Giao dịch chứng khoán chiều 12/4: Thanh khoản sàn HOSE bất ngờ tăng vọt lên 21.000 tỷ đồng, VN-Index lập đỉnh lịch sử mới

Giao dịch chứng khoán chiều 12/4: Thanh khoản sàn HOSE bất ngờ tăng vọt lên 21.000 tỷ đồng, VN-Index lập đỉnh lịch sử mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ thống giao dịch sàn HOSE hôm nay bất ngờ thông thoáng hơn thường lệ, đẩy giá trị giao dịch lên mức cao kỷ lục mới, hơn 21.000 tỷ đồng và VN-Index cũng thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

Những tưởng dòng tiền ồ ạt chảy mạnh trong phiên sáng thì phiên chiều thị trường sẽ đứng hình do nghẽn lệnh như thường nhật. Tuy nhiên, hệ thống HOSE hôm nay bất ngờ lại chạy khá suôn sẻ khi tổng giá trị giao dịch trên sàn phá mức kỷ lục lịch sử được thiết lập trong phiên 19/1 (đạt 20.363 tỷ đồng).

Việc thanh khoản tăng vọt tiếp tục tạo hưng phấn cho nhà đầu tư và dòng tiền không ngừng đổ vào thị trường, khiến việc nghẽn lệnh đã diễn ra vào cuối phiên. Lúc 14h30, một số công ty chứng khoán đã nhắn cho nhà đầu tư với nội dung "Hiện tại, Sở HOSE có dấu hiệu không trả kết quả đặt lệnh. Quý khách vui lòng cân nhắc khi đặt lệnh".

Bên cạnh thanh khoản tăng vọt và lập kỷ lục về giá trị giao dịch, chỉ số VN-Index cũng xác lập đỉnh mới khi vượt xa mốc lịch sử lúc đóng cửa cũ 1.242,38 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 301 mã tăng và 134 mã giảm, VN-Index tăng 20,79 điểm (+1,69%), lên 1.252,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 890,31 triệu đơn vị, giá trị 21.517,67 tỷ đồng, tăng 21,49% về khối lượng và 18,17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 9/4. Như vậy, so với phiên giao dịch kỷ lục được xác lập ngày 19/1 vừa qua, dù tổng giá trị đã vượt khá xa nhưng khối lượng giao dịch phiên hôm nay vẫn còn thua (phiên 19/1 đạt hơn 986 triệu đơn vị).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,67 triệu đơn vị, giá trị 1.533,74 tỷ đồng, trong đó riêng TCB thỏa thuận hơn 7,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 329 tỷ đồng; MSN và VIC đạt hơn 100 tỷ đồng…

Trong nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu gồm GAS giảm 1% xuống 87.900 đồng/CP, TCH giảm mạnh nhất 1,9% xuống mức 25.900 đồng/CP, HDB, MSN, SBT và PDR cùng giảm dưới 0,5%.

Trái lại, nhiều mã lớn tăng khá mạnh như VIC tiếp tục nới rộng biên độ khi tăng 5,7% lên mức 132.000 đồng/CP, VHM tăng 2,9% lên 101.800 đồng/CP, HPG tăng 3,3% lên 51.200 đồng/CP, NVL tăng 5,9% lên 95.300 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt nổi dậy với các mã lớn BID, CTG, VCB, TCB, MBB, TPB đều tăng hơn 1 %, đáng kể STB tăng 3,3% lên mức 23.450 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE, đạt 49,31 triệu đơn vị; LPB tăng 3,9% lên 18.850 đồng/CP, ACB tăng 2,2% lên 35.150 đồng/CP, VPB tăng 3,8% lên 49.000 đồng/CP.

Bên cạnh STB, các mã khác trong dòng bank như MBB, TCB, CTG, LPB, ACB, VPB cũng có mức thanh khoản trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cánh đồng tím tiếp tục mở rộng với hàng loạt mã nóng như HAG, HNG, LDG, ROS, ITA, DLG, FIT, HQC, AMD… đua nhau tăng trần và đều dư mua trần lớn, đáng kể ROS và ITA cùng dư mua trần hơn 11 triệu đơn vị.

Cổ phiếu FLC cũng đã giao dịch tích cực trong ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021. Với những khẳng định và kế hoạch trong tương lai được Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đưa ra, cổ phiếu FLC đã tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều cùng thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, FLC tăng 2,5% lên mức 12.300 đồng/CP và khớp hơn 49 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB về thanh khoản.

Trên sàn HNX, đà tăng tiếp tục được nới rộng cùng thanh khoản sôi động.

Chốt phiên, sàn HNX có 140 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 1,75 điểm (+0,01%), lên 293,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 183 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.089 tỷ đồng, tăng 13,66% về lượng và hơn 12% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 8,6 triệu đơn vị, giá trị 120,39 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng giao dịch khởi sắc hơn khi một số mã lớn hồi phục sắc xanh, trong đó SHB nhích nhẹ với mức tăng 0,4% lên 25.400 đồng/CP, VCS tăng 0,7% lên 95.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, SHS nới rộng biên độ tăng 2,5% lên 32.400 đồng/CP, NVB tăng 2,2% lên 18.300 đồng/CP, CEO tăng 2,3% lên 13.300 đồng/CP, MBS tăng 2,3% lên 26.900 đồng/CP…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ P không mấy tích cực với PVS giảm 0,8% xuống 23.600 đồng/CP, PVB giảm 2,2% xuống 18.000 đồng/CP, PVC giảm 1,8% xuống 11.100 đồng/CP.

Cặp đôi cổ phiếu họ FLC là ART và KLF giao dịch sôi động nhất sàn HNX. Trong đó, ART tăng 6,9% lên mức 10.900 đồng/CP và khớp 1,85 triệu đơn vị, còn KLF tăng 8,7% lên mức giá trần 5.000 đồng/CP và khớp 15,77 triệu đơn vị.

Hàng loạt mã vừa và nhỏ khác như APS, PVL, VIG, DST, KVC, TTH, ACM… vẫn giữ vững đà tăng trần.

Trên UPCoM, biên độ tăng ngày càng nới rộng giúp UPCoM-Index lên mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,09 điểm (+1,32%), lên 84,1 điểm với 195 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,13 triệu đơn vị, giá trị 1.170,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể với 4,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giảm 1,1% xuống 17.500 đồng/CP và là mã giảm dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt 13,36 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG vẫn đứng tại mức giá trần 3.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt 6,14 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,24 triệu đơn vị.

Các mã lớn hỗ trợ đà tăng của thị trường như VEA tăng 1,1% lên 45.200 đồng/CP, MCH tăng 1,7% lên 104.000 đồng/CP, PGV tăng 9,8% lên 19.000 đồng/CP, SIP tăng nhẹ 0,7% lên 175.900 đồng/CP.…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó, VN30F2104 tăng 11,7 điểm (+1,8%), xuống 1.274,6 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt gần 123.110 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.390 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay CVIC2004 giao dịch lớn nhất khi khớp hơn 2,24 triệu đơn vị, và kết phiên tăng mạnh 32,5% lên 1.630 đồng/cq. Tiếp theo là CNVL2003 với gần 2,24 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên mã này tăng 22,4% lên sát mức giá trần 3.330 đồng/cq.

Tin bài liên quan