Giao dịch chứng khoán chiều 25/1: Cổ phiếu cao su chế biến, bất động sản, dệt may nổi sóng

Giao dịch chứng khoán chiều 25/1: Cổ phiếu cao su chế biến, bất động sản, dệt may nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ cùng thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, đáng chú ý nhiều nhóm cổ phiếu như cao su chế biến, bất động sản, dệt may vẫn đua nhau nổi sóng.

Sau diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu ở phiên sáng, thị trường được kéo lên cao ngay khi mở cửa phiên chiều, chỉ số VN-Index thử thách lại vùng giá 1.170 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 giờ biến động nhẹ, tâm lý nhà đầu tư dường như mất kiên nhẫn nắm giữ đã quay ra đẩy bán khiến thị trường dần hạ động cao và quay đầu đảo chiều giảm.

Điều đáng chú ý trong phiên là thanh khoản tiếp tục sụt giảm đáng kể cho thấy dòng tiền không còn tấp nập như trước đây. Nhà đầu tư đã thận trọng hơn và trên một số trang bình luận cho rằng dòng tiền không còn ở trạng thái mua nữa mà đang rút ra nhanh chóng.

Kết phiên, sàn HOSE phân hóa với 236 mã tăng và 219 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,73 điểm (-0,06%), xuống 1.166,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 707,24 triệu đơn vị, giá trị 15.785 tỷ đồng, giảm 6,74% về khối lượng và 1,5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.120 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đuối sức khi nhiều mã lớn thu hẹp biên độ tăng hoặc nới rộng đà giảm điểm như HPG và FPT đều về sát mốc tham chiếu, đặc biệt phải kể đến dòng bank.

Không có mã ngân hàng nào giữ được sắc xanh. Hầu hết đều giảm hơn 1%, ngoại trừ CTG, EIB giảm hơn 2%, STB giảm 3% xuống 19.350 đồng/CP, gia tăng thêm gánh nặng cho thị trường.

Ở chiều tăng, các mã MSN, PNJ, MWG có mức tăng tốt trong khoảng 3-4%. Trong đó, dù giá cổ phiếu đã có chuỗi ngày dài tăng nóng và trong phiên hôm nay có thời điểm bị bán chốt lời nhưng giao dịch cổ phiếu HPG vẫn tiếp tục tăng mạnh với thanh khoản ấn tượng, lên tới gần 33 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về diễn biến giá cổ phiếu, áp lực bán gia tăng cuối phiên đã đẩy HPG về sát mốc tham chiếu khi chỉ còn tăng 0,1% lên 43.700 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn tỏa sáng từ những mã lớn bluechip như VRE tăng 2,4% lên 37.800 đồng/CP, đến các mã khác như HBC, DXG, KBC, VGC, ASM, hay ROS, FLC đều tăng trần.

Trong đó, cặp đôi FLC và ROS được nhắc đến khá nhiều trong những phiên gần đây, sau khi "người anh em" FIT đã bị ồ ạt xả bán khi tiếp giảm sàn. Cả hai mã này đều kết phiên trong sắc tím với khối lượng khớp lệnh trên 32 triệu đơn vị, trong đó ROS dư mua trần tới gần 11 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu cao su chế biến, bộ 3 gồm DRC, CSM và SRC tiếp tục ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 với thanh khoản tăng vọt so với những phiên trước đó, đáng kể DRC khớp gần 4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm khá mạnh trong suốt cả phiên chiều do gánh nặng đến từ bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 107 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 8,27 điểm (-3,45%), xuống 231,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 151,5 triệu đơn vị, giá trị 2.144 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,22 triệu đơn vị, giá trị 57,48 tỷ đồng.

Trong nhóm dệt may, bên cạnh TNG xác lập phiên thứ 3 liên tiếp tăng trần, nhiều mã khác như NPS, ADS, GIL cũng tăng trần, TCM tăng 3,8% lên 84.000 đồng/CP, HDM tăng 11,1% lên 16.000 đồng/CP, VGG tăng 9,9% lên 48.900 đồng/CP, VGT tăng 13,8% lên 21.400 đồng/CP…

Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, chứng khoán trên sàn HNX vẫn chưa thấy tín hiệu khởi sắc. Trong đó phải kể đến đà giảm khá mạnh của một số mã như SHB giảm 4% xuống 16.700 đồng/CP, SHS giảm 5,8% xuống 27.700 đồng/CP, BVS giảm 3,1% xuống 21.600 đồng/CP, các mã NVB, PVS, PVB, MBS có mức giảm trên dưới 1,5%.

Cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 24 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Không chỉ mã lớn giảm điểm, ở nhóm vừa và nhỏ, nhiều mã nóng như KLF, ART, VIG, HUT… cũng mất điểm. Trong đó KLF giảm 6,3% xuống sát sàn 3.000 đồng/CP và ART nằm sàn, với cùng khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, cũng như phiên sáng, sau thời gian khá ngắn hồi phục sắc xanh khi bước vào phiên chiều, lực bán đã nhanh chóng đẩy UPCoM-Index về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,23%), xuống 77,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,33 triệu đơn vị, giá trị 812 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2,57 triệu đơn vị, giá trị 32,73 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giảm 3,4% xuống mức 11.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất UPCoM, đạt 7,42 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là cổ phiếu chứng khoán SBS khớp hơn 4,2 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 8,2% xuống 7.800 đồng/CP.

Ngoài BSR, nhiều mã lớn khác như OIL, VGI, VEA, ACV, MCM, QNS… cũng có mức giảm đáng kể đều trên 1%, tác động thiếu tích cực tới thị trường.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm điểm, trong đó, VN30F2101 giảm nhẹ 0,4 điểm xuống 1.173,1 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 133.910 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.960 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản cao nhất thuộc về CFPT2012 với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,4% lên 3.500 đồng/cq.

Tin bài liên quan