Giao dịch chứng khoán phiên chiều 26/10: Nhóm thép trở lại, VN-Index chưa thoát khỏi "vòng kim cô"

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 26/10: Nhóm thép trở lại, VN-Index chưa thoát khỏi "vòng kim cô"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tăng điểm phiên chiều nay chủ yếu nhờ một số mã lớn bứt lên, trong khi dòng tiền không mạnh, cho thấy phiên tăng điểm vẫn chưa nói lên điều gì.

Trong phiên giao dịch sáng, sau phiên giảm cuối ngày hôm qua, thị trường tiếp tục có nhịp rũ ngay đầu phiên sáng nay, nhưng không đủ mạnh để khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ thoát hết hàng.

Thị trường sau đó hồi phục trở lại lên trên tham chiếu khi VN-Index lùi về sát đường MA20 (1.375 điểm) và ngưỡng 1.380 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Bước vào phiên giao dịch chiều, một lần nữa lực bán ép khiến thị trường lại quay đầu, nhưng không đủ mạnh để tạo phiên rũ bỏ khi nhà đầu tư nhỏ lẻ giai đoạn hiện nay đã "lỳ lợm" hơn. Mỗi nhịp thị trường bị đẩy xuống là lực cầu mua giá thấp đã sẵn sàng chờ đợi để gom hàng, khiến bên có ý định đẩy thị trường xuống phải chùn tay.

Cũng giống như phiên sáng, ngưỡng 1.380 điểm tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho thị trường và lần này VN-Index được kéo thẳng lên hơn 13 điểm, lên sát mốc 1.393 điểm trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC, mất mức giá cao nhất ngày.

Tuy nhiên, phiên tăng điểm chiều này chủ yếu đến từ việc kéo giá các mã bluechip, đặc biệt nhóm VN30 là chính, chứ tham gia của dòng tiền khá hạn chế, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua.

Tuy hồi trở lại, nhưng với thanh khoản thấp, cùng với các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD, ADX... đều đang phát tín hiệu khá tiêu cực cho thấy, phiên tăng này chưa nói lên được điều gì và việc thị trường có thoát khỏi xu thế lình xình duy trì hơn 2 tuần qua hay không vẫn còn phải chờ đợi các phiên sắp tới.

Ngoài ra, sau khi chỉ số VN30-Index lần đầu đóng cửa dưới đường MA20 sau 3 tuần, hôm nay với sự trở lại của HPG và thêm trụ kéo GAS đã tăng trở lại, nhưng chưa vượt hẳn qua đường MA20. Đây là tín hiệu cần cẩn trọng cho thấy nhóm cổ phiếu lớn mới chỉ hồi phục kỹ thuật chứ chưa trở lại xu hướng tăng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 216 mã tăng và 209 mã giảm, VN-Index tăng 6,23 điểm (+0,45%), lên 1.391,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 748 triệu đơn vị, giá trị 21.027,6 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44,3 triệu đơn vị, giá trị 1.492,7 tỷ đồng.

Rổ VN30 khởi sắc hơn so với phiên sáng với 16 mã tăng, trong đó, đáng kể là HPG, khi tăng tốt nhất nhóm +2,1% lên 56.300 đồng, khớp 27,7 triệu đơn vị, và cũng là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 1,2 điểm tích cực.

Tiếp theo là GAS, tuy chỉ +1,6% lên 113.800 đồng, nhưng cũng đã góp thêm gần 1 điểm tích cực.

Các bluechip khác tăng đáng chú ý chỉ còn có FPT +2,1% lên 96.900 đồng. Còn lại SSI, MBB, TPB tăng 1,2% đến 1,3%, trong khi TCB, POW, VRE, HDB, VJC, VHM, VIC, VPB nhích nhẹ.

Nhóm cổ phiếu giảm trong phiên sáng cũng thu hẹp đà giảm, với PDR chỉ còn -1,7% xuống 96.300 đồng, KDH -1,2% xuống 46.050 đồng. Các mã VCB, MWG, BVH, MSN, VNM, PNJ giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã tăng tốt trong phiên sáng đứng vững và có thêm nhiều sắc xanh, đặc biệt là ở các mã có thanh khoản cao.

Trong đó, HQC vững sắc tím +6,9% lên 5.080 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 32,85 triệu đơn vị.

Tăng mạnh khác đáng kể đều ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng với SAM +6,4% lên 20.650 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị, DIG +5,1% lên 43.300 đồng, khớp hơn 12,3 triệu đơn vị, CII +4,1% lên 21.400 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị, IDI +4% lên 8.150 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị, FIT +3,5% lên 13.300 đồng, khớp 10,2 triệu đơn vị, KBC +2,9% lên 44.900 đồng, khớp 14,3 triệu đơn vị…

Vẫn là ở nhóm bất động sản, xây dựng, có khối lượng giao dịch thấp hơn, nhưng tăng tốt có TLD, BCE, VRC, TV2, SAV, VNE, CIG, khi đều leo lên mức giá trần.

Nhóm cổ phiếu thép trở lại, với HPG dẫn dắt thì HSG, NKG, TLH đều tăng trên dưới 2%, trong đó, HSG khớp 9,18 triệu đơn vị, NKG khớp 10,1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu Logistics một số bật mạnh như VOS leo lên sắc tím +6,8% lên 22.800 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 2,8 triệu đơn vị, TCO +6,3% lên 28.700 đồng, VSC +5,2% lên 71.000 đồng, STG +4,5% lên 26.850 đồng, HAH +4,4% lên 71.000 đồng, SFI +3% lên 58.000 đồng…

Ở chiều ngược lại, các mã đỏ cũng đã thu hẹp đáng kể đà giảm, với HAG, BCC, HBC, IJC, GEX, HHS, HNG, PVT…đều chỉ mất điểm nhẹ, thanh khoản khớp lệnh từ 3 triệu đến 7,7 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu QCG vẫn yên vị ở mức giá sàn -6,9% xuống 8.370 đồng, khớp 2,91 triệu đơn vị, FTM -3,8% xuống 5.250 đồng, NBB -3,4% xuống 37.000 đồng, VIP -3,3% xuống 13.150 đồng…

Trên sàn HNX, diễn biến tương đồng trên HNX, khi chỉ số HNX-Index có nhịp giảm sau giờ nghỉ trưa và chạm đáy trước khi bật trở lại lên trên tham chiếu khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 97 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 1,93 điểm (+0,49%), lên 397,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112 triệu đơn vị, giá trị 2.419,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,1 triệu đơn vị, giá trị 73,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nâng HNX-Index có SHS +1,1% lên 37.000 đồng, MBS +1,9% lên 33.000 đồng, SCG +5,8% lên 79.900 đồng, LAS +2,2% lên 22.900 đồng, PHP +2,8% lên 29.800 đồng và NTP, khi tăng vọt 9,6% lên 61.900 đồng.

Phần còn lại mất điểm như PVS, AMV, HOM, KSF, IDC, PVI, PLC, BCC giảm, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ.

Các mã nhỏ DL1 và KLF đáng kể nhất khi khớp lệnh cao nhất sàn với 8,2 triệu và 7,4 triệu đơn vị, trong đó, DL1 tăng kịch trần +9,2% lên 11.900 đồng, KLF +2% lên 5.000 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index dần tịnh tiến lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ lực bán suy giảm, và nhóm cổ phiếu lớn một số đã đảo chiều tăng.

Mặc dù vậy, BSR và VGT lại chỉ về được tham chiếu từ sắc đỏ của phiên sáng. Theo đó, BSR đứng tại 23.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 8,6 triệu đơn vị, VGT theo ngay sau với hơn 5,93 triệu đơn vị.

Trong số các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thì SGP trở thành điểm sáng, khi tăng mạnh nhất +6,6% lên 40.400 đồng, khớp 1,37 triệu đơn vị.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,96 điểm (+0,95%), lên 101,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,8 triệu đơn vị, giá trị 1.573 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,28 triệu đơn vị, giá trị 108,8 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, với VN30F2111 tăng 11 điểm (+0,74%), lên 1.489 điểm, khớp lệnh hơn 149.000 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 30.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, với phiên hôm nay CHPG2111 khớp tới hơn 4,38 triệu đơn vị, giảm 3,63% xuống 2.390 đồng/cq.

Tin bài liên quan