Giao dịch chứng khoán chiều 19/3: Bất ngờ “tháo chốt“ phiên ATC

Giao dịch chứng khoán chiều 19/3: Bất ngờ “tháo chốt“ phiên ATC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tượng nghẽn lệnh lại tái diễn,  khiến dòng tiền chuyển hướng, điều bất ngờ là thanh khoản trên sàn HOSE đột ngột tăng mạnh trong đợt khớp lệnh ATC.

Không ngoài dự báo, thị trường bước vào phiên giao dịch chiều đóng cửa khá sớm. Chỉ sau khoảng 45 phút giao dịch, dòng tiền bắt đầu bước vào giai đoạn chậm rãi. Hệ thống nghẽn lệnh khiến thanh khoản chỉ nhúc nhắc tăng.

Tuy nhiên, đột biến lại xẩy ra trong đợt khớp ATC khi thanh khoản bất ngờ tăng đột biến, trong khi chỉ số VN-Index vẫn duy trì trạng thái đi ngang quanh vùng giá 1.195 điểm. Nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán đã tỏ ra khó hiểu khi thị trường “tắc đường” nhưng lệnh ATC lại được nhiều.

Được biết, hôm nay là phiên ETF tái cơ cấu danh mục. Chính vì vậy, các lệnh ETF bất ngờ ồ ạt đổ vào VN30, có thể là nguyên nhân chính khiến thị trường xáo động mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 193 mã tăng và 251 mã giảm, VN-Index giảm 6,89 điểm (-0,57%), xuống 1.194,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 680,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 17.228 tỷ đồng, tăng 8,32% về khối lượng và 11,82% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 79,98 triệu đơn vị, giá trị 2.656,5 tỷ đồng.

Điểm nhấn thị trường thuộc về FLC. Nếu trong phiên sáng nay, FLC chỉ biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu thì sang phiên chiều, cổ phiếu này đã “phi mạnh” nhờ lực cầu tăng vọt. Kết phiên, FLC tăng 6,9% lên mức 8.020 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt xấp xỉ 26,3 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 10,6 triệu đơn vị.

Được biết, tại báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố, FLC đã ghi nhận mức doanh thu tăng thêm 108 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt 13.502 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng tăng thêm 125 tỷ đồng, lên 308 tỷ đồng.

Ngoài ra, một thành viên khác nhà FLC là ROS cũng nới rộng biên độ và áp sát mức giá trần. Cụ thể, ROS tăng 5,2% lên 4.020 đồng/CP và khớp lệnh 17,35 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch vẫn không mấy khả quan khi có tới 20 mã giảm và chỉ 7 mã tăng trong nhóm VN30.

Ở nhóm cổ phiếu tăng, các mã BVH, KDH, PDR, TCB chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%, còn HPG tăng 1,2% lên 47.150 đồng/CP, VIC tăng 1,7% lên 108.400 đồng/CP và REE tăng tốt nhất với biên độ tăng 3,9% lên 56.200 đồng/CP.

Trái lại, các mã tác động mạnh tới thị trường như VHM giảm 1,9% xuống mức thấp nhất ngày 97.800 đồng/CP, VCB giảm 3,4% cũng rơi về đáy của phiên tại mức 94.200 đồng/CP, VRE giảm 2,9% xuống 34.000 đồng/CP, các mã GAS, PLX, MSN, FPT cũng có mức giảm trên dưới 1,5%.

Trong khi nhiều mã lớn trên sàn giao dịch thiếu tích cực thì cổ phiếu TDP vẫn duy trì đà tăng và tiếp tục kéo dài chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Kết phiên hôm nay, TDP tăng 1,4% lên 28.400 đồng/CP và khớp gần 0,11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, việc “tắc đường” trên sàn HOSE khiến dòng tiền chuyển hướng. Lực cầu tăng mạnh đã kéo HNX-Index hồi phục sắc xanh ở cuối phiên sau phần lớn thời gian đi ngang trong suốt phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 101 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,08%), lên 277,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 140,3 triệu đơn vị, giá trị 2.268,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,12 triệu đơn vị, giá trị 297,17 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng đã có những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh NVB lấy lại mốc tham chiếu, SHB đã xanh nhạt khi tăng nhẹ 0,5% lên 19.600 đồng/CP, BAB tăng 2,8% lên mức giá cao nhất ngày 32.800 đồng/CP.

Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí cũng thu hẹp biên độ giảm khi cả 3 mã là PVS, PVB, PVC cùng giảm dưới 1,5%.

Không chỉ trên HOSE, các cổ phiếu nhà FLC trên HNX cũng giao dịch khởi sắc. Cụ thể, KLF tăng 6,9% lên mức giá trần 3.100 đồng/CP và ART tăng 6,8% lên sát trần 6.300 đồng/CP.

Về thanh khoản, top 5 cổ phiếu dần đầu gồm SHB khớp 30,98 triệu đơn vị, PVS khớp 17,88 triệu đơn vị, SHS và KLF cùng khớp gần 9,4 triệu đơn vị và ART khớp gần 6,4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dòng tiền cũng sôi động hơn nhưng lực bán khá lớn khiến UPCoM-Index chỉ thu hẹp đà giảm.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,28%), xuống 81,46 điểm với 204 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 109,65 triệu đơn vị, giá trị 1.277,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 7 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 144,55 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn nhóm dầu khí là BSR đã hồi phục tích cực khi ghi nhận mức tăng 2,5%, kết phiên đứng tại mức giá 16.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 23,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó PVX và OIL vẫn đứng giá tham chiếu, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 13,53 triệu đơn vị và 3,81 triệu đơn vị.

Trái lại, nhiều mã lớn vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ, đã cản trở đà hồi phục của thị trường như MSR giảm 2,2% xuống 22.500 đồng/CP, ACV, VGT, QNS…

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2104 đáo hạn gần nhất ngày 15/4/2021 tăng nhẹ 0,2% lên 1.208 điểm, dẫn đầu thanh khoản khi đạt 113.655 đơn vị, khối lượng mở gần 16.790 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, trong đó, CNVL2003 giao dịch sôi động nhất với 99.010 đơn vị được khớp, và kết phiên giảm 6,8% xuống 2.040 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2007 giảm 1,6% xuống 4.370 đông/CQ và khối lượng khớp lệnh đạt 92.490 đơn vị.

Tin bài liên quan