Giao dịch chứng khoán chiều 11/6: Xanh bát ngát, thị trường như chưa từng có bão giông

Giao dịch chứng khoán chiều 11/6: Xanh bát ngát, thị trường như chưa từng có bão giông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu 2 phiên đầu tuần, báo giới phải dùng từ "hoảng loạn" khi mô tả các lệnh MP ồ ạt đổ vào thị trường khiến giá cổ phiếu lao dốc, thì phiên cuối tuần, nắng lại lên bát ngát như chưa từng có bão giông.

Trong phiên sáng, những tưởng thị trường sẽ giao dịch ảm đạm và biến động giằng co trước tâm lý canh giá xanh để bán, thì đột biến đã diễn ra trong nửa cuối phiên giúp thị trường khép lại phiên sáng cuối tuần “đẹp như mơ”.

Bước sang phiên giao dịch chiều, đà phục hồi tiếp tục tiếp diễn, kéo VN-Index vượt qua vùng kháng cự gần 1.330-1.340 điểm và bước vào vùng kháng cự tiếp theo 1.350-1.360 điểm. Cơ hội để VN-Index test lại đỉnh thị trường quanh mức 1.372-1.375 điểm sẽ dành cho tuần tới. Nếu vượt qua thì đà tăng sẽ trở lại.

Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày hôm nay vẫn là khối lượng giao dịch giảm đáng kể, điều này cho thấy đà tăng của thị trường chủ yếu đến từ bên bán tiết cung chứ chưa phải sức cầu mạnh lên. Để thị trường có thể vượt đỉnh và trở lại đà tăng, khối lượng giao dịch cần phải cải thiện.

Nghẽn lệnh sẽ là một chỉ báo tốt về sức cầu! Nếu điều đó xảy ra vào tuần tới, hãy coi đó là tín hiệu tích cực thay vì chỉ trích hay phàn nàn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 293 mã tăng và 104 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 28,16 điểm (+2,13%) lên 1.351,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 732,26 triệu đơn vị, giá trị 23.765,79 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,08% về khối lượng nhưng giảm 6,22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,23 triệu đơn vị, giá trị 1.182,43 tỷ đồng,

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò đầu tàu với CTG đứng vững tại mức giá trần 52.900 đồng/CP và trong trạng thái trắng bên bán. Kết phiên, CTG khớp lệnh 17,96 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,64 triệu đơn vị.

Thông tin kích hoạt giúp CTG giao dịch đột biến trong phiên hôm nay chính là sáng nay (11/6), Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho Vietinbank thực hiện tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt của VietinBank.

Tương tự, cổ phiếu OCB cũng đã có màn đảo chiều ấn tượng sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên gần 13.700 tỷ đồng từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Kết phiên, OCB tăng 5,7% lên mức giá 31.550 đồng/CP và đã có thời điểm được kéo kịch trần.

Một mã khác trong nhóm cũng có phiên đảo chiều tăng mạnh là HDB. Kết phiên, HDB tăng 5,4% lên 34.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 6,16 triệu đơn vị. Không chỉ tăng mạnh về giá, cổ phiếu HDB cũng nhận được sự quan tâm lớn từ khối ngoại khi nằm trong top 5 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất về khối lượng trong phiên hôm nay, đạt 1,22 triệu đơn vị.

Các mã ngân hàng khác ghi nhận mức tăng tốt trong ngành như TCB tăng 5% lên 52.600 đồng/CP, STB tăng 5,5% lên 30.500 đồng/CP, MBB tăng 4% lên 39.400 đồng/CP, HDB tăng 5,4% lên 34.450 đồng/CP…

Nhóm chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, điển hình là một trong những mã đầu ngành SSI tăng 6,6% lên sát trần 50.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 22,21 triệu đơn vị, đứng thứ 7 về thanh khoản trên sàn HOSE.

Nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PLX, PVD, PVT… hay các mã thuộc nhóm thép như HPG, HSG, NKG, TLH, POM… cũng đua nhau khởi sắc.

Ở nhóm cổ phiếu mới nổi là bất động sản, điểm sáng là cổ phiếu DXG. Sau 5 phiên liên tiếp bị xả bán mạnh từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cổ phiếu DXG đã đảo chiều hồi nhẹ trong phiên sáng và bất ngờ kéo trần nhờ lực cầu tăng mạnh. Kết phiên, DXG tăng 7% lên mức giá 25.250 đồng/CP với khối lượng khớp 20,79 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Không chỉ dừng lại ở các nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, chứng khoán, thép, dòng tiền còn lan sang cả các cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã giao dịch khởi sắc như HQC, ROS, ITA, DLG, TTF…

Trên sàn HNX, sau khi tăng vọt lên mức 320 điểm, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến đà tăng bị chặn lại.

Đóng cửa, sàn HNX có 138 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 5,37 điểm (+1,73%) lên mức 316.69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 149,8 triệu đơn vị, giá trị 3.515,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,48 triệu đơn vị, giá trị 201,62 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí trên sàn HNX cũng đồng loạt khởi sắc với giao dịch sôi động.

Trong đó, SHB dù thu hẹp biên độ tăng khi kết phiên chỉ còn tăng 1% lên 29.800 đồng/CP nhưng là mã dẫn đầu thanh khoản với 23,63 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Tiếp theo đó là PVS tăng 4,8% lên mức 28.200 đồng/CP và khớp 16,33 triệu đơn vị; SHS tăng 4,3% lên 38.400 đồng/CP và VND tăng 5,6% lên 39.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị; NVB tăng 2,1% lên 19.300 đồng/CP và khớp 8,45 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là HUT bất ngờ tăng kịch trần với giao dịch bùng nổ. Kết phiên, HUT tăng 9,9% lên mức giá 7.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 15,45 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng mạnh được duy trì khá tốt trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,76 điểm (+2,02%) lên 88,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 114,96 triệu đơn vị, giá trị 1.557,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,55 triệu đơn vị, giá trị 339,93 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí giao dịch trên UPCoM cũng nhanh chóng đảo chiều hồi phục, trong đó BSR tăng 3,8% lên mức 19.300 đồng/CP và trở lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với hơn 20 triệu đơn vị được giao dịch thành công; trong khi đó, OIL tăng 2,9% lên 14.300 đồng/CP và khớp 2,24 triệu đơn vị; PVX tăng 10% lên 2.200 đồng/CP và khớp xấp xỉ 9,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ngân hàng và các mã lớn vẫn tăng tốt như VGT tăng 4,7% lên 18.000 đồng/CP, LTG tăng 8% lên 39.300 đồng/CP, BVB tăng 4,9% lên 23.500 đồng/CP, ABB tăng 4,7% lên 22.500 đồng/CP, VGI tăng 3% lên 34.600 đồng/CP…

Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng giao dịch tích cực, đáng chú ý là ORS tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 26.400 đồng/CP và khớp gần 1,3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, trong đó, VN30F2106 tăng 40,2 điểm (+2,8%), lên 1.493,2 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 230.020 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.110 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCB2103 vàCVRE2102 dẫn đầu thanh khoản, trong đó CTCB2103 kết phiên tăng 8,7% lên mức 10.000 đồng/CQ; còn CVRE2102 giảm 7,9% xuống 1.290 đồng/CQ và khớp 50.620 đơn vị.

Tin bài liên quan