Giao dịch chứng khoán chiều 24/1: Bán tháo trên diện rộng, hàng trăm mã giảm sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 24/1: Bán tháo trên diện rộng, hàng trăm mã giảm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 33 điểm khi chứng kiến hàng trăm mã giảm sàn.

Phiên giao dịch chiều trở nên tiêu cực hơn khi lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng. Trên bảng điện tử, số mã tăng đang dần thu hẹp và được thay thế bởi sắc đỏ cùng xanh mắt mèo. Chỉ số VN-Index cố cầm cự mốc 1.450 điểm chỉ sau 30 phút mở cửa và chào thua dù các cổ phiếu ngân hàng đang nỗ lực “cứu” thị trường.

Thị trường đã trả lại những gì vừa có được trong 3 phiên giao dịch cuối tuần trước và tiếp tục chứng kiến thêm phiên giao dịch ngày thứ Hai “đẫm máu”. Và nếu không nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là anh cả VCB tăng mạnh hơn 4% hay TCB và CTG tăng nhẹ, thì chỉ số VN-Index sẽ còn đi xa hơn.

Thị trường hiện đang chịu 2 áp lực đó là đà giảm chưa chấm dứt kể từ phiên 10/1 sau khi nhóm cổ phiểu bất động sản lao dốc và tạo hiệu ứng domino cho các nhóm ngành khác, ngoài ra, thị trường quốc tế cũng đang có diễn biến xấu với câu chuyện của Fed và lạm phát đã ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư. Chưa kể dòng tiền bị hạn chế do thời điểm nghỉ Tết đang cận kề.

Trên đồ thị kỹ thuật phiên ngày hôm nay, VN-Index thêm một lần nữa test lại đường giá trung bình 100 ngày (MA20) và khá thành công khi tạo nến rút chân ngắn cuối phiên. Như đã đề cập ở các bản tin trước, kịch bản khả dĩ nhất và có tính lạc quan là thị trường đi ngang trong khu vực giữa đường MA50 và đường MA100 (tương ứng với VN-Index ở khu vực từ 1.430-1.480 điểm), còn khả năng thị trường bật mạnh trở lại sau nhịp giảm sâu trước đó có xác xuất khá thấp.

Về ngắn hạn, thị trường được hỗ trợ ở vùng đáy trước là từ 1.400-1.425 điểm, và ngưỡng kháng cự mạnh nơi hội tụ của đường giá kéo dài từ tháng 10 và các đường MA50, MA20 ở khu vực 1.480-1.500 điểm sẽ là rất mạnh, cần có dòng tiền tốt và nhóm cổ phiếu trụ để vượt qua.

Hiện tại, thị trường vẫn đang được "gồng gánh" bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, đây là nhóm chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn nhất thị trường và đang ra báo cáo 2021 khá tích cực. Tuy nhiên, nếu chỉ nhóm ngân hàng thì rất khó khăn cho VN-Index có thể tạo ra được một nhịp hồi đủ lớn để trở về hoặc vượt vùng đỉnh cũ ở khu vực 1.535 điểm.

Câu chuyện hiện tại với nhà đầu tư có lẽ vẫn là lời khuyên cũ là quản trị rủi ro danh mục đầu tư, cơ hội luôn có, nhưng cần cẩn trọng với dòng tiền đang vận động rất nhanh.

Đóng cửa, sàn HOSE chỉ có 66 mã tăng (4 mã tăng trần) và 419 mã giảm (116 mã sàn), VN-Index giảm 33,18 điểm (-2,25%) xuống 1.439,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 811,35 triệu đơn vị, giá trị 22.982 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% về khối lượng và 7,85% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,45 triệu đơn vị, giá trị 1.280 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giữ được sắc xanh, trong đó có tới 5 mã thuộc dòng bank. Cổ phiếu VCB đóng góp tích cực nhất vào chỉ số chung của thị trường khi tăng 4,3% và đóng cửa tại mức giá 93.000 đồng/CP.

Các mã bank khác giao dịch khởi sắc là ACB tăng 2,7%, TCB tăng 1%, MBB tăng 0,9% và CTG tăng 0,3%. Ngoài ra, PNJ tăng 1,5% lên 96.900 đồng/CP.

Còn lại HDB, BID, VPB, STB, TPB giảm điểm, trong đó TPB giảm sâu nhất khi để mất 5,6% xuống mức 37.750 đồng/CP, thậm chí có lúc giảm sàn.

Ngoại trừ 6 mã trên, còn lại đều mất điểm. Trong đó có 3 mã là SSI, GVR và POW giảm sàn; các mã khác giảm mạnh có VRE giảm 6,3%, HPG giảm 6%, TPB giảm 5,6%, MSN giảm 5,3%, PDR giảm 4,9%...

Cổ phiếu lớn tác động mạnh nhất tới chỉ số chung của thị trường là VHM giảm 4% và kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 76.200 đồng/CP.

Tổng cộng, chỉ số VN30-Index đã giảm tới hơn 30 điểm và kết phiên đứng tại mức 1.471,31 điểm.

Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu bluechip, trong nhóm vừa và nhỏ cũng la liệt nằm sàn như HAG, FLC, ROS, GEX, POW, HQC, HNG, ITA, SCR, HBC, CII, DXG…

Xét về nhóm ngành, ngoại trừ diễn biến có phần tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, còn lại đều giảm mạnh. Trong đó, ở nhóm chứng khoán, ngoại trừ CTS giảm sàn từ phiên sáng, trong phiên chiều nay, các mã lớn như SSI, HCM, VCI, VND hay nhỏ hơn là AGR, APS, FTS, TVB, TVS, VIX cũng lần lượt kết phiên trong sắc xanh mắt mèo. Các mã còn lại trong nhóm cũng không thoát khỏi đà giảm sâu.

Bên cạnh đó, tất cả các cổ phiếu nhóm thép là HPG, HSG, NKG, TLH, POM, SMC đồng loạt giảm sàn hoặc sát sàn.

Nhóm rộng nhất thị trường là bất động sản cũng không tránh khỏi tình trạng diễn biến nằm sàn đồng loạt như DIG, NLG, VCG, DXG, TCH, ITA, FLC, ROS, SCR, IJC, KHG, BCG…, kể cả thành viên mới là HHV.

Nhóm phân bón với DPM và DCM đều giảm hết biên độ, cùng TSC, PSW, còn LAS, BFC, VAF, PMB cũng giảm khá mạnh.

Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng MBB vẫn sôi động nhất thị trường với hơn 32,1 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Tiếp theo đó là HAG khớp 31,14 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 4,85 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng gánh nặng lên thị trường khiến HNX-Index tiếp tục cắm đầu đi xuống.

Đóng cửa, sàn HNX có 46 mã tăng (4 mã tăng trần) và 195 mã giảm (39 mã sàn), HNX-Index giảm 17,08 điểm (-4,09%) xuống 400,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 110,4 triệu đơn vị, giá trị 2.939,41 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 ghi nhận tới 29 mã giảm và chỉ có duy nhất 1 mã tăng là HUT, kết phiên, chỉ số HNX30-Index giảm tới 45,15 điểm (-6,02%) xuống mức thấp nhất ngày 704,48 điểm.

Trong đó, có 3 mã là SHS, TAR và NBC giảm sàn; đáng kể là CEO quay đầu và giảm mạnh khi để mất 9,1% xuống mức giá thấp nhất ngày 57.000 đồng/CP. Các mã lớn khác cũng chi phối tới thị trường chung như IDC giảm 8,2% xuống mức 59.500 đồng/CP, NVB giảm 7,8% xuống 29.500 đồng/CP, THD giảm 1,9% xuống 167.200 đồng/CP, VCS giảm 1,7%…

Cũng như sàn HOSE, hàng loạt mã chứng khoán trên HNX ngoài SHS cũng kết phiên nằm sàn như ART, VIG, APS, WSS.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu KLF cũng bị xả mạnh và kết phiên giảm 9,1% xuống mức giá sàn 6.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 17 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo vẫn là cặp đôi CEO và PVS khi cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị, nhưng kết phiên đều đảo chiều giảm khi CEO để mất 9,1%, còn PVS giảm 1,7%.

Ngoài ra, hàng loạt mã vừa và nhỏ khác giảm mạnh như NDN, PLX, AMV, EVS, HHV… hoặc nằm sàn như MBG, DST, TTH, LIG, PVL, KVC…

Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và UPCoM-Index khó tránh khỏi đà giảm sâu.

Đóng cửa, thị trường UPCoM có 90 mã tăng (15 mã tăng trần) và 237 mã giảm (6 mã sàn), UPCoM-Index giảm 2,97 điểm (-2,71%) xuống 106,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,6 triệu đơn vị, giá trị 1.122 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR thu hẹp biên độ và chỉ còn nhích nhẹ 0,4% lên mức 24.600 đồng/CP, nhưng vẫn là mã thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 11,11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, OIL đảo chiều giảm 2,6%, kết phiên đứng tại mức giá 18.700 đồng/CP và thanh khoản trong top 5 mã sôi động nhất, đạt 2,74 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trên UPCoM cũng đua nhau giảm mạnh như SBS giảm 11,5%, AAS giảm 8,1%...; BVB giảm 3%, ABB giảm 0,9%, VAB giảm 4,1%, NAB giảm 1,6%...

Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng nới rộng đà giảm như MSR giảm 2,9%, QNS giảm 1,9%, VGT giảm 7,6%, ACV và MCH cùng giảm 1,2%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như VHG, G36, C4G, KHB… đều giảm hơn 10%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm điểm, trong đó VN30F2202 đáo hạn gần nhất vào ngày 17/2/2022 kết phiên giảm 30,7 điểm (-2%) xuống 1.468,2 điểm, khối lượng giao dịch lớn nhất đạt gần 150.220 đơn vị, khối lượng mở hơn 21.630 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm áp đảo, trong đó CMSN2110 dẫn đầu thanh khoản với 231.460 đơn vị được khớp lệnh, kết phiên giảm 24,5% xuống mức 1.450 đồng/CQ.

Tin bài liên quan