Giao dịch chứng khoán: Cơ hội đón chu kỳ mới

Giao dịch chứng khoán: Cơ hội đón chu kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dường như càng ngày các chỉ số chứng khoán càng “ưa thích” lập và nhanh chóng phá các kỷ lục do mình vừa lập ra.

Phiên giao dịch ngày 19/1/2021, VN-Index với tròn 60 điểm mất đi và hơn 25,8 ngàn tỷ đồng giá trị giao dịch đã là kỷ lục; nhưng ngay sau đó, ngày 28/1/2021, chỉ số lại hao hụt tới hơn 73 điểm, mức giảm lịch sử với thanh khoản cũng rất cao.

Các phiên hồi phục ngay sau đó cũng ấn tượng không kém với điểm số tăng thêm có lúc đạt tới trên 60 điểm trong phiên 29/1 và kết phiên này, VN-Index được “bù” thêm hơn 32 điểm, gỡ gạc phần nào số điểm mất đi sau phiên “trắng bên mua” liền trước.

Thực ra, theo một số nhà quan sát, thị trường đã có thể phục hồi vào phiên giao dịch thứ Năm tuần trước (28/1) nếu thông tin về các ca mắc Covid ở Hải Dương và Quảng Ninh không nhiều đến thế.

Bất ngờ nằm ngoài dự đoán và từ đó tạo ra những kỷ lục là đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán trong thời Covid. Giữa tuần trước, trong buổi webinar do Công ty DCVFM tổ chức, trả lời nhà đầu tư về việc thị trường giảm điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital chia sẻ quan điểm rằng, VN-Index đã tăng từ 900 điểm lên 930 rồi lên 1.000 điểm và các mốc cao hơn trong nghi ngờ thì bây giờ nếu giảm thêm 50 điểm nữa cũng là bình thường.

Nhưng ông Tuấn phân tích, thị trường vẫn trong chu kỳ tăng trưởng lớn. Lý do là năm 2021, lãi suất vẫn thấp và động lực từ việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ mạnh mẽ, quyết liệt hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

Cùng với đó, một nguồn lực mà chúng ta ít để ý là sự phát triển thu nhập người dân khi năm 2012, Việt Nam có 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu thì năm 2020 có 30 triệu người. Chi tiêu sẽ tăng, dân số vẫn du nhập vào thành phố lớn thì bất động sản và chứng khoán vẫn là hai kênh đầu tư phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện khoảng 3.700 USD, nhưng nếu lấy dữ liệu 1.500 doanh nghiệp trên sàn chia đều cho nhân công thì thu nhập bình quân là 6.000 - 7.000 USD/người.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi Trung Quốc đạt thu nhập 6.000 USD/người thì bùng nổ về chứng khoán và bất động sản”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm rằng, đầu tư không phải là đoán đáy, đoán đỉnh mà là hiểu chu kỳ. Cách đầu tư tốt nhất là bình quân giá để đón đầu chu kỳ này của thị trường.

Thị trường Việt Nam đang ở mức P/E 18 lần khi ở đỉnh và vẫn tốt để tham gia đầu tư vì so sánh với các nước khác, thị trường chúng ta vẫn còn khá rẻ. Động lực ngắn hạn là tiền rẻ, còn động lực dài hạn là nâng hạng, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, giao dịch T0...

Một ngày sau khi nhà phân tích đến từ Dragon Capital chia sẻ nhận định về tầm nhìn đầu tư dài hạn thì thị trường chứng khoán lâm vào tình trạng giảm sàn, trắng bên mua kỷ lục. Nhưng cũng cùng ngày này, khối ngoại lại mua ròng 500 tỷ đồng.

Phải chăng đây là cơ hội cho những nhà đầu tư nào đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư sinh lời trên thị trường suốt nửa năm qua?

Thuận lợi khi đầu tư ở thời điểm này là nhiều yếu tố đầu vào tác động đến thị trường trong trung và dài hạn đã có thể dễ tiên lượng, chẳng hạn như tác động của Covid-19, dù vẫn có rủi ro nhưng có thể dễ tiên lượng hơn nhiều so với đầu năm ngoái. Lãi suất, tỷ giá đã có xu hướng rõ ràng, kế hoạch 2021 của doanh nghiệp trong một năm ít khó khăn hơn 2020 cũng có tính khả thi cao hơn.

Khi tăng trưởng kinh tế dễ tiên lượng hơn mà thị trường chứng khoán quay trở lại định giá hấp dẫn do ảnh hưởng mang tính ngắn hạn như giảm margin, tâm lý chốt lời, tác động tâm lý của dịch bùng phát lại thì rõ ràng đây là cơ hội để đầu tư.

Không đưa ra những khuyến nghị cụ thể, hay ví von hơn là “tiền ai nấy giữ”, nhưng trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán xin chia sẻ đến độc giả những thông tin về đường đi của dòng tiền, về xu hướng đầu tư dài hạn trong bối cảnh lãi suất thấp và thiếu vắng các kênh đầu tư hiệu quả, lợi nhuận doanh nghiệp có nền tảng để tăng trưởng tốt… trong tương lai gần, dù trước mắt Covid vẫn có thể là “bóng ma” rình rập tất cả chúng ta.

Tin bài liên quan