Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/11: Nhà đầu tư lại đua nhau bán tháo, VN-Index lao dốc

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/11: Nhà đầu tư lại đua nhau bán tháo, VN-Index lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin hỗ trợ thị trường gần như không có, trong bối cảnh tác động của thị trường bất động sản, trái phiếu chưa dứt và cả vấn đề lạm phát, tỷ giá, thanh khoản vẫn "căng" đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên rất mong manh.

Trong phiên hôm qua, thị trường mở cửa tiếp tục tăng điểm, VN-Index có lúc được kéo lên ngưỡng 995 điểm. Tuy nhiên, đà bán tháo tại một số mã bất động sản lớn là NVL, PDR, khiến VN-Index không thể bứt lên.

Áp lực bán gia tăng sau giờ nghỉ trưa thậm chí còn khiến VN-Index có thời điểm thủng tham chiếu. Tuy vậy, sự nâng đỡ của nhóm ngân hàng, cùng một số mã lớn khác đã giúp chỉ số đã thoát hiểm, ghi nhận phiên tăng nhẹ gần 4 điểm lên trên 985 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 10/11, lực bán mạnh đã ngay lập tức ập vào thị trường ngay khi mở cửa với sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử, cùng nhóm bluechip vẫn khá tiêu cực đã khiến VN-Index giảm về gần quanh khu vực 965- 970 điểm và giằng co sau hơn 1 giờ giao dịch.

Đáng chú ý vẫn là cặp đôi bất động sản NVL và PDR, khi chưa có dấu hiệu ngừng rơi và đều lùi nhanh về giá sàn tại 44.950 đồng và 28.150 đồng, với khối lượng dư bán sàn chất đống, khi NVL là hơn 28 triệu đơn vị và PDR đã lên tới hơn 53 triệu đơn vị.

Gây sức ép còn đến từ các bluechip khi rổ 30VN có tới 27 mã giảm, trong đó, một số giảm khá mạnh gây sức ép lớn như GVR, VHM, VIB, MWG, HPG khi giảm từ hơn 4% đến hơn 5%, dù sau đó có thu hẹp đôi chút đà giảm giúp VN-Index chững lại.

Ở nhóm vừa và nhỏ, nhà đầu tư vẫn ưu tiên bán với hơn 330 mã giảm và chỉ hơn 40 mã xanh trên HOSE, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản với những cái tên nằm sàn rất nhanh đến từ CTD, DHC, HTN, NHA, DRH, DIG, TDG, DRH, hay như nhóm nguyên vật liệu, nông nghiệp với AGM, IDI, ANV, NKG, HMC, TPC...

Đáng kể khác là cổ phiếu ngân hàng EIB, khi cũng giảm sàn về 25.950 đồng và tắc thanh khoản, với chỉ vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn hơn gần 2 triệu đơn vị. Nếu không có sự cải thiện thì đây sẽ là phiên thứ năm liên tiếp cổ phiếu này giảm điểm với 3 trong số đó đều giảm sàn.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh ở nửa sau của phiên ở khắp các nhóm ngành. Sự tiêu cực cao độ trên bảng điện tử khi chỉ hơn 20 mã tăng trên HOSE, trong khi có đến hơn 400 mã giảm, với 60 mã giảm sàn, VN-Index theo đó lao dốc nhanh và để mất hơn 30 điểm về 955 điểm, mức đáy 2 năm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 24 mã tăng và 402 mã giảm (64 mã giảm sàn), VN-Index giảm 30,64 điểm (-3,11%), xuống 954,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 328,3 triệu đơn vị, giá trị 4.641,7 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng nhưng giảm hơn 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,3 triệu đơn vị, giá trị 166 tỷ đồng.

Các bluechip duy nhất còn VJC tăng điểm +0,9% lên 101.500 đồng, còn lại đều giảm, với NVL và PDR vẫn là hai cái tên đáng kể nhất khi giảm sàn, với lượng dư bán giá sàn tại NVL là hơn 28,4 triệu đơn vị, còn PDR tới hơn 53,7 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu khác có thời điểm bị đẩy xuống giá sàn như KDH, VIB, HPG, GVR và STB, trong đó, KDH giảm còn 4,9% xuống 19.300 đồng, còn các mã khác vẫn giảm mạnh từ 6% đến 6,5%. Trong đó, HPG giảm 6,2% xuống 12.200 đồng, là cổ phiếu thanh khoản cao nhất rổ VN30 và cũng lớn nhất thị trường với hơn 44,7 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, các mã lớn BID, MSN, VNM, CTG, BVH, PLX, VHM, TCB giảm từ 3,2% đến 4,7%. May mắn chỉ giảm nhẹ có VRE, VCB, GAS, VIC, SAB, HDB, ACB với mức giảm từ 0,2% đến 1,6%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lác đác một vài sắc xanh đáng kể với thanh khoản tương đối khá như CKG +2,8% lên 25.700 đồng, KPF +2,2% lên 11.450 đồng, dù mã này có lúc đã chạm giá trần.

Trái lại, những cổ phiếu nằm sàn không kể hết, với các cổ phiếu bất động sản, xây dựng chiếm đa số như FCN, HBC SCR, ACC, ASM, BCG, CTD, DHC, HHV, NLG, VGC, DIG…trong đó, DIG khớp hơn 12,8 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 4,6 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu nông nghiệp, nguyên vật liệu, dịch vụ với AGM, ANV, IDI, GIL, BAF, HSG, NKG, KSB, APC, YEG, HAX…Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có CTS, FTS, bán lẻ có DGW, PET và ngân hàng đóng góp cái tên EIB -7% xuống 25.950 đồng, khớp chỉ gần 70.000 đơn vị và dư bán sàn hơn 1,91 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thiếu vắng trụ đỡ và lực bán dần gia tăng mạnh cũng đã khiến HNX-Index nới rộng đà giảm và mất hơn 3%.

Chốt phiên, sàn HNX có 19 mã tăng và 139 mã giảm (30 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,16 điểm (-3,06%), xuống 195,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,9 triệu đơn vị, giá trị 405,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 13,5 tỷ đồng.

Gần như không còn mã nào tăng trong số những cổ phiếu khớp lệnh từ 20.000 đơn vị trở lại, với FID, CTC, NAG, VKC, NDN may mắn nhất khi về tham chiếu.

Còn lại đều giảm, với IDC, IDJ, APS, BII, PVL, API, KVC, HHG đều giảm về mức giá sàn.

Các mã khác cũng đều giảm sâu, như SHS -6,7% xuống 7.000 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 5,19 triệu đơn vị, PVS -3,9% xuống 22.300 đồng, khớp 3,78 triệu đơn vị, CEO -8,2% xuống 11.200 đồng, khớp 2,96 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu TIG, DL1 VGS, AMV, TAR, MBS, PVC, HUT, TNG giảm từ hơn 6% đến gần 9%.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm xanh khi mở cửa, sau đó cũng chịu áp lực lớn và dần lùi xuống dưới tham chiếu và tìm đến các mức giá thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,19 điểm (-3,04%), xuống 70,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,79 triệu đơn vị, giá trị 148,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cũng như hai sàn chính, sắc đỏ bao phủ thị trường UpCoM, với một số giảm sàn như FPL, PXI, PXL, TIS, TNS…

Phần còn lại với BSR -3,5% xuống 16.600 đồng, khớp lệnh cao nhất với 3,2 triệu đơn vị, theo ngay sau là PAS với 1,06 triệu đơn vị và giảm 1,9% xuống 5.300 đồng.

Tin bài liên quan