Giao dịch chứng khoán chiều 27/10: Bùng nổ, VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại

Giao dịch chứng khoán chiều 27/10: Bùng nổ, VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự kỳ vọng vào gói kích thích tổng thể cho phục hồi kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán có ngày tăng điểm tích cực nhất sau hơn 3 tháng, quan trọng hơn VN-Index đã vượt ngưỡng cao kỷ lục mọi thời đại trong lịch sử hơn 20 năm của chỉ số này.

Ngày 2/7/2021, cách đây gần 4 tháng VN-Index đã thiết lập kỷ lục lịch sử về độ cao của mình. Điểm cao nhất trong phiên ngày hôm đó, chỉ số đã lên tới mức 1.424,28 điểm, tuy nhiên kết phiên chỉ ở mức 1.420,27 điểm.

Kỷ lục đó những tưởng kéo dài sau 1 quý khó khăn của nền kinh tế vì tác động xấu của đợt bùng phát dịch thứ tư, nhưng không, ngày hôm nay 27/10/2021, VN-Index đã vượt qua ngưỡng này sau chuỗi phục hồi khá gian nan kể từ vùng đáy 1.243 điểm của phiên 19/7.

Kết phiên, VN-Index 1.423,02 điểm, và phiên giao dịch ngày hôm nay cần phải được ghi nhớ.

Sự kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế được coi là động lực bùng nổ của thị trường phiên hôm nay, nhưng nếu xét lại thì thông tin về các gói kích thích kinh tế đã có từ đầu tháng 10. Câu chuyện của thị trường phiên hôm nay có lẽ là sự hội tụ của nhiều yếu tố, đầu tiên và quan trọng nhất là kỳ vọng phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4 sau quý 3 chịu ảnh hưởng của giãn cách. Tiếp theo đó là độ nén của chính thị trường sau hơn 2 tuần giao dịch tích lũy, đi ngang dưới ngưỡng 1.400 điểm, khi độ nén được giải tỏa thì thị trường bật tăng mạnh mẽ.

Ngoài ra cũng phải kể tới các yếu tố khác như khối ngoại có dấu hiệu giảm bán ròng, các cổ phiếu trụ mà đặc biệt là nhóm ngân hàng, nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số, sau thời gian tích lũy khá dài ở vùng đáy tháng 7 chỉ cần tăng trở lại là lập tức kéo VN-Index bay cao, điều đã từng xảy ra ở phiên 11/10. Hôm đó, VN-Index cũng tăng 21 điểm.

Nhưng trên tất cả vẫn là yếu tố nền tảng của thị trường đó là lãi suất thấp. Dòng tiền không chỉ có dấu hiệu mà đã xác nhận việc rút khỏi kênh tiết kiệm, dù chưa lớn, để chuyển các kênh sinh lời khác, chứng khoán đương nhiên là địa chỉ hàng đầu.

Điều thú vị của thị trường chứng khoán là sự bất ngờ, khi mới ngày hôm qua thôi, thị trường vẫn còn đang tồn tại sự lo ngại của việc căng margin, điều thường xảy ra vào cuối các tháng trong gần 1 năm trở lại đây. Nhiều dự báo thị trường sẽ cần có một đợt giảm trước khi bật lại vào đầu tháng 11 khi tỷ lệ ký quỹ tăng trở lại, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ vào đúng lúc lo ngại xảy ra. Giống như cái cách mà mã KBC gây bất ngờ cho rất nhiều cổ đông khi hôm nay tăng trần mạnh mẽ dù báo lỗ hơn 59 tỷ đồng quý 3.

VN-Index đã xác lập kỷ lục mới, câu chuyện ngày hôm nay là diễn biến ngày mai sẽ thế nào? Có một trường phái đầu tư khá phổ biến trên thị trường hiện tại đó là khi giá cổ phiếu vượt đỉnh, nhà đầu tư sẽ thay vì bán sẽ mua thêm, thậm chí full margin vì khi đó không còn ngưỡng cản nào bởi giá đã vượt đỉnh. Mua thêm, thực ra không phải chờ đến phiên ngày mai mà điều đó đã xảy ra ngay phiên hôm nay khi giá trị thanh khoản trên HOSE đạt mức rất cao.

Cách đầu tư trên có lý do của nó, bởi trong các con sóng của VN-Index bắt đầu từ tháng 8/2020, sau mỗi lần vượt đỉnh 900 điểm, 1.000 điểm, 1.200 điểm, thị trường thường có một con sóng kéo dài 2-3 tháng, việc mua sau khi thị trường vượt đỉnh vẫn đảm bảo tỷ lệ lãi đáng kể cho nhà đầu tư mà độ rủi ro giảm đi.

Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, trong sự hưng phấn ngày hôm nay, vẫn cần phải lưu ý rằng thị trường cần thêm 1-2 phiên nữa để xác nhận chu kỳ tăng mới đã mở ra, đồng thời cũng cần phải xem xét thêm liệu thực sự có một con sóng dài sau khi lập kỷ lục điểm số mới hay không?

Gần đây nhất, ngày 18/6, khi thị trường vượt đỉnh ngắn hạn 1.375 điểm và lập kỷ lục điểm số mới, nhưng con sóng sau đó chỉ kéo dài được đúng 2 tuần để rồi rơi rất mạnh gần 200 điểm. Sự bất ngờ chỉ có tính ngắn hạn, còn để kiếm lời bền vững và lâu dài với thị trường cần quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố cơ bản và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Chốt phiên, VN-Index tăng 31,39 điểm (+2,26%), lên mức cao nhất ngày 1.423,02 điểm với 355 mã tăng với 29 mã tăng trần, nhiều hơn phiên sáng 9 mã, trong khi chỉ có 95 mã giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 936,2 triệu đơn vị, giá trị 28.379 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 78,5 triệu đơn vị, giá trị 3.344 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu từ dẫn dắt tới các nhóm thị trường đều thi nhau khởi sắc. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất MSB giảm nhẹ, còn lại đều có sắc xanh với CTG là mã tăng mạnh nhất 4,01% lên 31.100 đồng, thanh khoản 19,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là STB tăng 3,52% lên 26.500 đồng, khớp 18,1 triệu đơn vị. VPB tăng 2,43% lên 37.950 đồng, khớp 6,77 triệu đơn vị. VCB tăng 2,2% lên 96.100 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị, đóng góp 2 điểm cho VN-Index. HDB tăng 2,02% lên 25.200 đồng, khớp 3,19 triệu đơn vị…

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn TVB và APG giảm nhẹ, còn lại đều tăng giá, trong đó BSI, VND và SSI tăng hơn 4%, khiêm tốn hơn, nhưng HCM và VCI cũng tăng hơn 3%; FTS, VDS, AGR tăng hơn 2%...

Nhóm thép, HPG đã trở thành mã tăng mạnh nhất với 2,84% lên 57.900 đồng, mức cao nhất ngày với thanh khoản 28,94 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn thị trường sau KBC.

Trong nhóm bất động sản, KBC nhảy vọt từ mức tham chiếu lên đóng cửa ở mức trần 48.000 đồng, khớp tới 31,89 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần, thiết lập đỉnh lịch sử mới cả về giá và thanh khoản.

Ngoài KBC, nhóm bất động sản còn tràn ngập sắc tím ở các mã khác như PTL, NVT, LGL, HAR, SGR, NBB, KHG, DRH. Đại đa số các mã khác đều có mức tăng mạnh hơn 3% đến hơn 6%. Trong nhóm này, ngoài KBC, HQC cũng có thanh khoản tốt với 25 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi quyền lực VHM và VIC cũng có mức tăng 2,92% lên 81.000 đồng và 3,04% lên 95.000 đồng, đóng góp hơn 5,3 điểm cho VN-Index.

Trong các mã trụ khác, GAS khởi sắc nhảy vọt lên mức trần 121.700 đồng, thiết lập đỉnh lịch sử mới và đóng góp cho VN-Index tới 4 điểm, thanh khoản cũng tăng mạnh lên hơn 4 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến MSN khi tăng 5,2% lên 146.800 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng góp cho VN-Index 2,2 điểm. Chỉ riêng 10 mã trụ đã đóng góp cho VN-Index gần 20 điểm trong tổng số điểm tăng hôm nay.

Trong khi đó, HNX-Index dường như sức tăng của các mã lớn đã tới hạn từ phiên sáng, nên trong phiên chiều chỉ nhích thêm chứ không nhảy vọt như VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,56 điểm (+1,65%), lên 404,37 điểm với 149 mã tăng với 16 mã tăng trần, nhiều hơn phiên sáng 1 mã và cũng chủ yếu là các mã nhỏ, ít chú ý; 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 152,3 triệu đơn vị, giá trị 4.107,7 tỷ đồng, tăng 32,2% về khối lượng và 65% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15 triệu đơn vị, giá trị 978,7 tỷ đồng.

PVS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 17,37 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,3% lên 30.500 đồng. Ngoài ra, các mã lớn nhất sàn đều tăng giá khá mạnh, trong đó THD nới đà tăng lên 1,18%, đóng cửa 234.000 đồng, trong khi KSF lại hạ độ cao khi chỉ còn tăng 2,73% lên 78.900 đồng, IDC tăng 5,04% lên 68.800 đồng (khớp 4,74 triệu đơn vị), VCS tăng 0,4% lên 125.700 đồng. Ngoài ra, NVB tăng 2,49% lên 28.800 đồng, PHP tăng 2,01% lên 30.400 đồng, MBS tăng 3,64% lên 34.200 đồng.

Trên UPCoM, dù có nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, nhưng sau đó đã bứt lên theo đà tăng của 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (+0,78%), lên 102,67 điểm với 255 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 140,5 triệu đơn vị, giá trị 2.784 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,7 triệu đơn vị, giá trị 613 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản nhất với 19,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,5% lên 24.700 đồng, OIL tăng 3,3% lên 15.500 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị. VGT tăng 1,3% lên 22.600 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị. HHV tăng 2,5% lên 20.200 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tương đương với chứng khoán cơ sở. Theo đó, đóng cửa VN30-Index tăng 33,84 điểm (+2,28%), lên 1.516,46 điểm với tất cả 30 mã đều tăng. Còn hợp đồng đáo hạn tháng 11 tăng 34,3 điểm (+2,3%), lên 1.523,3 điểm với 155.486 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 30.574 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 5 mã giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, 6 mã đứng giá khi đóng cửa, còn lại đều tăng giá. Trong đó, 3 mã tăng mạnh nhất đều do KIS phát hành là CSTB2106 tăng 65,2% lên 380 đồng, thanh khoản 904.200 đơn vị; CMSN2106 tăng 27,5% lên 510 đồng, thanh khoản 500.800 đơn vị; CKDH2103 tăng 26,2% lên 530 đồng, thanh khoản 505.000 đơn vị. Trong khi 2 mã CHPG2111 và CVHM2107 do SSI phát hành có thanh khoản tốt nhất với hơn 1,76 triệu đơn vị và gần 1,36 triệu đơn vị. Có thêm 2 mã nữa đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVRE2109 do HSC phát hành và CMSN2109 do VND phát hành.

Tin bài liên quan