Giao dịch chứng khoán chiều 28/7: VN-Index bất ngờ nhảy vọt hơn 28 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp đà hồi phục trong phiên sáng, VN-Index bật tăng ngay sau giờ nghỉ trưa, vượt qua mốc 810 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 28/7: VN-Index bất ngờ nhảy vọt hơn 28 điểm

E ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhà đầu tư chứng khoán hoảng loạn mà ồ ạt bán ra. Chỉ sau hai phiên bán tháo vừa qua, VN-Index mất tới gần 82 điểm, tức giảm gần 8,6% giá trị. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật trong phiên hôm nay và diễn biến thực tế phần nào chứng minh cho nhận định này.

Ngay khi mở cửa, VN-Index đã được bao phủ bởi sắc xanh khi cầu mua giá cao sớm được kích hoạt. Dẫu vậy, tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng và sức mua còn có phần dò xét nên VN-Index không tăng quá nhanh và thanh khoản cũng không cao.

Tuy nhiên, tình hình đã tích cực hơn hẳn trong phiên chiều. Ngay sau giờ nghỉ trưa, dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường, không chỉ tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips, mà ở các nhóm cổ phiếu khác, giúp sắc xanh lan tỏa khắp bảng điện.

Tại thời điểm 14h30, chỉ số VN-Index tăng 29,23 điểm (+3,72%) lên 814,4 điểm với số mã tăng gấp gần 7 lần số mã giảm, đạt 353 mã, thanh khoản hơn 4.700 tỷ đồng . Nhóm VN-30 chỉ còn 2 mã giảm là EIB, VJC và VIC đứng giá, còn lại đều tăng, trong đó SSI và VHM tăng kịch trần.

Tương tự, chỉ số HNX cũng bay cao trong phiên chiều với mức tăng tại cùng thời điểm là 4,76 điểm (+4,63%) lên 107,6 điểm với 56 mã tăng, gấp 5 lần số mã giảm, thanh khoản đạt gần 420 tỷ đồng.

Rổ HNX30 có tới 5 mã tăng trần là HUT, SHS, SHB, VCS và L14, lượng mã giảm cũng chỉ có 2 mã.

Tuy nhiên, VN-Index không giữ được mức cao nhất ngày khi chịu áp lực nhẹ trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC.

Đóng cửa, với 360 mã tăng và 49 mã giảm, VN-Index tăng 28,19 điểm (+3,59%) lên 813,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 328,5 triệu đơn vị, giá trị 5.028,52 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 28/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,8 triệu đơn vị, giá trị 509,5 tỷ đồng.

Tại rổ VN30, EIB và VIC cũng đã được kéo tăng, nên chỉ còn duy nhất VJC giảm điểm với mức giảm 1,4% về 96.500 đồng, trước đó có thời điểm giảm hơn 4%.

Ngoài SSI và VHM tăng trần lên tương ứng 14.200 đồng và 75.800 đồng, nhiều mã lớn khác cũng ghi nhận đà tăng mạnh như VNM, BID và MBB tăng 6,2-6,5%; ROS, HPG, GAS, POW, VPB, CTG, FPT và SAB tăng từ 4-5,9%...

SSI khớp lệnh 6,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn. Các mã chứng khoán khác như HCM, APG cũng tăng kịch trần với thanh khoản cao, riêng HCM khớp 2,6 triệu đơn vị, tăng lên 17.150 đồng.

ROS khớp lệnh 20,87 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Có 5 mã khác đạt mức khớp từ 11-15 triệu đơn vị là HSG, HPG, STB, HQC, ITA và tất cả đều tăng.

Nhiều mã nóng khác cũng đạt sắc tím như HSG, FLC, HAI, SZC, OGC, MHC, PVT, HCD đi kèm thanh khoản cao từ 1 triệu đơn vị trở lên. Tính chung, toàn sàn HOSE có tổng cộng 46 mã tăng trần.

Mã DAH nằm trong số 10 mã hiếm hoi đi ngược thị trường với mức giảm sàn về 6.810 đồng. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp của mã này, khớp lệnh 4,17 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã không gặp áp lực trong thời điểm cuối phiên và tiếp tục đi lên, chốt phiên ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 126 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index tăng 5,13 điểm (+4,99%) lên 107,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,1 triệu đơn vị, giá trị 439,24 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 28/9. Giao dịch thỏa thuận có 4,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 45 tỷ đồng.

Rổ HNX30 đã có thêm sắc tím để củng cố đà tăng của HNX-Index với 7 mã là HUT, SHS, SHB, VCS, DTD, PVC và L14. Trong đó, HUT khớp 3,22 triệu đơn vị (đạt mức giá 2.000 đồng), SHS khớp 2,99 triệu đơn vị (đạt mức giá 10.300 đồng), SHB khớp 1,99 triệu đơn vị (đạt mức giá 11.200 đồng).

Toàn sàn có tổng cộng có 38 mã tăng trần, trong đó có MBG, ART, TIG, VIX, KVC, AMV, IDJ… Riêng MBG khớp lệnh 4,17 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn, tăng lên 4.600 đồng. ART khớp hơn 2 triệu đơn vị, VIX là 1,1 triệu đơn vị, tăng lên tương ứng 2.200 đồng và 8.900 đồng.

KLF khớp lệnh 4,73 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, nhưng đứng giá 1.600 đồng. Đứng sau là PVS với 4,25 triệu đơn vị được sang tên, kết phiên tăng 4,6% lên 11.300 đồng. ACB khớp 2,59 triệu đơn vị, kết phiên tăng 5% lên 22.900 đồng.

Trên UPCoM, cùng với đà tăng chung của thị trường, chỉ số UPCoM-Index cũng thăng hoa trong phiên giao dịch chiều và đứng ở mức cao nhất ngày khi kết phiên.

Đóng cửa, với 153 mã tăng và 42 mã giảm, UPCoM-Index tăng 1,62 điểm (+3,02%) lên 55,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,74 triệu đơn vị, giá trị hơn 415 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 28/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,1 triệu đơn vị, giá trị 183,9 tỷ đồng.

Hầu hết mã lớn trên thị trường này đều tăng giá, nhưng thanh khoản cao chỉ có LPB, BSR và VIB. LPB khớp 5,7 triệu đơn vị, đứng đầu sàn, tăng 4,9% lên 8.500 đồng. BSR khớp 2,88 triệu đơn vị, tăng 5,1% lên 6.200 đồng. VIB khớp 1,48 triệu đơn vị, tăng 2,2% lên 18.600 đồng.

SPB bất ngờ lọt vào nhóm có thanh khoản tốt nhất sàn khi khớp lệnh đột biến 1,68 triệu đơn vị, kết phiên tăng 0,6% lên 16.000 đồng.

Các mã PPI, PFL, PVV, SSN, VNA, VHG… tăng trần, nhưng thanh khoản thấp.

Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ VN30F2103 không khớp lệnh, 3 hợp đồng tương lai còn lại đều tăng. Trong đó, VN30F2008 đáo hạn gần nhất có thanh khoản cao nhất với 322.020 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 32.136 đơn vị, tăng 4,22% lên 741,7 điểm,

Trên thị trường chứng quyền, ngoại trừ 2 mã giảm và 1 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, mã có giao dịch lớn nhất là CVRE2001 với 738.990 đơn vị khớp lệnh và đứng giá tham chiếu 8 đồng/CQ.

Tin bài liên quan