Giao dịch chứng khoán chiều 16/8: Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán kéo VN-Index chạm mốc 1.370 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 16/8: Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán kéo VN-Index chạm mốc 1.370 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng trần cùng sự nhập cuộc của dòng bank đã giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.370 điểm, cùng thanh khoản tăng vọt, vượt 27,5 nghìn tỷ đồng chỉ tính trên sàn HOSE.

Cú phục hồi mạnh mẽ hôm thứ Sáu tuần trước được nhiều nhận định cho rằng đó là một phiên "rũ bỏ" và thị trường chuẩn bị bước vào đợt tăng điểm ngắn hạn. Diễn biến về chỉ số phiên hôm nay dường như phản ánh khá sát nhận định này, tuy nhiên, có lẽ cần phải bổ sung thêm nhận định rằng, phiên cuối tuần trước cũng là phiên đảo hàng rất đẹp.

Ngày hôm nay các mã trụ trở lại vị thế cần phải có của mình, dòng cổ phiếu ngân hàng nếu như trong tuần trước vẫn còn được nhận định là "khá yếu, phục hồi chậm hơn thi trường" thì hôm nay đã bứt tốc, cho dấu hiệu vào sóng mới.

Trong nhóm 10 cổ phiếu giúp VN-Index tăng điểm mạnh mẽ ngày hôm nay có tới 6 cổ phiếu ngân hàng góp mặt. Nếu cộng thêm HPG và SSI thì có tới 8 mã trong dòng "bank, chứng, thép" giúp sức đẩy thị trường bên cạnh 2 mã là GVR và GAS.

Sự trở lại của cổ phiếu nhóm trụ một mặt giúp VN-Index chinh phục được ngưỡng 1.370 điểm là đỉnh của đợt sóng hồi 3 tuần qua, đồng thời mở ra hy vọng chỉ số này sẽ sớm trở lại đỉnh mọi thời đại ở ngưỡng 1.420 điểm. Mốc điểm được tạo ra nửa đầu năm bởi chính nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường.

Đó là kỳ vọng, tuy nhiên cần phải nhìn vào thực tế rằng, đợt phục hồi này có một đặc điểm chung nhất là dòng tiên lan tỏa đều các mã. Ngay phiên hôm nay trên sàn HOSE có tới 266 mã tăng giá, một con số rất hiếm khi xảy ra. Quan trọng hơn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt liên tục đổi vai, có lẽ duy nhất chỉ có cổ phiếu nhóm chứng khoán là thể hiện độ bền khi hầu hết đã vượt đỉnh giá lịch sử của mình.

Một ví dụ cho sự luân chuyển này đến từ chính các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nếu như cuối tuần trước VHM đóng vai trò chính giúp VN-Index có phiên "rũ bỏ" ngoạn mục thì đến hôm nay, VHM lại là "tội đồ" khi là cổ phiếu cản VN-Index, đáng ra có thể bùng nổ hơn nữa.

Dòng tiền luân chuyển và lan tỏa đang tạo ra một sự hấp dẫn mới đầy bất ngờ với nhà đầu tư, đó là các đợt sóng ngắn liên tục luân phiên giữa các nhóm ngành. Đây là một thách thức cho các nhà đầu tư thích đánh T+ vì khó có thể biết nhóm nào sẽ bứt phá phiên ngày mai để có thể mua đón đầu. Còn với nhiều nhà đầu tư thích nhảy sóng, rất có thể hôm nay nghĩ rằng mình mua đúng nhưng ngày mai đã thành sai!

Thành quả đôi khi lại dành cho các nhà đầu tư biết kiên nhẫn, một phiên tăng tốt nhưng danh mục của mình không tăng chưa phải là cái gì ghê gớm vì biết đâu đấy, ngay phiên ngày mai nụ cười mới tới.

Sóng tăng vẫn còn tiếp tục với lượng tiền mới không ngừng đổ vào thị trường giúp thanh khoản tăng cao. Với những gì đã diễn ra trong quá khứ thì thị trường đang có cơ hội sinh lời tốt nhất dù tất nhiên, rủi ro cũng sẽ dần tăng tương ứng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 266 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index tăng 13,91 điểm (+1,03%) lên 1.370,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 827,71 triệu đơn vị, giá trị gần 27.505 tỷ đồng, cùng tăng hơn 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 13/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,77 triệu đơn vị, giá trị 1.354,2 tỷ đồng.

Thành công nhất trong phiên giao dịch hôm nay chính là nhóm cổ phiếu tài chính khi sắc xanh và tím bao phủ trên diện rộng. Đặc biệt, ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, có tới khoảng 1/2 số mã tăng trần như VCI, FTS, CTS, VIX, VDS, AGR, APG…, các mã đầu ngành như SSI và HCM cùng tăng 5,3%, trong đó SSI lên vùng đỉnh mới 62.100 đồng/CP.

Bỏ qua sự phân hóa trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu vua đã trở lại khá ấn tượng và là động lực chính giúp VN-Index vượt cản thành công. Bên cạnh các mã như VCB, BID, ACB, VIB, STB, HDB, MSB, OCB… đều tăng trên 1-2%, cặp đôi lớn TCB và VPB tăng hơn 3% cùng MBB ghi nhận biên độ tăng lớn nhất của nhóm ngành khi kết phiên tăng 4,7% lên mức 31.000 đồng/CP.

Không chỉ tăng mạnh về giá, đây cũng là nhóm cổ phiếu đóng góp lớn vào thanh khoản thị trường với MBB dẫn đầu khi có 31,96 triệu đơn vị khớp lệnh thành công; tiếp theo là TCB khớp 30,3 triệu đơn vị và STB khớp hơn 24 triệu đơn vị; CTG khớp 21,66 triệu đơn vị. Ngoài ra, MSB, VPB, LPB, ACB cũng khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Có thể thấy, bộ 3 trụ cột đã từng dẫn dắt thị trường tìm tới những vùng đỉnh mới là bằng – chứng – thép lại một lần nữa được nhắc đến trong phiên hôm nay. Bên cạnh sắc tím phủ rộng ở nhóm chứng khoán, cùng đà hồi phục mạnh mẽ của dòng bank, không thể không kể đến nhóm thép khi các mã đều đã tìm lại đà tăng điểm dù còn khá khiêm tốn. Trong nhóm thép, ngoài TLH tăng kịch trần, các mã khác như HPG, HSG, SMC, POM tăng trên dưới 2%.

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như phân bón hóa chất, vận tải biển, mía đường cũng có một số điểm sáng như LSS, VOS, TSC,

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa với các mã lớn như VHM, VIC, KDH, DIG đảo chiều điều chỉnh, đáng kể là VHM giảm tới 3,33% xuống mức giá 116.000 đồng/CP, trái lại NVL, VRE tăng nhẹ; các mã vốn hóa thấp hơn đang tăng tích cực với TDP, C47, TIP, NHA tăng trần; DXG, KBC, ITA, IJC, TDH… tăng trên dưới 4%.

Trong rổ VN30, ngoài những điểm sáng của các nhóm ngành trên, một trong những mã lớn cũng tiếp sức cho đà tăng mạnh của thị trường là GVR. Sắc tím được giữ vững đến hết phiên khi GVR đóng cửa tăng 6,9% lên mức 37.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, vượt thanh khoản các phiên trước với 10,69 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dòng tiền sôi động cũng tiếp sức giúp HNX-Index tăng vọt lên mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 86 mã tăng và 41 mã giảm, HNX-Index tăng 6,56 điểm (+1,95%) lên 343,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 180,37 triệu đơn vị, giá trị 4.409,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,06 triệu đơn vị, giá trị 451,17 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau khoe sắc tím với TVB, APS, BSI, VIG, EVS, PSI, IVS đều tăng trần, còn MBS tăng 9,5% lên sát trần; BVS, SHS, ART cũng đều tăng hơn 6-7%, VND tăng 3,3% lên 53.100 đồng/CP.

Đây cũng là nhóm cổ phiếu hoạt động mạnh trong phiên hôm nay với ART và VND khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị, SHS khớp gần 8,2 triệu đơn vị, MBS khớp gần 6 triệu đơn vị, ngoài ra các mã khác như TVB, APS, BSI, PSI cũng khớp vài triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng tăng khá mạnh, hỗ trợ tích cực cho chỉ số chung của thị trường như IDC tăng 6,9% lên 38.500 đồng/CP, TNG tăng 9,8% lên mức giá trần 28.000 đồng/CP, SHB tăng 1% lên 29.300 đồng/CP, NVB tăng 2,4% lên 29.900 đồng/CP, NTP tăng 7,6% lên 52.200 đồng/CP, VCS tăng 1,6% lên 122.800 đồng/CP…

Bên cạnh TNG, trong nhóm HNX30 còn có NBC có được sắc tím khi tăng 9,4% lên mức 16.300 đồng/CP và khớp gần 1 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí không mấy tích cực, điển hình như PVS kết phiên đứng dưới mốc tham chiếu khi giảm nhẹ 0,4% về 26.100 đồng/CP, nhưng là 1 trong 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX, đạt 10,33 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng cũng được nới rộng hơn trong phiên chiều giúp UPCoM-Index đóng cửa tại vùng đỉnh của ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,87 điểm (+2,03%) lên 94,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 96,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.864,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,78 triệu đơn vị, giá trị 80,6 tỷ đồng.

Đột biến trong phiên hôm nay trên UPCoM là cổ phiếu dệt may VGT. Cùng thanh khoản tăng vọt tới hơn 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, giá cổ phiếu VGT cũng phi nước đại khi có thời điểm áp sát mức giá trần và kết phiên tăng 10%, đứng tại mức giá 20.900 đồng/CP.

Một trong những mã khác tạo ấn tượng mạnh trong phiên là HHV đã có giao dịch đột biến tới 10,57 triệu đơn vị và kết phiên cổ phiếu này tăng 6,1%, lên mức 20.900 đồng/CP.

Trong khi đó, sau 2 phiên liên tiếp mất điểm vì thông tin không mấy tích cực, cổ phiếu BSR đã đảo chiều hồi phục nhưng tăng khá chậm 1,6% và kết phiên đứng tại mức giá 19.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 10,66 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu SBS cũng khoe sắc tím khi tăng 1,43% lên mức giá trần 15.200 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động đạt 9,64 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, với VN30F2108 tăng 18 điểm, tương ứng tăng 1,2% lên 1.503 điểm, khớp lệnh có gần 171.120 đơn vị và khối lượng mở hơn 35.510 vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm phần lớn. Giao dịch lớn nhất tại CPDR2101 với 43.230 đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm 12% xuống mức 1.460 đồng/CQ.

Tin bài liên quan