Giao dịch chứng khoán chiều 6/8: Phân hóa mạnh

Giao dịch chứng khoán chiều 6/8: Phân hóa mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực chốt lời gia tăng cộng thêm tâm lý thận trọng khiến thị trường phân hóa rõ nét. Điều này đã hạn chế đà tăng của VN-Index, cho dù đã giao dịch khá tích cực trước đó.

Áp lực chốt lời sớm xuất hiện khiến VN-Index giảm điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay 6/8. Điều này là dễ hiểu khi mà trước đó chỉ số đã có 3 phiên liên tiếp tăng mạnh, song không vì thế mà hoàn toàn tiêu cực, khi mà sức cầu tốt vẫn được duy trì, qua đó giúp thị trường nhanh chóng lấy lại sự cân bằng.

Thậm chí, ngay sau giờ nghỉ trưa, lực cầu đã tăng mạnh hơn, đẩy VN-Index bật lên sát mốc 845 điểm, trước khi hạ dần độ cao về cuối phiên.

Việc chỉ số hạ nhiệt ngoài do nhóm cổ phiếu trụ dần yếu đà trước sức ép bán ra, còn vì tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, khi các không tin không mấy tích cực về dịch Covid-19 liên tiếp được cập nhật.

Thực tế, VN-Index đã giao dịch khá tích cực trong suốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng cộng thêm tâm lý thận trọng khiến sự phân hóa dần rõ nét, từ đó hạn chế đà tăng của VN-Index.

Đóng cửa, với 167 mã tăng và 199 mã giảm, VN-Index tăng 2,24 điểm (+0,27%) lên 840,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 257,0 triệu đơn vị, giá trị 4.152,4 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên 5/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,28 triệu đơn vị, giá trị 464,4 tỷ đồng.

Sức ép khiến số mã giảm trong rổ VN30 tăng dần với 14 mã, tuy nhiên mức giảm không quá mạnh, phổ biến từ 1-2%, trong đó MSN giảm 2% về 53.900 đồng.

Tương tự, rổ VN30 có 13 mã tăng và đa phần không tăng quá mạnh, đáng kể nhất là SAB khi tăng 3,7% lên 182.500 đồng và VNM +2,4% lên 114.800 đồng.

Về thanh khoản, nhóm cổ phiếu tôn thép với đại diện là HPG và HSG được giao dịch mạnh nhất thị trường, lần lượt đạt 13,7 triệu và 10,26 triệu đơn vị, nhưng HPG kết phiểm giảm 0,2% lên 24.050 đồng, còn HSG tăng 0,5% lên 10.700 đồng.

Dòng tiền phiên này tiếp tục nghiêng về nhóm cổ phiếu thị trường, thể hiện qua việc các mã thanh khoản cao đứng sau là ITA, PVD, HAG, HQC, OCG, FLC… với mức khớp từ 4-9 triệu đơn vị, nhưng sự phân hóa cũng rất rõ nét khi mà PVD, HAG, OCG… tăng điểm, còn ITA, HQC, FLC… giảm điểm.

Trong số 12 mã tăng trần phiên này, có AGR và HAP là đạt mức thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và cùng ở mức giá quanh 3.300 đồng.

Trên HNX, sàn này chìm trong sắc đỏ khi chịu áp lực chốt lời mạnh, cộng thêm sức cầu dè dặt đã ảnh hưởng tới đà hồi phục của chỉ số. Điểm tích cực là đà giảm đã hạn chế dần về cuối phiên.

Đóng cửa, với 66 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,59%) về 113,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,5 triệu đơn vị, giá trị 403,1 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên 5/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 12,3 tỷ đồng.

Nhiều mã trong rổ HNX30 giảm điểm, trong đó có các mã lớn như ACB và SHB -0,8%; CEO -2,8%; TVC -2,5%..., thậm chí HUT còn giảm về gần mức sàn.

Tuy nhiên, các mã PVS, PVB hay PVI, DDG, LHC, NVB… đều tăng tốt, góp phần hạn chế đà giảm.

PVS dẫn đầu thanh khoản với 6,5 triệu đơn vị, tăng 1,7% lên 11.900 đồng.

DST và NHP tiếp tục tăng trần, trong đó DST khớp 1,2 triệu đơn vị (đạt 6.600 đồng).

Trên UPCoM, sắc xanh được duy trì trong phiên, cho dù chịu giằng co mạnh một phần nhờ sức cầu tích cực.

Đóng cửa, với 90 mã tăng và 76 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,11%) lên 56,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25 triệu đơn vị, giá trị gần 443 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 52% về giá trị so với phiên 5/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,19 triệu đơn vị, giá trị 236,5 tỷ đồng.

Mã dẫn đầu thanh khoản LPB với 4,17 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 1,2% về 8.400 đồng. Một số mã lớn khác cũng giảm điểm là VOC, VGI, VEA, ACV, MCH, QNS…

Ngược lại, các mã BSR, VIB, CTR, OIL, MPC, KDF… tăng điểm, trong đó BSR khớp 2,89 triệu đơn vị (+3,2% lên 6.400 đồng); VIB khớp 1,65 triệu đơn vị (+1,6% lên 19.500 đồng).

Nằm trong 4 mã thanh khoản tốt nhất sàn còn có mã C4G với lượng khớp 2,23 triệu đơn vị (+2,4% lên 8.400 đồng).

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2008 giảm 0,19% về 776 điểm với 262.783 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 36.522 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn với 23 mã giảm, 19 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trong đó, có thanh khoản cao nhất là CMBB2002 với 726.410 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm sàn về 10 đồng (-33,33%).

Tin bài liên quan