Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/9: Động lực tăng yếu đột ngột

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/9: Động lực tăng yếu đột ngột

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất ngờ giảm khá mạnh trong phiên chiều nay (8/9) và kết thúc phiên với thanh khoản giảm mạnh so với các phiên trước đó là tín hiệu không tích cực cho các phiên tới.

Thực ra, một phiên giảm điểm kèm với thanh khoản thấp không phải là quá xấu vì phản ánh lượng bán ra không lớn, bất chấp lực mua cũng giảm. Vấn đề là lực mua giảm khá đột ngột, nếu như 2 phiên trước, giá trị giao dịch trên HOSE vẫn đạt mức 26.000-28.000 tỷ đồng/phiên thì hôm nay, giá trị giao dịch chỉ còn trên 19.000 tỷ đồng.

Lực mua giảm phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư thời điểm này. Sự thận trọng đó có thể đến từ cách “dẫn dắt” thị trường của các nhà đầu tư lớn, rất nhiều nhỏ cổ phiếu chỉ “bùng lên” 1-2 phiên rồi lập tức đảo chiều nhanh chóng.

Nếu như phiên cuối tuần trước và phiên đầu tuần này, rất nhiều cổ phiếu “break” vùng tích lũy với khối lượng mua lớn, giá tăng mạnh ngay trong phiên thì đến hôm nay, giá đã về lại điểm xuất phát. Chẳng hạn như dòng cổ phiếu “họ FLC”, sau phiên “đi du lịch Sầm Sơn với màu áo tím” ngày đầu tuần, FLC đã về sát giá xuất phát, nếu phiên ngày mai là phiên cổ phiếu về tài khoản, tình hình không cải thiện thì những nhà đầu tư mua đuổi hôm thứ Hai đã thua lỗ. Câu chuyện tương tự xảy ra với nhóm ngành ngân hàng phiên hôm qua, nhưng hình ảnh còn tệ hơn khi chỉ sang phiên hôm nay đã giảm nhiệt.

Cách kéo nhanh, xả mạnh như hiện tại ở nhiều cổ phiếu chưa vượt đỉnh hiện tại được cho là cách đánh để thoát hàng nốt của những nhà đầu tư lớn, chứ không hẳn là đưa các cổ phiếu vào đợt tăng giá mới. Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng với các phiên “break ảo”.

Thực tế, nhiều nhóm cổ phiếu đã có mức tăng giá 2-3 lần từ đầu năm tới nay, dù giá đã giảm so với vùng đỉnh thị trường cuối tháng 6, nhưng các nhà tạo lập thị trường do tham gia sớm nên hoàn toàn có mức giá trung bình khá thấp.

Quay lại với thị trường phiên hôm nay, về mặt kỹ thuật, VN-Index đã giảm xuống dưới đường trung bình giá 20 ngày (MA20) là một tín hiệu xấu. Tuy nhiên, với sự đi ngang của MA20 và dải Bolinger Band co hẹp đi song song tạo ra từ phiên 20/8 của thị trường thì trong trường hợp xấu, thị trường sẽ chưa thể giảm quá sâu trong ngắn hạn. Khả năng VN-Index nếu giảm tiếp sẽ quay trở lại khu vực 1.311 điểm, lấp Gap tạo ra bởi phiên 30/8.

Chốt phiên chiều, VN-Index giảm 8,29 điểm (-0,62%), xuống 1.333,61 điểm với 127 mã tăng, trong khi có tới 259 mã giảm và 56 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 341,7 triệu đơn vị, giá trị 10.331 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 26,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 1.141,5 tỷ đồng.

Lực cầu hạn chế khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 sắc xanh tại HDB, LPB và VIB, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Trong đó, đáng chú ý, mã HDB của HDBank đã có phiên giao dịch tích cực với lực mua mạnh từ khối ngoại từ khi mở cửa cho tới kết thúc phiên, bất chấp xu hướng giảm điểm của thị trường. Kết phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1,5 triệu cổ phiếu HDB, mạnh nhất dòng bank, qua đó nâng khối lượng mua ròng từ đầu tuần đến nay lên hơn 2,7 triệu cổ phiếu.

Mới đây, HDBank đã công bố ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm dịch vụ với một loạt đơn vị trong hệ sinh thái. Theo CTCK Bản Việt, đây sẽ là dư địa lớn cho HDB đa dạng hóa nguồn thu nhập, đặc biệt từ thu phí và Bancas.

Ở chiều ngược lại, VPB là mã giảm mạnh nhất khi mất 2,4% xuống 62.000 đồng, mức thấp nhất ngày, thanh khoản 5,2 triệu đơn vị. Tiếp đến là STB giảm 2,2% cũng xuống mức thấp nhất ngày 27.300 đồng, khớp 9,67 triệu đơn vị.

Các mã giảm từ 1,5% đến gần 2% có OCB, CTG, TCB, MSB và EIB, trong đó CTG và TCB có thanh khoản tốt 8,36 triệu đơn vị và 7,15 triệu đơn vị. “Anh cả” VCB chỉ giảm nhẹ 0,3% xuống 99.700 đồng.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng không phải là những mã kéo VN-Index mạnh nhất, mà là cặp đôi cổ phiếu họ Vingroup: VIC - VHM. Hôm nay, VIC giảm 2,02% xuống 92.000 đồng, mức thấp nhất ngày, thanh khoản 2,5 triệu đơn vị, trong khi VHM giảm 1,55% xuống 107.900 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. Riêng 2 mã này đã lấy đi của VN-Index hơn 3,3 điểm, nhiều hơn cả 10 mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index hôm nay.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán, sức mạnh tuyệt đối vẫn được duy trì ở SSI và VIX khi lực cung không còn nhiều trong khi bên mua vẫn chất đầy lệnh mua ATC và giá trần. Chốt phiên, SSI còn dư mua giá trần (44.250 đồng, vượt đỉnh cũ) hơn 5,6 triệu đơn vị, còn VIX có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên 19.500 đồng, dư mua trần 3,3 triệu đơn vị. Thanh khoản không có nhiều thay đổi so với phiên sáng so lực cung không lớn, trong đó SSI khớp hơn 14,56 triệu đơn vị, VIX khớp gần 1,47 triệu đơn vị. Nhóm ngày cũng chỉ có thêm VND tăng 1% lên 52.500 đồng, khớp 8,45 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là CTS giảm 3,5% xuống 30.500 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị. TVB giảm 3,1% xuống 24.600 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị. Các mã VDS, HCM, TVS giảm hơn 2%.

Trong nhóm VN30, chỉ có 6 mã tăng, ngoài SSI, HDB, còn có HPG tăng 1,2% lên 51.300 đồng, thanh khoản hơn 33 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường. PDR tăng 1,4% lên 84.200 đồng, khớp 3,57 triệu đơn vị. MWG, SAB và GVR tăng từ 0,4% đến 1%. Ngoài ra, còn có PNJ và VJC đứng giá, còn lại 22 mã giảm giá.

Trên HNX, dù chịu rung lắc do ảnh hưởng từ sàn HOSE, nhưng với sự chắc chắn của NVB, cùng sự hỗ trợ ít ỏi của THD, IDC, HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,23%), lên 347,28 điểm với 90 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 133,7 triệu đơn vị, giá trị 2.873 tỷ đồng, giảm 25,8% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 16,6 triệu đơn vị, giá trị 456 tỷ đồng.

Trong khi nhóm ngân hàng, ngoại trừ NVB vẫn giữ sắc tím 34.700 đồng, 2 mã còn lại đều quay đầu giảm theo các đồng nghiệp trên HOSE. Trong đó, SHB giảm 0,38% xuống 26.500 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 14,9 triệu đơn vị, cao nhất sàn. BAB giảm 0,86% xuống 23.000 đồng, thanh khoản thấp, chưa tới 100.000 đơn vị.

Mã vốn hóa lớn nhất là THD chỉ còn tăng cho có màu xanh 0,05% lên 218.000 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, IDC cũng giữ đà tăng 1,69% lên 42.000 đồng như phiên sáng, khớp 5,7 triệu đơn vị, trong khi VCS quay đầu giảm 0,34% xuống 116.600 đồng.

Trong khi đó, PVS duy trì sắc đỏ khi đóng cửa giảm 1,56% xuống 25.200 đồng, khớp hơn 7,4 triệu đơn vị, PHP giảm 3,03% xuống 32.000 đồng.

Nhóm chứng khoán chỉ còn sắc xanh le lói duy nhất tại HBS, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó MBS giảm 2,4% xuống 36.300 đồng, khớp gần 2,5 triệu đơn vị. BVS giảm 3,1% xuống 34.100 đồng, khớp hơn 0,7 triệu đơn vị. SHS giảm 0,6% xuống 40.100 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM có diễn biến khá giống sàn HOSE khi chỉ số chính bị đẩy mạnh và tạo đáy ngày ở ngưỡng 94,10 điểm, nhưng lực cầu bắt đáy chảy mạnh ở vùng này giúp hãm đà giảm của thị trường.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,36%), xuống 94,36 điểm với 121 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 79,9 triệu đơn vị, giá trị 1.544 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 166 tỷ đồng.

Trong các mã đáng chú ý trong phiên sáng, diễn biến giá không có nhiều thay đổi khi KHB duy trì sắc tím khi đóng cửa ở mức trần 4.200 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị. Trong khi đó, dù thoát giá sàn, nhưng KSH cũng giảm mạnh 6,3% xuống 3.000 đồng, khớp hơn 4,2 triệu đơn vị.

SBS có giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều, nhưng lực bán áp đảo nên đóng cửa giảm 4,2% xuống 16.000 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị, đứng sau 2 mã BSR và HHV. Trong đó, BSR khớp gần 8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,3% xuống 17.700 đồng, còn HHV khớp 6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,8% xuống 20.800 đồng.

Ngoài ra, hôm nay cũng có 3 mã khác có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị là VGT với 3,2 triệu đơn vị, DDV và AAS với hơn 3 triệu đơn vị, trong đó VGT giảm 1,9% xuống 20.500 đồng, còn DDV và AAS cùng tăng 1,8% lên 23.100 đồng và 2,4% lên 16.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo chứng khoán cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,72% xuống 1.433,71 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 9 giảm 0,69% xuống 1.431,1 điểm, thanh khoản 188.959 hợp đồng, khối lượng mở 29.762 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế so với sắc xanh giống như thị trường cơ sở. Trong đó, 2 mã có mức tăng lớn nhất đều 25% là CVNM2101 và CVRE2101 đều do KIS phát hành. Ngược lại, các mã giảm mạnh nhất cũng do KIS phát hành là CTCH2101 giảm 33,3% xuống 10 đồng và CVHM2101 giảm 25,9% xuống 630 đồng.

Trong khi đó, các mã có thanh khoản lớn nhất đều do SSI phát hành gồm CHPG2111, CMSN2105, CVIC2105 và CVRE2106 đều từ hơn 1,3 triệu đơn vị đến hơn 2,8 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan