Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giao dịch chứng khoán: Giới đầu tư “lướt sóng” theo động thái của ETF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái giao dịch của các quỹ ETF đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh nhiều quỹ hiện vẫn còn nặng hầu bao.

ETF “lên ngôi”

Các quỹ ETF lên ngôi đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Các quỹ đầu tư toàn cầu tại các thị trường phát triển (ngoại trừ Mỹ) và các thị trường mới nổi đều đón nhận dòng tiền vào mạnh trong 2 tháng trở lại đây, đặc biệt là trong tháng 8. Dòng vốn vào các quỹ ETF ở Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam đều rất tích cực.

Tại Việt Nam, dòng vốn vào các quỹ ETF trong tháng 8 đạt 558 tỷ đồng, giảm so với tháng 7 nhưng duy trì xu hướng tích cực sang tháng thứ 4 liên tiếp.

Trong đó, dòng vốn chủ yếu chảy vào hai quỹ của VFM là VFMVN Diamond (195 tỷ đồng) và VFMVN30 (175 tỷ đồng), bên cạnh đó là quỹ ngoại VanEck Vectors Vietnam ETF (165 tỷ đồng). Hai quỹ ETF mới niêm yết là SSIAM VN30 ETF và VinaCapital VN100 ETF quy mô còn nhỏ và chưa có nhiều đóng góp về dòng vốn.

Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã bổ sung nguồn vốn trị giá gần 1.400 tỷ đồng cho thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, CTBC Investments (Đài Loan) gần đây đã ra mắt CTBC Vietnam Equity Fund, quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD (tương đương 3.790 tỷ đồng).

Số tiền này chạm ngưỡng giới hạn trong đợt 1 nên Quỹ đã phải thông báo tạm dừng nhận đăng ký mua chứng chỉ quỹ tới nhà đầu tư và sẽ có thông báo về đợt chào bán mới trong thời gian tới.

Dragon Capital, đơn vị tư vấn xây dựng danh mục cho CTBC Vietnam Equity Fund cho biết, quỹ này sẽ ưu tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng nội địa, tài chính và bất động sản. Phần lớn tỷ trọng tài sản được phân bổ vào các cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX, đặc biệt là các mã MWG, VCB, VIC và HPG. Ngoài ra, Quỹ sẽ giải ngân một phần vào VFMVN Diamond ETF.

“Lướt sóng” theo động thái tái cơ cấu danh mục

Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong nước và thường có tác động tới giá cổ phiếu. Thông thường, lực cầu đối với cổ phiếu sẽ tăng lên nếu được thêm vào danh mục và ngược lại. Đây được xem là cơ hội “lướt sóng” đối với những nhà đầu tư có chiến lược bám theo hoạt động của các quỹ ETF.

Ngày 4/9/2020, FTSE Rusell đã bổ sung mã GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index tại đợt cơ cấu danh mục quý III/2020. Dựa trên dữ liệu tính toán chốt ngày 31/8, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự đoán, FTSE ETF sẽ mua vào khoảng 4,4 triệu cổ phiếu GEX.

Đối với FTSE All-share Index, FTSE Rusell có thể thêm vào 5 mã cổ phiếu Việt Nam gồm CTD, VGC, KBC, DPM và HPX.

Sau đợt tái cơ cấu danh mục quý III, số lượng cổ phiếu trong danh mục chỉ số FTSE Vietnam Index và FTSE Vietnam All-share Index dự kiến đạt lần lượt 18 mã và 45 mã. Danh mục mới sẽ có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9 và chính thức giao dịch từ ngày 21/9.

Ngoài FTSE Rusell đã công bố danh mục, trong nửa đầu tháng 9, VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và DB x-trackers FTSE Vietnam ETF (FTSE ETF) cũng sẽ công bố danh mục cơ cấu định kỳ quý III/2020. Đây là hai quỹ ngoại lớn đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, trong đợt tái cơ cấu danh mục quý III/2020, MSCI quyết định giữ nguyên các mã trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index.

Như vậy, số lượng cổ phiếu thành phần của chỉ số tham chiếu cho Quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF giữ ở mức 89 mã. Việt Nam vẫn góp mặt với 12 mã, bao gồm VIC, MSN, VCB, HPG, STB, BVH, GAS, BID, VNM, SAB, POW và HDB.

Những thay đổi trong kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF tạo ra cơ hội “lướt sóng” cổ phiếu, nhưng cũng kèm theo rủi ro, bởi có khả năng xảy ra những thay đổi bất ngờ.

Chẳng hạn, tại kỳ đảo danh mục quý I/2017, VNM ETF bất ngờ thêm vào cổ phiếu NVL khi chưa đủ tiêu chuẩn về thời gian niêm yết. Quỹ dành tới 7% danh mục cho NVL, giá trị mua vào khoảng 20 triệu USD.

Động thái này nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, cũng như nhà đầu tư. Quỹ VNM ETF từng thông báo sẽ đưa cổ phiếu BID vào danh mục, nhưng vài ngày sau lại quyết định giữ nguyên danh mục cũ.

Hai nhóm quỹ ETF nội

Nếu như các quỹ ngoại thường xây dựng chỉ số riêng và dựa trên đó để đầu tư, thì nhóm quỹ ETF nội phải dựa trên các chỉ số do Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) xây dựng. Theo đó, có 2 nhóm quỹ nội hoạt động khá khác nhau.

Nhóm thứ nhất tập trung nắm bắt tỷ suất sinh lợi của thị trường chứng khoán, theo dõi các chỉ số như VN30 (ETF VFMVN30), VNX50 (ETF SSIAM VNX50), VN100 (ETF VinaCapital VN100)…

Nhóm thứ hai không nắm bắt tỷ suất sinh lợi của thị trường mà tập trung vào nhóm cổ phiếu riêng, theo dõi các chỉ số như chỉ số ngành tài chính chọn lọc Việt Nam (VNFin Select), chỉ số các cổ phiếu dẫn đầu ngành tài chính Việt (VNFin Lead), chỉ số các cổ phiếu kim cương Việt Nam (VN Diamond).

Hàng năm, HOSE công bố kết quả thay đổi các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số VN30, VNFin Lead, VN Diamond… vào tháng 7 và tháng 1. Theo đó, các quỹ đầu tư theo các rổ chỉ số này sẽ tiến hành hoạt động tái cơ cấu danh mục tương ứng.

Mới đây, CTBC Vietnam Equity Fund thông báo đăng ký mua 21 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF (tương đương hơn 14% lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành), thời gian thực hiện từ ngày 7/9 đến 6/10/2020, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch của HOSE.

Những động thái mới từ các quỹ ETF phần nào đang tạo “sóng” trong giới đầu tư.

Tin bài liên quan