Giao dịch chứng khoán chiều 5/1: Bệnh cũ tái phát?

Giao dịch chứng khoán chiều 5/1: Bệnh cũ tái phát?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền liên tục được bơm vào thị trường khiến thanh khoản nhanh chóng tăng lên gần 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 phiên ổn định, những than phiền về việc khó đặt lệnh đã xuất hiện trở lại trong phiên chiều nay.

Theo phản ánh của nhà đầu tư trên các diễn đàn, kể từ thời điểm 14h20, các lệnh mua bán gần như không thực hiện được. Lúc này, thanh khoản thị trường đang ở mức khoảng 15.700 tỷ đồng. Kết thúc phiên, tổng giá trị giao dịch trên HOSE, ở mức 16.200 tỷ đồng.

Như vậy, sau 3 phiên "xuôi chèo mát mái", kể cả phiên thanh khoản kỷ lục hơn 16.200 tỷ đồng hôm qua, có vẻ như hệ thống giao dịch của HOSE lại lặp vấn đề trong phiên hôm nay.

Trở lại diễn biến chính của phiên giao dịch hôm nay 5/1, dòng tiền lớn tiếp tục là yếu tố tạo bệ đỡ cho VN-Index. Sau phiên bay cao ngày 4/1 cộng với việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu trong đêm cùng ngày, VN-Index gặp áp lực chốt lời lớn trong phiên hôm nay và mất hơn 4 điểm sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa.

Tuy nhiên, dòng tiền không vì thế mà e ngại, trái lại vẫn ồ ạt chảy, kéo VN-Index quay đầu tăng một mạch lên vùng 1.130 điểm khi kết thúc phiên sáng, tức tăng hơn 9 điểm so với khi mở cửa. Riêng tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong phiên sáng đạt hơn 10.400 tỷ đồng.

Trong phiên chiều, tiếp tục có gần 6.000 tỷ được đưa vào thị trường, nâng tổng giá trị giao dịch trên HOSE lên 16.216 tỷ đồng, chỉ kém đôi chút so với phiên 4/1, qua đó giúp VN-Index duy trì vững trên mốc 1.130 điểm.

Đóng cửa, với 277 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 12,08 điểm (+1,08%) lên 1.132,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 763,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.216 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên 4/1 (với hơn 764 triệu đơn vị được khớp và gần 16.250 tỷ đồng giá trị giao dịch). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.425 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn vẫn duy trì sự tích cực khi nhiều tăng mạnh như VRE +5,2% lên 33.300 đồng, VHM +3,9% lên 95.600 đồng, FPT +4,2% lên 62.700 đồng… VNM trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 10% cũng tăng 2,36% lên 110.800 đồng.

Tại nhóm ngân hàng, ngoại trừ các mã giảm là CTG, BID hay EIB đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, MBB +5% lên 25.150 đồng, ACB +2,4% lên 29.350 đồng… Thậm chí, LPB và VIB còn tăng kịch trần +7% lên tương ứng 13.500 đồng và 35.300 đồng.

Về thanh khoản, MBB dẫn đầu HOSE với hơn 34 triệu đơn vị khớp lệnh. LPB khớp 24,34 triệu đơn vị, đứng thứ 3 và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. VIB khớp hơn 2,1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản tương đối cao, nhưng có sự phân khóa khá rõ nét trước áp lực bán ra mạnh mẽ. ITA khớp hơn 30 triệu đơn vị, đứng sau MBB (tăng 5,5% lên 7.900 đồng). Cổ phiếu TDH tuy để mất sắc tím, nhưng vẫn 5,6% lên 9.700 đồng, khớp hơn 24,35 triệu đơn vị.

Một vài sắc tím nổi bật có AGR, BSI, TNI, BCG, VOS, PLP, TDC… với lượng khớp từ 2-6 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản cao từ 5-20 triệu đơn vị nhưng giảm điểm có HQC, FLC, ROS, DLG, SCR…

Trên sàn HNX, phiên chiều diễn ra trong thế rung lắc mạnh, nhưng vẫn đóng cửa với mức tăng khá tốt nhờ sức cầu mạnh mẽ.

Đóng cửa, với 101 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,9%) lên 208,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 168,6 triệu đơn vị, giá trị 2.418,41 tỷ đồng, tăng gần 59% về khối lượng và 63% về giá trị so với phiên 4/1. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 46 triệu đơn vị, giá trị hơn 791 tỷ đồng.

SHB, NVB, CEO, SHS, MBS, BVS, TVC, NDN… duy trì vững đà tăng để nâng đỡ chỉ số. Trong đó, SHB +2,9% lên 17.700 đồng, khớp lệnh hơn 22 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX.

Bảng điện tử chỉ còn PVS, HUT, TNG đứng tham chiếu, cùng VIG, KLF, TIG, AMV, BCC giảm điểm và 2 mã nhỏ KVC, ACM giảm sàn thì phần còn lại đều tăng. NVB +2,8% lên 11.200 đồng, CEO +2,2% lên 13.800 đồng, khớp lần lượt 5,5 triệu và 3,8 triệu đơn vị.

BVS giữ vững sắc tím ở mức 22.100 đồng (+10%), khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, PVS -0,5% về 18.700 đồng, HUT -2,3% về 4.300 đồng. PVS khớp hơn 10 triệu đơn vị, HUT khớp 9,2 triệu đơn vị, đứng thứ 2 và 3 sàn HNX.

Trên UPCoM, không vất vả như phiên sáng, chỉ số UPCoM-Index khá thuận lợi trong phiên chiều khi sức cầu ổn định hơn và đứng ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 153 mã tăng và 89 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,31%) lên 74,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,23 triệu đơn vị, giá trị 660,39 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng 10% về giá trị so với phiên 4/1. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,7 triệu đơn vị, giá trị 19 tỷ đồng.

Các mã BSR, SBS, ABB, OIL, BVB tuy có thanh khoản tốt khi cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm.

Cũng trong nhóm thanh khoản cao, nhưng C4G, ASS, MSR giữ được sắc xanh.

BSR vẫn là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất với hơn hơn 7 triệu đơn vị, tiếp đó là C4G với 3,77 triệu đơn vị, SBS là 3,4 triệu đơn vị, ABB là 2,69 triệu đơn vị...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VNF302101 tăng 0,14% lên 1.111 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 151.856 đơn vị, khối lượng mở 39.419 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 2 mã giảm và 4 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, mã CVRE2015 giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 193.590 đơn vị, kết phiên tăng 18,7% lên 1.840 đồng/CQ. Tiếp theo là CVNM2011 tăng 9,27% lên 1.060 đồng/CQ và khớp lệnh 180.830 đơn vị.

Tin bài liên quan