Giao dịch chứng khoán chiều 17/3: Hấp dẫn với "màn đấu súng tại trận địa FLC”

Giao dịch chứng khoán chiều 17/3: Hấp dẫn với "màn đấu súng tại trận địa FLC”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip, VN-Index lấy lại sắc xanh trong phiên chiều, nhưng tâm điểm chú ý của thị trường là tại nhóm cổ phiếu họ FLC, nhưng lỗi nghẽn mạng một lần nữa khiến nhà đầu tư hụt hẫng.

Trong phiên giao dịch sáng, ngoài sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu phân bón và một vài cổ phiếu đơn lẻ, có câu chuyện riêng, thị trường chung có sự phân hóa, khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ với độ rộng hơi nghiêng về nhóm giảm giá.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, kịch tính đã được đẩy lên cao ngay khi tiếng còi khai cuộc bắt đầu với tâm điểm là nhóm cổ phiếu họ FLC. Trong đó, FLC và ROS, đặc biệt là FLC như trở thành “trận địa” cho các nhà đầu tư “đấu súng”.

Ngay khi mở cửa phiên chiều, bên nắm giữ cổ phiếu đã đẩy mạnh xả hàng, kéo FLC và ROS lao thẳng xuống mức sàn 7.170 đồng và 3.820 đồng. Tuy nhiên, bên nắm giữ tiền mặt không muốn con sóng FLC dừng lại, nhất là sau khi có 3 phiên tăng mạnh, trong đó có 1 phiên tăng trần hôm 15/3 sau công bố kết quả kinh doanh khởi sắc bất ngờ và ra khỏi nhóm cổ phiếu bị cấm margin. Vì vậy, tiền nhanh chóng được tung vào, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, kéo cổ phiếu này nhích trở lại.

Tuy nhiên, khi trận đấu đang ở cao trào, thì lúc 14h, hệ thông giao dịch của HOSE nghẽn, đôi bên phải tạm đình chiến. Diễn biến này giống như một trần đấu bóng đá khi 2 bên đang rượt đuổi tỷ số hấp dẫn thì trọng tài tuýt còi dừng trận đấu, cho 2 đội nghỉ để mai đá tiếp khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng.

Chốt phiên, FLC giảm 6,5% xuống 7.200 đồng, thanh khoản đạt 51,13 triệu đơn vị, trong đó thời gian sôi động nhất là từ 13h đến 14h, sau đó gần như đứng hình trước khi “thông nòng” trong đợt khớp lệnh ATC, với hơn 731.000 đơn vị được khớp.

ROS cũng giảm 5,6% xuống 3.870 đồng, khớp 28,7 triệu đơn vị. Trong khi đó, một mã nhỏ khác không thuộc họ FLC là HQC lại đóng cửa ở mức sàn 3.060 đồng, thanh khoản đạt gần 28 triệu đơn vị.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm tựa chính cho thị trường khi có thêm nhiều mã đảo chiều tăng giá, giúp VN-Index nới rộng dần đà tăng, lên lại vùng giá 1.185 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,19 điểm (+0,52%), lên 1.186,09 điểm với 257 mã tăng và 190 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 701,1 triệu đơn vị, giá trị 15.832,3 tỷ đồng, tăng nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,3 triệu đơn vị, giá trị 1.690,8 tỷ đồng.

Các mã ngân hàng ngoại trừ VCB giảm nhẹ 0,1% xuống 95.600 đồng, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là VIB với mức tăng 5,7% lên 46.000 đồng, tiếp đến là CTG tăng 4,9% lên 39.550 đồng, STB tăng 3,7% lên 19.600 đồng, HDB tăng 2,6% lên 27.500 đồng, BID tăng 2,1% lên 43.300 đồng, MBB tăng 1,2% lên 29.000 đồng, TCB tăng 1,1% lên 40.300 đồng. Các mã khác tăng nhẹ dưới 1%.

Về thanh khoản, STB là mã thanh khoản tốt nhất trong nhóm, chỉ đứng sau FLC trên toàn sàn với 38,3 triệu đơn vị, tiếp đến là CTG với 23,7 triệu đơn vị, MBB gần 14,2 triệu đơn vị, TCB hơn 9,5 triệu đơn vị, LPB hơn 8,45 triệu đơn vị, HDB gần 7,8 triệu đơn vị…

Trong các mã lớn khác, nhóm Vingroup thì VIC và VHM giảm nhẹ, VRE tăng nhẹ. Ngoài ra, nhóm này cũng chỉ có thêm VNM, SAB, NVL, VJC, FPT, MWG giảm nhẹ trên dưới 0,5%, trong khi sắc xanh chiếm ưu thế và nhiều mã cũng có mức tăng tốt như GAS, POW...

Trong các mã khác, TCH cũng có giao dịch tích cực hôm nay khi đóng cửa tăng 1,06% lên 23.850 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị. Trong khi TDP tăng 1,82% lên 27.900 đồng, nhưng thanh khoản khiêm tốn hơn với chỉ 127.700 đơn vị.

Trên HNX, dù nhóm HNX30 giao dịch tích cực cả về giá và thanh khoản, đặc biệt là SHB và PVS, nhưng do chỉ số HNX-Index đã bị neo chặt với cổ phiếu THD, nên chỉ số này không thể bứt lên, mà dao động cùng sóng với cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn này. HNX-Index may mắn có được mức tăng nhẹ nhờ THD trở lại sắc xanh nhạt, dù HNX30-Index tăng tới 1,8%.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,67 điểm (+0,24%), lên 276,55 điểm với 131 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143 triệu đơn vị, giá trị 2.399,9 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,6 triệu đơn vị, giá trị 61,4 tỷ đồng.

SHB có phiên giao dịch khá khởi sắc với thanh khoản đạt gần 45 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 18.900 đồng. Tiếp đó là PVS với 13,15 triệu đơn vị, nhưng có mức tăng tốt 3,8% lên 24.600 đồng. NVB cũng tăng tốt 2,8% lên 14.800 đồng, khớp 6,66 triệu đơn vị. CEO tăng 2,5% lên 12.500 đồng, khớp 6,62 triệu đơn vị. SHS tăng 1,8% lên 28.000 đồng, khớp 6,38 triệu đơn vị. Trong các mã nhỏ, HUT tăng 3,4% lên 6.100 đồng, khớp 7,1 triệu đơn vị.

UPCoM cũng có phiên giao dịch tích cực trong buổi chiều khi nới rộng đà tăng, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (+0,96%), lên 81,71 điểm với 189 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,7 triệu đơn vị, giá trị 1.660 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 29,3 tỷ đồng.

Trên UPCoM, “vua thanh khoản” BSR hôm nay đã mất vị trí số 1 vào tay PVM. Thông tin POW thoái vốn khỏi PVM giúp cổ phiếu này có 3 phiên tăng liên tiếp với thanh khoản khá tích cực gần đây. Trong phiên hôm nay, PVM cũng có lúc được kéo lên 31.000 đồng, nhưng lực bán chốt lời mạnh đã khiến mã này quay đầu giảm mạnh 5,4% xuống 27.900 đồng và thanh khoản đột biến với hơn 22,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR vẫn giữ đà tăng 3,1% lên 16.500 đồng, thanh khoản gần 11,3 triệu đơn vị. ABB cũng có giao dịch tích cực với 4,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 15.000 đồng. VHG là mã có thanh khoản tốt thứ 4 với gần 4 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 2.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có mức tăng tốt, thậm chí tăng hơn gấp đôi so với chứng khoán cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,47% lên 1.193,45 điểm, còn hợp đồng đáo hạn gần nhất (18/3) là VN30F2103 tăng 0,98% lên 1.197,8 điểm với 116.145 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 23.881 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, các chứng quyền do CTCK KIS Việt Nam phát hành có diễn biến tích cực về giá khi đa số tăng từ hơn 5% lên hơn 8%. Tuy nhiên, mã có mức tăng tốt nhất hôm nay là CSTB2012 do HSC phát hành với mức tăng 11% lên 6.580 đồng. Không chỉ giao dịch tích cực về giá, nhiều mã chứng quyền do KIS phát hành cũng có thanh khoản tốt nhất với 5 mã dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường là CNVL2003, CVHM2006, CVIC2004, CHDB2007 và CSTB 2007 với từ hơn nửa triệu đơn vị đến hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ có 2 chứng quyền của ngân hàng là tăng giá, 3 mã còn lại đều giảm, trong đó CVIC2004 giảm 13,2% xuống 590 đồng.

Tin bài liên quan