, AAV -4,4%, PV2 -4,8%...

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu, dù cũng có thời điểm rung lắc mạnh và chạm tới mức giá xanh.

Một vài cổ phiếu còn tăng ở các mã có thanh khoản cao như BSR, BVB, DDV, G36, VGV, PVP, trong khi QTP và OIL đứng tham chiếu.

Trong đó, BSR chỉ nhích nhẹ 0,4% lên 24.200 đồng, khớp hơn 5,57 triệu đơn vị.

Bốn mã thanh khoản cao nhất đều giảm là KSH, VHG, SBS và HHV, trong đó, KSH và VHG cùng mất 4,9%, SBS giảm 2,7% xuống 18.300 đồng, HHV -2,1% xuống 23.600 đồng, khớp lệnh nhóm này từ 6,1 triệu đến 6,5 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,48%), xuống 111,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,8 triệu đơn vị, giá trị 1.723,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị 129,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan