Giao dịch chứng khoán chiều 23/12: VN-Index rơi thẳng đứng và căn bệnh mãn tính

Giao dịch chứng khoán chiều 23/12: VN-Index rơi thẳng đứng và căn bệnh mãn tính

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Áp lực chốt lời mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index rơi thẳng đứng hơn 15 điểm và đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, điểm khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc vẫn là hệ thống kỹ thuật của HOSE.

Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của thị trường về thanh khoản. Ngay trong phiên giao dịch sáng bên bán và bên mua đều hoạt động rất tích cực, giúp thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh lên gần 10.000 tỷ đồng và VN-Index cũng leo lên trên mốc 1.090 điểm.

Với diễn biến này của thị trường, nhiều nhà đầu tư lo lắng hệ thống giao dịch của HOSE sẽ lại gặp trục trặc (quá tải) giống như phiên 17/12 và phiên hôm qua (22/12). Lo lắng này đã trở thành sự thật khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) hôm nay.

Những than phiền về việc đặt lệnh không được trong đợt ATC một lần nữa được nhiều nhà đầu tư phản ánh, thậm chí sự bức xúc còn lớn hơn rất nhiều so với phiên hôm qua và phiên 17/12. Thực tế, dù thị trường rất sôi động, nhưng giá trị giao dịch trong đợt ATC của phiên này thậm chí còn chưa tới 100 tỷ đồng.

Dường như đây đã trở thành căn bệnh mãn tính của hệ thống kỹ thuật HOSE khi lệnh nhập vào quá lớn cùng một lúc.

Trở lại với phiên giao dịch chiều nay, dư âm của lệnh mua mạnh phiên sáng giúp VN-Index nới rộng đà tăng khi bắt đầu bước vào phiên chiều, lên trên mốc 1.094 điểm. Với dòng tiền chảy mạnh này, tưởng chừng VN-Index có thể cán mốc 1.100 điểm trong phiên hôm nay, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Chỉ sau 30 phút giao dịch của phiên chiều, áp lực chốt lời đã diễn ra ồ ạt tại nhiều mã lớn, khiến VN-Index rơi thẳng đứng, mất hơn 16 điểm xuống dưới mốc 1.078 điểm, trước khi kịp hồi nhẹ lên trên mốc 1.078 điểm khi chốt phiên.

Kết thúc phiên 23/12, VN-Index giảm 4,55 điểm (-0,42%), xuống 1.078,9 điểm với 224 mã tăng và 215 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 813,2 triệu đơn vị, giá trị 14.950 tỷ đồng, tăng 7,6% về khối lượng và 2,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 70,3 triệu đơn vị, giá trị 1.334,6 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời khiến hàng loạt mã ngân hàng quay đầu giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là TPB giảm 3,99% xuống 26.500 đồng, VPB giảm 3,03% xuống 32.000 đồng. Các mã giảm hơn 2% có ACB, HDB, VIB, STB. Ngoài nhóm ngân hàng, GVR là mã giảm mạnh nhất khi giảm 4,66% xuống 27.600 đồng.

Trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ có 8 mã giữ sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất là BCM tăng 4,65% lên 42.800 đồng, tiếp đó là BVH tăng 2,99% lên 58.600 đồng, POW tăng 1,64% lên 12.400 đồng… Ngoài ra, VIC và MSN đứng giá tham chiếu.

Trong nhóm ngân hàng, gây chú ý nhất hôm nay là tân binh MSB. Ngay phiên chào sàn, mã này đã bùng nổ cả về giá và thanh khoản khi có tới hơn 30,4 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất nhóm và đóng cửa tăng 13,33% lên 17.000 đồng, thậm chí có lúc chạm sắc tím 18.000 đồng.

Trong Top 30 mã lớn nhất sàn, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với 26,8 triệu đơn vị, tiếp đó là STB 26 triệu đơn vị, TCB 19,5 triệu đơn vị, POW 18 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sau 2 phiên nổi sóng đồng loạt đã có sự phân hóa khi lực chốt lời diễn ra ở một số mã, trong khi một số mã còn lại vẫn duy trì sức nóng.

Cụ thể, HQC dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 5,43% lên 1.940 đồng, khớp 35,3 triệu đơn vị, lớn nhất thị trường. ROS vẫn tăng trần lên 2.500 đồng, khớp 19 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 4 triệu đơn vị. Ngoài ra, OGC, TDC, DAH, BCG, HAP, IJC, VRG, TLD… cũng có được sắc tím khi chốt phiên.

Ngoài ra, GEX cũng có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng trần lên 23.600 đồng, khớp 24 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên HNX, sau khi nhảy vọt lên mức đỉnh của ngày cũng có cú rơi tự do xuống dưới tham chiếu theo diễn biến của HOSE. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index sau đó đã nảy trở lại và đóng cửa cao hơn mức điểm của phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,4 điểm (+1,28%), lên 190,25 điểm với 110 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 168 triệu đơn vị, giá trị 1.931,6 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng, nhưng giảm 10,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng.

Trên sàn này, các mã vốn hóa lớn có sự phân hóa, nhưng các mã tăng có biên độ lớn hơn nhiều so với các mã giảm, nên HNX-Index đã đứng vững.

Cụ thể, SHB giảm 1,1% xuống 18.000 đồng, IDC giảm 4,17% xuống 36.800 đồng, PVS giảm 1,23% xuống 16.100 đồng, VIF giảm 1,73% xuống 17.000 đồng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VCS tăng 2,94% lên 83.900 đồng, PVI tăng 6,91% lên 32.600 đồng, THD tăng 7,95% lên 95.000 đồng, CEO tăng trần lên 11.600 đồng.

Trong nhóm này, CEO là mã có thanh khoản cao nhất với 12 triệu đơn vị, tiếp theo là SHB với 10,9 triệu đơn vị, PVS 8,9 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, có sức hút nhất là 3 mã nhỏ HUT, ART và KLFvới thanh khoản lần lượt là 18 triệu đơn vị, 12,2 triệu đơn vị và 12 triệu đơn vị; đều đóng cửa với sắc xanh. Trong đó, HUT tăng 2,56% lên 4.000 đồng, ART tăng 6,45% lên 3.300 đồng, KLF đóng cửa ở mức trần 2.000 đồng.

Diễn biến tương tự sàn HNX cũng xảy ra trên thị trường UPCoM khi chỉ số chính của thị trường rơi thẳng xuống dưới tham chiếu trong những phút đầu phiên, nhưng sau đó bất trở lại và đóng cửa ở mức cao hơn phiên sáng, thậm chí đỉnh của ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+1,06%) lên 73,59 điểm với 142 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,9 triệu đơn vị, giá trị 1.067 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,6 triệu đơn vị, giá trị 150,9 tỷ đồng.

Giao dịch trên thị trường này hôm nay cũng sôi động, trong đó BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 10,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,03% xuống 9.600 đồng. Tiếp đến là SBS với 6,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,22% xuống 4.400 đồng. Ngoài ra, còn có 13 mã khác có thanh khoản từ hơn 1 triệu đơn vị đến hơn 3 triệu đơn vị.

Khởi sắc về giá trong phiên hôm nay là mã ngân hàng KLB khi tăng trần lên 21.300 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, giống như VN30-Index (-0,62% xuống 1.045,7 điểm), toàn bộ hợp đồng phái sinh của chỉ số VN30 đều giảm điểm hôm nay. Trong đó, VN30F2101 giảm 0,5% xuống 1.055 điểm với 136.370 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 36.471 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền cũng có sự phân hóa và thanh khoản cũng khá tốt với 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVRE2007 với gần 1,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,9% lên 660 đồng; CVIC2004 với 1,22 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 1.000 đồng; CVHM2005 hơn 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 15,6% lên 1.110 đồng; CTCH2002 với 1,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 19,3% lên 1.050 đồng; CSTB2015 với gần 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,6% xuống 1.890 đồng.

Tin bài liên quan