Giao dịch chứng khoán chiều 31/3: "Con tàu" FLC nhộn nhịp người lên kẻ xuống

Giao dịch chứng khoán chiều 31/3: "Con tàu" FLC nhộn nhịp người lên kẻ xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chịu áp lực chốt lời lớn và quay đầu giảm, thậm chí giảm có lúc giảm sàn trong phiên sáng, nhưng dòng tiền lớn liên tiếp được bơm vào giúp FLC quay đầu và đà tăng chưa dừng lại.

Phiên sáng chứng kiến cuộc so găng quyết liệt giữa 2 nhóm nhà đầu tư tại các cổ phiếu nóng. Một bên là những nhà đầu tư muốn xuống tàu khi lượng hàng T+3 từ phiên tạo đáy cuối tuần trước được giải phóng, một bên là những nhà đầu tư nhỡ tàu tận dụng nhịp chững lại ở ga này để lên tàu.

Hành động của 2 nhóm này giúp diễn biến tại các mã nóng như ROS, FLC, DLG, HAI… diễn ra rất sôi động với biên độ biến động giá lớn. Có thời điểm các mã này chịu rung lắc rất mạnh, lao từ mức trần xuống dưới tham chiếu, trong đó FLC chịu áp lực lớn nhất nên có lúc đã giảm xuống mức sàn 11.750 đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn lên tàu vẫn nhiều nên một số mã hồi tăng trở lại, còn FLC hãm đà giảm.

Bước vào phiên chiều, số lượng nhà đầu tư muốn lên tàu tại trạm dừng nghỉ càng lớn, giúp FLC đảo chiều lấy lại đà tăng với thêm 18 triệu đơn vị được khớp, nâng tổng khối lượng cả ngày lên 68,6 triệu đơn vị. ROS cũng có thêm hơn 11 triệu đơn vị được khớp, lên 69,8 triệu đơn vị, nhưng đà giảm hãm hơn phiên sáng. DLG cũng giữ được phong độ như phiên sáng.

Trong khi đó, có thêm nhiều mã khoác áo tím, đặc biệt là LDG khi tăng trần lên mức 8.490 đồng, với hơn 22,6 triệu đơn vị được khớp.

Liên quan đến công ty này, HOSE vừa có văn bản nhắc nhở LDG chậm công bố thông tin giải trình kết quả kinh doanh năm 2020 tăng đột biến so với năm trước.

Còn theo tài liệu tổ chức Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức vào 15/4 tới đây, doanh nghiệp dự kiến trình kế hoạch phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP thưởng cho nhân viên, trong khi không chia cổ tức năm 2020, đồng thời cũng không đề cập tới cổ tức 2021.

Trước đó trong tháng 1, nhiều công ty chứng khoán đã cắt margin với cổ phiếu LDG do công ty này vướng vào những lùm xùm quanh dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Khu đô thị Viva Park).

Ngoài LDG, HHS cũng giữ được sắc tím tốt khi tăng lên 7.220 đồng, khớp 12,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, HQC không thể trở lại khi đóng cửa giảm 3,9% xuống 3.170 đồng, khớp 15 triệu đơn vị.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường trong phiên chiều nay, sau khi bị đẩy về sát tham chiếu trong ít phút đầu tiên do áp lực chốt lời, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index lấy lại đà tăng, giữ được mốc 1.190 điểm khi chốt phiên.

Chốt phiên, VN-Index tăng 5,08 điểm (+0,43%), lên 1.191,44 điểm với 222 mã tăng và 207 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 703 triệu đơn vị, giá trị 14.609 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 13,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,6 triệu đơn vị, giá trị 1.585 tỷ đồng. Như vậy, giao dịch trong phiên chiều nay kém hơn rất nhiều so với phiên chiều qua, lý do là hiện tượng nghẽn lệnh trở lại sau 2 phiên thông suốt.

Trong các mã bluechip, STB vẫn duy trì đà tăng tốt khi đóng cửa tăng 4,6% lên 21.450 đồng, khớp 56,7 triệu đơn vị, nhiều hơn phiên sáng gần 9 triệu đơn vị và vẫn đứng thứ 3 sau cặp đôi ROS - FLC và đứng trên DLG, LDG.

Tương tự, HPG cũng giữ được đà tăng nhẹ 0,8% lên 46.800 đồng, khớp 16,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, CTG dù cũng có thanh khoản tốt với 11,8 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,6% xuống 40.150 đồng.

Với các mã lớn khác, đà tăng của VIC hãm lại một nửa khi chỉ còn tăng nhẹ 0,77% lên 117.900 đồng, khớp hơn 2,8 triệu đơn vị. Tiếp đó là VHM cũng chỉ còn tăng 1,04% lên 97.300 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị. Trong khi MSN nới đà tăng lên 4,52% lên 92.500 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị. SAB cũng đảo chiều tăng tốt 2,86% lên 180.000 đồng, mức cao nhất ngày, nhưng thanh khoản thấp.

Đặc biệt, SSB cũng nhận được lực cầu rất tốt trong phiên chiều và giao dịch khá thông suốt để có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp kể từ ngày chào sàn lên 28.150 đồng, khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, gấp đôi phiên sáng.

Ngoài ra, VIB tăng 4,31% lên 48.400 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, EIB tăng 3,08% lên 20.100 đồng, khớp gần 2,2 triệu đơn vị.

Các mã ngân hàng khác, ngoài CTG và MBB giảm nhẹ và VCB về tham chiếu, các mã khác đều có mức tăng nhẹ.

Về các mã khác, TCH dù cũng gặp rung lắc, nhưng với lực cầu mạnh cuối cùng đã đứng vững khi chốt phiên tăng 0,44% lên 22.900 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này sau chuỗi 4 phiên giảm trước đó.

Trong khi đó, TDP dù trong phiên gặp áp lực lớn, nhưng cuối phiên đã trở lại mức tham chiếu 27.900 đồng, cũng là mức giá cao nhất ngày, thanh khoản đạt 185.700 đồng. Như vậy, chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp của cổ phiếu này đã được chặn lại.

Trên HNX, việc SHB được kéo tăng mạnh giúp HNX-Index nới rộng đà tăng và mất mức cao nhất ngày cuối phiên khi SHB không giữ được mức trần.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,52 điểm (1,96%), lên 286,67 điểm với 104 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 214 triệu đơn vị, giá trị 3.448,7 tỷ đồng, tăng 26,5% về khối lượng và 23,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 39,5 tỷ đồng.

Về giao dịch ở các mã, SHB một lần nữa lại được kéo lên mức trần 25.800 đồng trước khi đóng cửa ở mức 25.700 đồng, tăng 9,4% với thanh khoản 59,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX.

Còn mã vốn hóa lớn nhất sàn là THD vẫn gần như bất động với chỉ 471.301 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 0,1% lên 169.900 đồng.

BAB – mã có vốn hóa lớn thứ 3 sàn HNX cũng bất động với tăng nhẹ 0,34% lên 29.200 đồng như phiên sáng, thanh khoản cũng đì đẹt 47.900 đơn vị. Các mã khác chỉ tăng giảm trong biên độ hẹp.

Trong các mã nhỏ, KLF có giao dịch sôi động hơn hẳn trong phiên chiều khi vươn lên vị trí thứ 2 về thanh khoản, vượt qua người anh em họ hàng ART với 26,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về giá cũng không có tiến triển nhiều khi vẫn đóng cửa giảm 4,7% xuống 4.100 đồng.

Trong khi đó, ART vẫn giữ vững sắc tím 9.900 đồng, khớp 21 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 5,6 triệu đơn vị do lực bán gần như không con.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này giằng co trong biên độ hẹp gần như suốt phiên trước khi tăng dựng đứng trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (+0,97%), lên 81,41 điểm với 154 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,6 triệu đơn vị, giá trị 1.442 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 75,6 tỷ đồng.

Việc UPCoM tăng mạnh cuối phiên là do BSR được kéo mạnh lên mức cao nhất ngày 17.700 đồng khi đóng cửa, tăng 7,3%. Thanh khoản đạt 34,9 triệu đơn vị. Ngoài ra, OIL cũng tăng mạnh 4,4% lên 14.300 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã nhỏ hơn như SBS tiếp tục duy trì đà tăng mạnh 11% lên 8.100 đồng, khớp 6,8 triệu đơn vị, đứng sau BSR. EVF cũng có mức tăng mạnh 12,1% lên 12.000 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị.

Các mã bluechip khác như ABB, BVB, MSR, MCH, CTR, VEF, VTP, FOC, MML… cũng có mức tăng khi chốt phiên.

Trên thị trường phái sinh, có 3/4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng điểm theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng không mạnh, 1 hợp đồng giảm nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức tối thiểu. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 tăng 0,06% lên 1.191,9 điểm với 154.028 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 28.473 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng có phần nhỉnh hơn số mã giảm giống như thị trường cơ sở. Trong đó, các mã do KIS phát hành vẫn là mã giao dịch sôi động nhất khi 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều do KIS phát hành là CSTB2007 và CVRE2007, nhưng lại có biến động giá trái ngược. Trong khi CSTB2007 tăng 9,6% lên 5.270 đồng, thì CVRE2007 lại giảm mạnh 37,5% xuống 50 đồng. Ngoài ra, trong Top 7 mã có thanh khoản nhất hôm nay, có tới 6 mã do KIS phát hành, trong đó ngoại trừ CVRE2007, còn lại đều tăng giá.

Tin bài liên quan