Giao dịch chứng khoán chiều 8/10: Điểm sáng MSN không giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 8/10: Điểm sáng MSN không giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảng điện tử bị sắc đỏ chi phối từ sớm đã tạo gánh nặng lên thị trường trong suốt cả phiên giao dịch, nhưng sức bật tốt từ MSN và PNJ đã giúp VN-Index chỉ mất điểm nhẹ khi đóng cửa.

Sau phiên sáng giảm nhẹ, áp lực bán đã nhanh chóng gia tăng ngay sau giờ nghỉ trưa, khiến VN-Index đổ đèo và chỉ tới khi thủng mốc 915 điểm, một số mã lớn thu hẹp đà giảm, và sự hỗ trợ của MSN đã giúp chỉ số nảy trở lại gần với tham chiếu khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 158 mã tăng và 253 mã giảm, VN-Index giảm 0,88 điểm (-0,10%), xuống 918,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 470,3 triệu đơn vị, giá trị 7.946,3 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 24 triệu đơn vị, giá trị 755 tỷ đồng.

Như đã đề cập, mã lớn MSN là điểm tựa lớn nhất giúp chỉ số không giảm sâu, khi gần như chỉ đi ngang quanh tham chiếu trong phiên nửa đầu phiên sáng đã được kéo mạnh sau giờ nghỉ trưa, đóng cửa +3,2% lên mức cao nhất ngày tại 63.900 đồng, khớp lệnh có hơn 4,84 triệu đơn vị.

Hỗ trợ thêm cho chỉ số còn có PNJ +2,8% lên 62.800 đồng; HPG +1,1% lên 28.100 đồng; FPT +1,4% lên 51.100 đồng; MWG +1,8% lên 109.500 đồng.

Ở chiều ngược lại, có gần 20 mã trong rổ VN30 giảm, nhưng đa số cũng chỉ giảm nhẹ dưới 1%, còn TCB -2,1% xuống 21.350 đồng; VPB -1,3% xuống 23.450 đồng và cặp đôi ngành tiêu dùng VNM và SAB mất hơn 1%.

Thanh khoản trong nhóm STB dẫn đầu với hơn 21,3 triệu đơn vị, giảm 1,1% xuống 13.550 đồng. HPG khớp hơn 18,2 triệu đơn vị; TCB khớp hơn 14,3 triệu đơn vị; TCH khớp được hơn 11,8 triệu đơn vị…

Tại nhóm cổ phiếu thị trường có thanh khoản tốt thì sắc xanh có ITA, PVD, DLG, GVR, DIG, DPM, SCR... Trong đó, ITA khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 29,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng chỉ 0,2% lên 5.290 đồng.

Điểm sáng thuộc về TTF, khi trở lại mức giá trần +7% lên 6.290 đồng, khớp lệnh hơn 7,1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ROS, FLC, HSG, HQC, HAG, GTN, HBC, DXG, GEX, ASM, LDG chìm trong sắc đỏ, khớp từ 4,97 triệu đến 16,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay là CTD. Sau khi vọt lên áp sát mức giá trần khi mở cửa đã dần bị đẩy xuống và kết phiên này chỉ còn +1% lên 61.100 đồng, khớp hơn 3,5 triệu đơn vị, cao nhất từ trước tới nay.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đuối dần ngay khi bước vào phiên chiều, và cũng như VN-Index, sau đó bật nhẹ trở lại và đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Nhìn chung sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử như ACB -0,9% xuống 23.200 đồng; VCS -1,7% xuống 75.700 đồng; PLC -2,2% xuống 22.400 đồng; TAR -2,2% xuống 22.100 đồng; NDN -2,7% xuống 18.100 đồng…

Nhích lên đáng kể có PVS +1,4% lên 14.200 đồng; SHS +1,6% lên 12.800 đồng; VCG +1% lên 40.300 đồng; hay HUT, TIG, MBG tăng điểm.

Trong khi đó, SHB, NVB, CEO dừng lại ở tham chiếu.

Thanh khoản ACB dẫn đầu sàn với hơn 13,89 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS có 9,32 triệu đơn vị; HUT có 4 triệu đơn vị; SHS có 3,68 triệu đơn vị; NVB có 3,2 triệu đơn vị…

Đóng cửa, sàn HNX có 38 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,38%), xuống 135,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,7 triệu đơn vị, giá trị 855,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,8 triệu đơn vị, giá trị 99,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng rơi nhanh ngay sau khi giao dịch trở lại, và tương tự 2 chỉ số chính đã nảy nhẹ trở lại và đi ngang đến kết thúc phiên.

LPB vẫn được giao dịch lớn nhất với hơn 9,42 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 2,6% xuống 11.400 đồng.

Một cổ phiếu ngân hàng khác là VIB với hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ đứng sau LPB cũng đã giảm điểm, mất 1,2% xuống 33.000 đồng.

Các cổ phiếu quen thuộc khác như CTR, ACV, QNS, VGI, LTG, C4G, MCH đóng cửa trong sắc đỏ, còn BSR, OIL, BVB, G36, SBS, VGT đứng tham chiếu.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,66%), xuống 63,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,9 triệu đơn vị, giá trị gần 400 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,62 triệu đơn vị, giá trị 63,68 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm nhẹ, trong đó, VN30F2010 tăng 0,2% lên 868,7 điểm với hơn 106.000 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở hơn 32.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVRE2007 được mua bán mạnh tay nhất khi có hơn 1,28 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này chỉ đứng giá tham chiếu tại 490 đồng/cq.

Tiếp theo là CVPB2007 với hơn hơn 950.000 đơn vị khớp lệnh, giảm hơn 15% xuống 840 đồng/cq.

Tin bài liên quan