Giao dịch chứng khoán chiều 30/12: Nhóm chứng khoán bị chốt lời, VN-Index điều chỉnh

Giao dịch chứng khoán chiều 30/12: Nhóm chứng khoán bị chốt lời, VN-Index điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi tăng mạnh, áp lực chốt lời diễn ra mạnh ở nhóm chứng khoán kéo VN-Index cũng điều chỉnh theo trong phiên hôm nay.

Trong phiên sáng, lo sợ sẽ nghẽn mạng trong phiên chiều, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ giao dịch giúp thị trường tiếp tục diễn ra sôi động, VN-Index chinh phục mốc 1.100 điểm với thanh khoản duy trì mức tốt như các phiên gần đây.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán chốt lời diễn ra khá mạnh, nhất là ở nhóm chứng khoán và một số cổ phiếu ngân hàng khiến VN-Index đuối sức dần và giảm xuống dưới tham chiếu. Dù nỗ lực trở lại trong ít phút cuối phiên, nhưng chủ yếu là lệnh khớp đã được đặt sẵn trước đó, nên không đủ sức giúp chỉ số này trở lại được sắc xanh.

Dù chỉ giảm nhẹ, nhưng VN-Index đã chấm dứt chuỗi phiên tăng liên tiếp ở con số 3 và một lần nữa không thể chinh phục được mốc 1.100 điểm. Thanh khoản phiên hôm nay giảm, dưới mức 14.000 tỷ đồng, nên giao dịch trong đợt ATC diễn ra khá suôn sẻ với giá trị giao dịch gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư phản ánh không hủy được lệnh mua, bán.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,95 điểm (-0,18%), xuống 1.097,54 điểm với 228 mã tăng và 212 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 677 triệu đơn vị, giá trị 13.469,7 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm gần 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 57,2 triệu đơn vị, giá trị 1.577 tỷ đồng.

Như đã đề cập, nhóm chứng khoán hôm nay bị chốt lời khá mạnh và đồng loạt giảm giá như SSI giảm 0,63% xuống 31.500 đồng, thậm chí có lúc giảm hơn 2%, thanh khoản đạt hơn 10,5 triệu đơn vị. HCM giảm 1,91% xuống 30.750 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị. AGR giảm 1,87% xuống 8.390 đồng, khớp hơn 1,6 triệu đơn vị. VND giảm 1,34% xuống 29.400 đồng, khớp hơn 4,2 triệu đơn vị. FTS giảm 0,32% xuống 15.800 đồng, CTS giảm 3,9% xuống 14.800 đồng… Trong nhóm này, chỉ có VCI duy trì đà tăng 1,82% lên 55.800 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm chứng khoán, một số cổ phiếu ngân hàng cũng điều chỉnh trước áp lực chốt lời như VCB giảm 1,31% xuống 97.900 đồng, nhường vị trí số 1 về vốn hóa lại cho VIC khi mã này tăng 1,88% lên 108.500 đồng. Cũng giảm giá có BID, MBB, HDB, trong khi đà tăng của các mã như TCB, VPB, STB, VIB, CTG bị thu hẹp xuống chỉ còn trên dưới 0,5%, ngoại trừ EIB vẫn khởi sắc với mức tăng trần lên 20.100 đồng.

Trong đó, STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 35,8 triệu đơn vị được khớp. Trong khi, TCB bị đẩy từ vị trí thứ 2 xuống bị trí thứ 6 về thanh khoản với gần 16,6 triệu đơn vị.

Hai mã nhỏ ROS và HQC vẫn giữ được phong độ cả về giá và thanh khoản trong phiên chiều với lượng khớp đạt gần 18 triệu đơn vị và hơn 16 triệu đơn vị, cùng giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên chiều là FLC khi thu hút dòng tiền rất mạnh, đưa tổng khớp lên trên 22,5 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB và đóng cửa tăng 3% lên 4.480 đồng.

Cũng có giao dịch sôi động là ITA với thanh khoản đạt hơn 20 triệu đơn vị, nhưng ITA lại đóng cửa giảm 2,93% xuống 6.950 đồng.

Trong khi đó, giao dịch trên sàn HNX lại khá tích cực trong phiên chiều khi chỉ số chính của sàn này nỗ lực hồi phục và thiếu chút may mắn đã có phiên đảo chiều ngoạn mục.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%), xuống 196,94 điểm với 111 mã tăng và 90 mã giảm. Đà giảm hãm đi rất nhiều so với mức giảm 2,54% của phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 113 triệu đơn vị, giá trị 1.195,8 tỷ đồng, giảm 31,4% về khối lượng và 40% về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 57 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn này, THD có phiên đảo chiều ngoạn mục khi từ mức sàn của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng nhẹ 0,1% lên 105.000 đồng. Trong khi đó, DTK nới rộng đà giảm xuống mức sàn 14.900 đồng. Các mã giảm mạnh khác là SHS giảm 2,94% xuống 23.100 đồng. PHP, VIF giảm gần 2%. SHB giảm 1,16% xuống 17.000 đồng, khớp 10 triệu đơn vị, đứng đầu trong nhóm vốn hóa. Tiếp đến là PVS khớp 9 triệu đơn vị, giảm 0,56% xuống 17.700 đồng.

Tuy nhiên, có thanh khoản tốt nhất sàn là KLF với hơn 11,2 triệu đơn vị, vượt qua HUT và đóng cửa tăng 4,76% lên 2.200 đồng. HUT khớp hơn 10,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,17% xuống 4.500 đồng.

Trong nhóm chứng khoán, khác với các đồng nghiệp trên HOSE, nhiều mã chứng khoán trên HNX lại duy trì được đà tăng tốt, thậm chí tăng trần như VIG, IVS, PSI, trong khi BVS, WSS, cũng có được sắc xanh.

Ngoài ra, nhiều mã khác trên sàn này cũng đóng cửa ở mức trần hôm nay như TIG, MBG, ACM, MPT, MST, C69, IDJ, PGN, VC7, ITQ, FID, LUT…

Trên thị trường UPCoM, giao dịch trong phiên chiều không có nhiều điểm đáng chú ý, chỉ số chính của thị trường này dao động trong sắc đỏ lình xình gần mức điểm đóng cửa của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,57%), xuống 73,41 điểm với 132 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,8 triệu đơn vị, giá trị 739 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 93,7 tỷ đồng.

AAS và BSR là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường này với hơn 5 triệu đơn vị, nhưng đều đóng cửa giảm 1 bước giá. SBS và C4G là 2 mã khớp trên dưới 3,8 triệu đơn vị, đóng cửa trái chiều. Trong đó, SBS giảm 9,09%, xuống 5.000 đồng, còn C4G tăng 1,77% lên 11.500 đồng.

KSH và VHG là 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đều đóng cửa ở mức trần 1.600 đồng và 1.400 đồng, còn dư mua giá trần khá lớn.

Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị có MSR, ABB, BVB, OIL, PFL, trong đó chỉ có PFL là tăng giá khi đóng cửa ở mức trần 2.900 đồng, còn các mã lớn đều giảm giá.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có sự phân hóa, với 2 hợp đồng tăng, 1 hợp đồng giảm và 1 đứng giá. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,07% lên 1.059,16 điểm, còn hợp đồng tương lai có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2101 tăng 0,28% lên 1.070 điểm với 129.172 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 42.216 hợp đồng.

Tin bài liên quan