Giao dịch chứng khoán chiều 22/10: Thị trường phân hóa mạnh, cổ phiếu than lại "bùng cháy"

Giao dịch chứng khoán chiều 22/10: Thị trường phân hóa mạnh, cổ phiếu than lại "bùng cháy"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản khá tốt nhưng với diễn biến phân hóa mạnh của thị trường, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ dưới mốc 1.390 điểm. Điểm nhấn thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản và than.

Thông thường, sau phiên giảm điểm ATC trong ngày đáo hạn phái sinh thì thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục và lấy lại điểm ở ngay phiên giao dịch ngày hôm sau. Không nằm ngoài quy luật này, phiên giao dịch sáng nay, thị trường đã nhanh chóng khởi sắc trở lại dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chỉ số VN-Index đã không bứt tốc, chỉ tăng trong biên độ hẹp loanh quanh vùng giá 1.390 điểm trong suốt phiên sáng và có chút nới rộng khoảng cách khi mở cửa phiên giao dịch chiều, trước khi cắm đầu về sát vùng giá tham chiếu do áp lực bán gia tăng.

Tuy nhiên, mốc 1.380 điểm vẫn đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ khá tốt cho thị trường. Chỉ số VN-Index nhanh chóng bật ngược đi lên sau cú giật lùi về gần điểm xuất phát, với sự hỗ trợ khá tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản như GVR, PDR, NVL, KDH… đang tăng tốt.

Diễn biến chung của thị trường vẫn là phân hóa mạnh và chỉ số tiếp tục trong trạng thái sideway để xử lý vùng cản 1.400 – 1.425 điểm, mốc 1.380 điểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ khá cứng cho thị trường. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức tốt, dòng tiền vận động nhanh theo từng nhóm ngành để tạo các cơ hội đầu tư mới chứ không có tín hiệu rút ra ngoài thị trường.

Chốt phiên, sàn HOSE có 217 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng 4,47 điểm (+0,32%) lên 1.389,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 798 triệu đơn vị, giá trị 21.560,64 tỷ đồng, tăng 12,57% về khối lượng và 2,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,33 triệu đơn vị, giá trị 1.675,46 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm VN30 cũng trở nên phân hóa hơn với sự ghi nhận 15 mã tăng điểm và 13 mã giảm. Trong đó, sắc đỏ phần lớn tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, dù biên độ giảm chỉ nhích nhẹ so với phiên sáng khi để mất trên dưới 1%.

Trái lại, bên cạnh cặp đôi lớn là SAB và VNM xác lập vùng đỉnh của phiên hôm nay khi lần lượt tăng 3% lên 156.500 đồng/CP và 1,6% lên 90.500 đồng/CP, cổ phiếu đóng góp lớn vào đà tăng của chỉ số chung là GVR khi tiếp tục nhích bước trong phiên sáng nay, ghi nhận mức tăng 3,2% lên 38.300 đồng/CP.

Ở nhóm vừa và nhỏ cũng phân hóa, trong khi HQC, FLC, ROS, HAI đảo chiều giảm, thậm chí DLG, HAR giảm sàn, thì nhiều mã khác trong nhóm bất động sản lại giao dịch bùng nổ và khởi sắc.

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Bên cạnh các mã thuộc nhóm VN30 như GVR, PDR, KDH, NVL nới rộng biên độ tăng, nhiều mã ở top dưới cũng tăng mạnh hơn cùng giao dịch sôi động.

Đáng chú ý, HBC và SCR cùng tăng hết biên độ và đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản thuộc top 5 của thị trường khi lần lượt khớp 17,5 triệu đơn vị và hơn 14,3 triệu đơn vị; LCG, VGC, TEG, DIG cũng tăng trần hoặc sát trần…

Cũng thuộc nhóm bất động sản, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đều tăng khá mạnh như GVR; KBC và ITA cũng tăng trên dưới 3% cùng thanh khoản gần 12 triệu đơn vị và 23,6 triệu đơn vị, SZC tăng 5,2% lên 60.600 đồng/CP, TIP tăng 2,9% lên 46.900 đồng/CP…

Một trong những điểm đáng chú ý khác của nhóm cổ phiếu bất động sản là TCH. Sau chuỗi ngày dài lình xình và chủ yếu điều chỉnh nhẹ, cổ phiếu TCH đã giao dịch khởi sắc và có thời điểm tăng khá mạnh trong ngày cuối tuần. Kết phiên, TCH tăng 2,1% lên mức 17.000 đồng/CP cùng thanh khoản cao, vượt trội so với những phiên gần đây khi đạt hơn 10,34 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm bất động sản tiếp tục ấn tượng hơn, thì các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép lại diễn biến theo chiều hướng kém khả quan. Cụ thể, các cổ phiếu thép, cùng hầu hết cổ phiếu chứng khoán đều nhuộm đỏ, ngoại trừ một số mã thuộc top sau giao dịch khởi sắc như BSI, AAS, VIX, TCI, đáng kể vẫn là APS tăng kịch trần.

Còn ở nhóm ngân hàng, chỉ còn lại VCB, STB, SHB, MSB, EIB nhích nhẹ trên dưới 0,5%; còn lại đều chuyển đỏ với TCB, VPB, OCB giảm hơn 1%.

Trên sàn HNX, bên cạnh sóng lớn quay trở lại với nhóm cổ phiếu than, các cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau nổi sóng, hỗ trợ tốt cho đà tăng tích cực của thị trường.

Chốt phiên, sàn HNX có 120 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 2,75 điểm (+0,71%), lên 391,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 151,84 triệu đơn vị, giá trị xấp chỉ 2.919 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 76 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu than khá vững vàng sau cú đảo chiều ngoạn mục vào cuối phiên sáng khi đồng loạt đều khoe sắc tím, gồm NBC, HLC, MDC, TC6, TDN, THT, TVD.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản và xây dựng cũng giao dịch ấn tượng với IDC tăng tốc với biên độ tăng 1,9% lên 62.800 đồng/CP, L14 tăng 3,8% lên 138.200 đồng/CP, NDN tăng 1,9% lên 21.500 đồng/CP, hay các mã S99, SD9, C69… tăng kịch trần.

Đáng chú ý là CEO tăng vọt 7,5% lên gần mức giá trần 11.500 đồng/CP với thanh khoản vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường, đạt gần 11,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng tăng tốt như LAS tăng 3%; DTD và VMC cùng tăng 2,7%; NTP tăng 1,2%, hay VCS, THD, PVS, TNG đều tăng nhẹ.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với các mã BVS, MBS, SHS… hay NVB, BAB để mất trên dưới 1%.

Trên UPCoM, thị trường tăng khá vững vàng.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,59%), lên 100,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 168,45 triệu đơn vị, giá trị 2.307 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,34 triệu đơn vị, giá trị 31,77 tỷ đồng.

Sắc tím tiếp tục lan rộng hơn trong phiên chiều khi có 91 mã tăng kịch trần trong tổng số 198 mã tăng, khá vượt trội so với 119 mã giảm điểm. Trong đó, các cổ phiếu nhỏ vẫn nổi sóng với điểm nhấn là PVX giữ vững đà tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 18,36 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.

Hàng loạt mã khác như DCS, NHP, PVV, MPT, ATB, AVF, FDG, NDF, HKB cũng trong trạng thái trắng bên bán với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn có phần lép vế hơn. Bên cạnh các mã như MSR, ACV, MCH chỉ nhích nhẹ, thậm chí BSR điều chỉnh giảm 1,7% xuống mức 23.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua PVX khi khớp 16,95 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cũng có sự phân hóa nhẹ với 2 hợp đồng tương lai giảm, 1 hợp đồng tăng nhẹ và 1 hợp đồng đứng giá tham chiếu. Trong đó, VN30F2111 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/11 đứng giá tham chiếu 1.492 điểm, khớp hơn 113.710 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 15.260 đơn vị.

Thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm chủ đạo, trong đó CMSN2106 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 133.810 đơn vị, kết phiên giảm 11,8% xuống 450 đồng/cq.

Tiếp theo là CHPG2115 khớp lệnh 119.050 đơn vị và kết phiên giảm 9,8% xuống 1.940 đồng/cq.

Tin bài liên quan