Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Giao dịch chứng khoán: Chờ cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong khi lũ lụt tại miền Trung tiếp tục nhấn chìm nhiều căn nhà và tài sản của người dân thì trên thị trường chứng khoán tuần qua, nhà đầu tư cũng phải trải qua một chuỗi ngày giảm điểm mạnh nhất kể cuối tháng 7. Nhiều người đã bán tháo cổ phiếu, nhưng không ít người khác giữ kỳ vọng, thị trường sẽ sớm ổn trở lại khi “bão tan”.

“Bão” tâm lý

Kết thúc tuần giao dịch 26 - 30/10, VN-Index giảm 3,7% về 925,47 điểm, chỉ số VN30 giảm 4,1% về 892,55 điểm. Khối ngoại bán ròng 1.639,72 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung bán các cổ phiếu trụ như MSN (1.148 tỷ đồng), VRE (178,2 tỷ đồng), VIC (80,1 tỷ đồng)...

Nhóm cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số VN-Index trong tuần từ 26 - 30/10.

Nhóm cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số VN-Index trong tuần từ 26 - 30/10.

Nhịp giảm trong tuần diễn ra trên diện rộng, từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, vừa và nhỏ. Nếu như trong tuần trước đó, nhóm cổ phiếu trụ nâng đỡ chỉ số, trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán, tâm lý nhà đầu tư được nâng đỡ trong hiện trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, thì tuần qua, tâm lý có dấu hiệu kém tích cực khi màu đỏ tràn sàn.

Hầu hết các cổ phiếu trụ đều giảm giá mạnh trong tuần, trong đó BID kéo giảm 4,77 điểm chỉ số, VCB là 4,67 điểm, VHM là 3,23 điểm… Ở chiều ngược lại, mức đóng góp tích cực vào chỉ số chủ yếu là VIC với 2,83 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao khi dòng tiền vẫn nhiệt tình chảy vào chứng khoán. Trong đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (F0) tiếp tục hoạt động mạnh mẽ khi chưa từng trải qua một nhịp điều chỉnh đáng kể nào kể từ tháng 7.

Diễn biến VN-Index từ tháng 3/2020 đến nay.

Diễn biến VN-Index từ tháng 3/2020 đến nay.

Bên cạnh thói quen chốt lời kiểu “tin ra là bán”, tuần qua, tâm lý nhà đầu tư chịu tác động không nhỏ từ các yếu tố bất ổn bên ngoài.

Đầu tiên, đại dịch Covid-19 bùng lên mạnh mẽ ở châu Âu, Mỹ với số ca nhiễm cũng như quy mô ngày một lớn.

Đại dịch vẫn là thách thức lớn đối với sự hồi phục của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chính phủ nhiều nước phải áp dụng trở lại việc giãn cách, tái phong toả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Cùng với đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đi vào giai đoạn cuối, sẽ kết thúc vào ngày 3/11 là một ẩn số lớn cho thị trường tài chính toàn cầu.

Chính sách của tân Tổng thống về kinh tế, chính trị, trong đó đặc biệt là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cũng như áp dụng các gói hỗ trợ tiếp theo như thế nào, là những câu hỏi ngỏ mà nhà đầu tư tài chính phải chờ cái kết của bầu cử mới có thể đoán định.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, 4 phiên đầu tuần qua, cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh. Dow Jones giảm 5,9%, tương ứng giảm 1.676,46 điểm về 26.659,11 điểm, S&P 500 giảm 4,5% về 3.310,11 điểm Nasdaq Composite giảm 3,1% về 11.185,59 điểm. Diễn biến này khiến chỉ báo nỗi sợ hãi (VIX S&P 500) tăng đáng kể.

Diễn biến chỉ số bất ổn VIX S&P 500 trên TTCK Mỹ.

Diễn biến chỉ số bất ổn VIX S&P 500 trên TTCK Mỹ.

Chờ cơ hội mới

Diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy nhiều công ty chứng khoán bị hớ khi sau vài tuần dự báo thị trường đang đứng trước thách thức lớn mà tiền vẫn ồ ạt chảy vào và điểm số chứng khoán không giảm. Thực tế, tự doanh công ty chứng khoán đã mua ròng trở lại 1.379 tỷ đồng trong tuần trước đó như để củng cố cho luận điểm này.

Tuy nhiên, sau phiên 27/10 giảm nhẹ, phiên 28/10 giảm mạnh được xem là một phiên xác nhận cho tín hiệu đảo chiều xu hướng tăng vốn kéo dài 3 tháng, tính từ đáy gần nhất vào tháng 8/2020.

Phiên 28/10 là phiên bất thường nhất tuần qua khi buổi sáng chỉ ghi nhận mức giảm điểm nhẹ, lực bán bắt đầu đẩy mạnh sau 11h giờ, cảm nhận về một lực cầu bắt đáy được đẩy vào thị trường lúc 1h30 từ mức giảm hơn 8 điểm, thị trường đã hồi phục chỉ còn giảm 4 điểm nhưng ngay sau đó là những lệnh bán mạnh.

Mô hình Rising Wedge xuất hiện trong đồ thị VN-Index.

Mô hình Rising Wedge xuất hiện trong đồ thị VN-Index.

Diễn biến trong phiên 28/10 cũng như 2 tuần gần đây cho nhiều nhà đầu tư cảm nhận về mô hình Rising Wedge, với một dạng biến thể khó nhìn nhận. Thị trường khi đi đến cuối mô hình, chính thức bứt phá (breakout) cạnh trên kèm theo dòng tiền mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích nhận định chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Tuy nhiên, thị trường sau đó đột ngột đảo chiều và gãy luôn cạnh dưới của mô hình Wedge.

Dù có cái đầu "lạnh" cũng không dễ đạt được chiến thắng trên thị trường chứng khoán. Sự đứt gẫy của thị trường tuần qua có thể liên tưởng đến người chơi bộ môn thể thao lướt sóng. Một vận động viên đang cưỡi trên một con sóng, nhưng không tận dụng được đỉnh cao của sóng để thoát ra mà quyết quay trở lại lúc sóng cao thì ngay lập tức có thể chịu nguy hiểm.

Chiến thuật an toàn ở thời điểm này là chờ đợi, bơi ra xa một chút để quan sát một con sóng khác. Giữ sự bình tĩnh là cần thiết, không nhất thiết nhà đầu tư phải lập tức vào lại thị trường nhằm bắt đáy.

Trong góc nhìn tích cực, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường giảm mạnh đã tạo ra một mặt bằng giá thấp hơn và yếu tố này khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, với việc được tăng thêm tỷ trọng trong rổ thị trường cận biên, thời gian tới, các nhóm cổ phiếu trụ sẽ đón nhận dòng tiền mới.

Việc duy trì vùng giá ổn định sẽ giúp nhà đầu tư trong nước cụ thể hoá lợi nhuận khi chuyển dịch hàng sang các quỹ mô phỏng theo chỉ số của thị trường cận biên.

Tin bài liên quan