Giao dịch chứng khoán chiều 12/10: Đột biến giá trị, cảnh báo rủi ro

Giao dịch chứng khoán chiều 12/10: Đột biến giá trị, cảnh báo rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, các cổ phiếu lớn đã làm tốt vai trò nâng đỡ, giúp VN-Index thoát hiểm thành công.

Mặc dù diễn biến thị trường vẫn khá phân hóa nhưng giao dịch khởi sắc ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn đã giúp VN-Index duy trì đà tăng khá tốt và thử thách thành công mốc 930 điểm trong phiên sáng đầu tuần.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên khiến thị trường dần hạ độ cao. Sau khoảng hơn 1 giờ nỗ lực giữ sắc xanh, chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh trước lực cung dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, ngay khi rơi xuống dưới mốc tham chiếu, lực cầu mạnh được kích hoạt và tập trung chủ yếu vào các mã vốn hóa lớn, đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index đã thoát hiểm thành công trong bối cảnh “xanh vỏ đỏ lòng”.

Đáng chú ý nhất là giá trị giao dịch khi riêng trên HOSE đã vượt ngưỡng 9.000 tỷ đồng, và điểm số ở cuối phiên khá thấp so với mở cửa đã ra chỉ báo về lượng bán đang áp đảo. Về mặt kỹ thuật và cơ bản thì cảnh báo đảo chiều chưa thật rõ ràng, nhưng đây là những tín hiệu cần lưu tâm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 127 mã tăng và 295 mã giảm, VN-Index tăng 1,83 điểm (+0,2%), lên 925,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 457,23 triệu đơn vị, giá trị 9.004,38 tỷ đồng, tăng 17,8% về khối lượng và 35,51% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 9/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 1.308 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, công lớn giúp thị trường hồi phục thuộc về các mã vốn hóa lớn khi các mã VHM, VIC, VNM, GAS đều tăng nhẹ, VCB +1,3% lên 85.900 đồng/CP, BID +1,49% lên 40.950 đồng/CP, CTG cũng có phần thu hẹp nhưng vẫn là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 khi +5,24% lên 29.100 đồng/CP, MSN +3% lên 70.200 đồng/CP.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm của dòng tiền khi top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE thì có đến 3 mã thuộc nhóm này. Cụ thể, STB khớp 17,96 triệu đơn vị, CTG khớp 16,83 triệu đơn vị và TCB khớp 14,2 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, sau thông tin chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 8% bằng tiền mặt, cổ phiếu BVH đã có phiên giao dịch bùng nổ cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, BVH +6,2% lên sát mức giá trần 52.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh các mã như TCB, STB, VRE, PLX, HDB đảo chiều giảm nhẹ, cổ phiếu vốn hóa lớn SAB đóng vai trò là lực hãm chính khi lao mạnh về cuối phiên với mức giảm -2,5% xuống mức thấp nhất ngày 188.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi hàng loạt mã như ITA, HQC, HAG, DXG, HHS, LDG, TTF, DIG… đều giao dịch trong sắc đỏ, thì FLC lại có màn hồi phục mạnh trong phiên chiều, ngắt nhịp giảm sâu sau 2 phiên giao dịch cuối tuần trước. Kết phiên, FLC +6,3% lên sát mức giá trần 4.040 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 19,38 triệu đơn vị.

Hôm nay là phiên chào sàn của cổ phiếu TDP – CTCP Thuận Đức. Sau những phiên giao dịch giảm sàn những ngày cuối cùng trên thị trường UPCoM, cổ phiếu TDP đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mức tăng kịch trần, kết phiên tại mức giá 25.400 đồng/CP, tuy nhiên, giao dịch vẫn nhỏ giọt khi chỉ có 620 đơn vị được khớp lệnh.

Trên sàn HNX, trạng thái rung lắc được duy trì trong thời gian khá ngắn đầu phiên rồi nhanh chóng thoái lui bởi áp lực bán gia tăng mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 64 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,74%), xuống 135,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 64 triệu đơn vị, giá trị 775,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,29 triệu đơn vị, giá trị 204,58 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn đã quay đầu điều chỉnh hoặc lùi về mốc tham chiếu là nguyên nhân chính khiến HNX-Index mất điểm.

Trong đó, ACB, SHB, VCS cùng giảm nhẹ, PVS -3,52% xuống 13.700 đồng/CP, PVB -2,34% xuống 16.700 đồng/CP, NVB -2,13% xuống 9.200 đồng/CP…

Trái lại, một số mã như BVS, PVI, SHS vẫn giữ đà tăng nhưng còn hạn chế với biên độ hẹp chỉ trên dưới 1%.

Xét về thanh khoản, mặc dù áp lực bán khiến các mã quay đầu nhưng PVS và ACB vẫn là 2 mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 9,5 triệu đơn vị và 8,64 triệu đơn vị.

Tương tự, trên UPCoM, áp lực bán cùng gia tăng khiến thị trường nới rộng đà giảm điểm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,84%), xuống 63,47 điểm với 78 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,48 triệu đơn vị, giá trị 387,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,79 triệu đơn vị, giá trị 71,95 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng giao dịch kém khởi sắc. Trong khi LPB lùi về mốc tham chiếu, thì VIB, NAB giảm nhẹ. Trong đó, LPB vẫn là mã giao dịch tốt nhất trên UPCoM, với khối lượng khớp hơn 6,4 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác như VGI, OIL, VGT, VEA… cũng để mất điểm.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm nhẹ, trong đó, VN30F2010 tăng 0,39% lên 875 điểm với hơn 90.600 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở hơn 30.730 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CTCB2007 được mua bán mạnh tay nhất khi có 127.814 đơn vị khớp lệnh, kết phiên mã này -3,42% xuống 1.410 đồng/cq. Tiếp theo là CVRE2007 khớp 123.307 đơn vị và kết phiên -6% xuống mức 470 đồng/CP.

Tin bài liên quan