Giao dịch chứng khoán chiều 23/7: Bán mạnh cuối phiên, VN-Index tuột mốc 1.270 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 23/7: Bán mạnh cuối phiên, VN-Index tuột mốc 1.270 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một chiều cuối tuần giảm điểm mạnh, những thông tin mới về xử lý dịch bệnh cũng như áp lực chốt lời ngắn hạn khiến thị trường có phiên giảm điểm sâu ngày hôm nay (23/7)

Sau phiên tăng điểm "rất đẹp" chiều qua với lực mua tăng và dòng tiền lan tỏa, hầu hết các dự báo cho phiên hôm nay khả năng cao sẽ là một phiên phuc hồi nối tiếp, hoặc có những dự báo thận trọng hơn đó là một phiên sáng tăng điểm và phiên chiều rung lắc.

Các dự báo đó đã không thành hiện thực khi thị trường lao dốc phiên hôm nay đã xóa đi toàn bộ thành quả phiên tăng điểm ngày hôm qua. Nếu như trong phiên sáng, áp lực bán ra chưa quá lớn thì bước sang phiên chiều lực bán tăng lên đáng kể, tập trung vào các mã vốn hóa lớn kéo thị trường giảm sâu. Số mã tăng điểm chỉ giảm nhẹ từ 102 mã xuống còn 97 mã trên HOSE, nhưng VN-Index đã giảm thêm hơn 16 điểm để chốt phiên cuối tuần với số điểm mất đi gần 25 điểm.

Trên thực tế thì sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần (19/7) thì thị trường bước vào chuỗi phục hồi. Bản chất thị trường vẫn nằm trong xu hướng chung là giảm điểm ngắn hạn và có những phiên phục hồi kỹ thuật, do vậy, việc duy trì chuỗi tăng điểm mạnh là rất khó. Có những mốc cản lớn cần vượt qua ở khu vực 1.300 điểm hay ngay sát trên là 1.320 điểm.

Lực cầu có tăng trở lại ở những phiên cuối tuần, nhưng chỉ ở mức trung bình khá với khoảng 17.000 - 19.000 tỷ đồng chưa thể đảm bảo cho một nhịp phục hồi chữ V như hồi tháng 1/2021, dù đồ thị có đôi nét khá giống.

Trong sự mong manh đó, thông tin về dịch bệnh vẫn phức tạp, TP. HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến 1/8 với nhiều biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn, khiến nhà đầu tư chứng khoán phải thận trọng hơn với danh mục của mình. Một số room đã đưa ra khuyến nghị khách hàng của mình chốt lời những mã mua bắt đáy đã về tài khoản để bảo vệ thành quả.

Tất nhiên, giống như phiên hôm qua, một phiên tăng điểm đẹp chưa nói lên được nhiều điều thì phiên hôm nay cũng vậy, một phiên giảm điểm mạnh cũng không phải là mọi cổ phiếu đều trở nên xấu xí, dù phiên hôm nay khiến VN-Index có tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm, chỉ số này cũng chính thức nằm dưới đường trung bình giá 100 phiên (MA100).

Tuy nhiên, trong sự vận động đó, 9 phiên tăng và giảm điểm đan xen ở vùng 1.240-1.300 điểm của VN-Index từ 13/7 tới nay đang dần hình thành một vùng sideway trên đồ thị. Biết đâu đấy, sau khi thoát vùng tích lũy này, chỉ số lại rực rỡ như chưa từng có gì xảy ra!

Chốt phiên, sàn HOSE có 282 mã giảm và chỉ 97 mã tăng, VN-Index giảm 24,84 điểm (-1,92%) xuống 1.268,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 578,37 triệu đơn vị, giá trị gần 19.154 tỷ đồng, tăng 7,8% về khối lượng và 12,63% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,51 triệu đơn vị, giá trị 1.207,4 tỷ đồng.

Lực bán mạnh về cuối phiên tập trung vào nhóm bluechip, là nhân tố chính khiến thị trường giảm sâu. Trong nhóm VN30, sắc đỏ chiếm áp đảo với 26 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng.

Đặc biệt, điểm sáng trong phiên giao dịch sáng nay là STB cũng giảm nhiệt đáng kể và kết phiên chỉ còn tăng 2,5%, đứng tại mức giá 28.700 đồng/CP. Đây vẫn là mã có thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 63,58 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số sắc xanh le lói tại VNM, POW, FPT cũng thu hẹp biên độ đáng kể khi chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu buechip giao dịch trong sắc đỏ có biên độ giảm khá rộng. Trong đó, dòng bank đồng loạt lùi sâu hơn như VCB, CTG, TCB, ACB, EIB, VIB đều giảm hơn 3%, các mã còn lại như BID, MBB, TPB cũng có mức giảm trên 2%.

Ngoài ra, các mã lớn khác như HPG, VHM, MSN, SSI có mức giảm trên 3%; VIC, PNJ, MWG giảm hơn 2%, còn VRE vẫn là mã giảm mạnh nhất trong nhóm này khi giảm 4,3% xuống mức thấp nhất ngày 27.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, cổ phiếu được khá nhiều room đánh giá tốt là KDH cũng đã chịu áp lực bán mạnh và quay đầu điều chỉnh sau phiên tăng trần hôm qua. Kết phiên, KDH giảm 2,% xuống mức thấp nhất ngày 38.400 đồng/CP.

Không chỉ KDH, nhiều mã bất động sản khác cũng đảo chiều sau phiên khoe áo tím hôm qua như SCR, IJC, DIG đều lùi về mốc tham chiếu, thậm chí DXG còn lùi về sát mức giá sàn khi giảm 5,7% xuống mức 20.700 đồng/CP.

Trái lại, những điểm sáng đi ngược xu hướng thị trường như nhóm cổ phiếu phân bón nhờ những thông tin kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2021 khả quan.

Cụ thể, bên cạnh DGC và VAF cùng tăng trần, còn có PCE và LAS cùng tăng trên 4,5%, BFC tăng 3% lên 27.400 đồng/CP, DCM tăng 1,1% lên 18.400 đồng/CP. Trong đó, DGC có thanh khoản sôi động, tăng mạnh so với những phiên trước đó khi đạt gần 5,4 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 221.900 đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VIX được kéo tăng kịch trần trong phiên chiều, bất chấp thị trường cắm đầu đi xuống. Kết phiên, VIX tăng 6,9% lên mức 21.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 6,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu trên sàn HOSE, lực bán cũng ồ ạt dâng cao cuối phiên đã đẩy HNX-Index lùi sâu, về sát mốc 300 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 63 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 4,2 điểm (-1,37%) xuống 301,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,9 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng đạt hơn 1.980 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,59 triệu đơn vị, giá trị 294,7 tỷ đồng, với đóng góp lớn là 12,69 triệu cổ phiếu NVB, trị giá gần 245 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ có 7 mã tăng, trong đó chủ yếu tăng nhẹ ngoại trừ bộ đôi DTD và LAS lần lượt tăng 6,2% và 4,6%, tương ứng lên 30.800 đồng/CP và 13.600 đồng/CP.

Trái lại, có tới 17 mã giảm giá, trong đó tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường có SHB giảm 2,9% xuống 26.400 đồng/CP, PVS giảm 3,3% xuống 23.200 đồng/CP, SHS giảm 3,5% xuống 38.600 đồng/CP, NVB giảm 3,4% xuống 17.100 đồng/CP…

Ngoài ra, nhiều mã khác có mức giảm trên 3% như MBS, LHC, SLS, TVC; giảm sâu nhất trong rổ này là NBC giảm 6% xuống mức 10.90 đồng/CP.

Trong đó, top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đều là các mã giảm khá mạnh trong nhóm HNX30, bao gồm SHB khớp 10,15 triệu đơn vị, PVS khớp 9,84 triệu đơn vị, VND khớp 9,24 triệu đơn vị, SHB và NVB cùng khớp hơn 3,9 triệu đơn vị.

TRên UPCoM, lực bán cũng tăng mạnh về cuối phiên đẩy UPCoM-Index về vùng giá thấp nhất ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,2 điểm (-1,4%) xuống 84,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 71,78 triệu đơn vị, giá trị 820,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 321 tỷ đồng, trong đó riêng HHV thỏa thuận 12,59 triệu đơn vị, giá trị 221,48 tỷ đồng.

Cũng trong bối cảnh chung của thị trường nói chung và dòng dầu khí nói riêng, cổ phiếu BSR cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh, Kết phiên, BSR giảm 1,1% xuống 17.200 đồng/CP nhưng thanh khoản vẫn vượt trội, đạt 12,14 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu nhỏ HVG khớp 5,56 triệu đơn vị và kết phiên giảm 8,7% xuống sát mức giá sàn 2.100 đồng/CP.

Các cổ phiếu lớn khác cũng mất điểm như VGT giảm 1,9% xuống 15.800 đồng/CP, QNS giảm 1,2% xuống 42.300 đồng/CP, MSR và VGI cùng giảm nhẹ…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2108 giảm 26,1 điểm, tương ứng giảm 1,8%, xuống 1.401 điểm, khớp lệnh có 339.160 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.630 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế nhưng giao dịch sôi động nhất là CSTB2103 khớp 69.070 đơn vị, kết phiên tăng 7,5% lên 5.480 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản chứng quyền là CVPB2103 khớp 58.050 đơn vị, kết phiên giảm 4,5% xuống mức 11.480 đồng/CQ.

Tin bài liên quan