Giao dịch chứng khoán chiều 10/4: Cổ phiếu nhà FLC bị bán mạnh

Giao dịch chứng khoán chiều 10/4: Cổ phiếu nhà FLC bị bán mạnh

(ĐTCK) Mặc dù nhóm cổ phiếu ngành hàng không vẫn giữ sắc tím nhưng không đủ sức giúp thị trường giữ được sắc xanh trước áp lực bán dâng cao, đặc biệt là từ các cổ phiếu lớn. Chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm điểm sau 7 phiên tăng liên tiếp. 

Sau 7 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã gặp khó khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần để mất gần 10 điểm trước áp lực bán chốt lời gia tăng. Tuy nhiên, lực cầu sớm được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược trở lại và diễn biến rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Sau diễn biến giằng co quanh vùng giá 760 điểm, VN-Index đã chính thức dành lại sắc xanh nhờ sự khởi sắc của một số bluechip nhưng chỉ số cũng không thể leo cao trước sự phân hóa của thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 20 phút giao dịch cầm cự sắc xanh, lực bán thường trực dâng cao đã khiến thị trường quay đầu giảm điểm. Và một lần nữa thị trường bật nẩy trở lại khi VN-Index thủng mốc 755 điểm, nhưng may mắn không còn và chỉ số này đã dừng chân dưới mốc tham chiếu, ngắt nhịp sau 7 phiên tăng liên tiếp.

Kết phiên, sàn HOSE có 165 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index giảm 2,39 điểm (-0,31%), xuống 757,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 338,4 triệu đơn vị, giá trị 4.122,24 tỷ đồng, tăng 13,4% về khối lượng nhưng giảm 6,19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,14 triệu đơn vị, giá trị gần 859 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng gia tăng gánh nặng cho thị trường khi đồng loạt đều chuyển đỏ dù mức giảm không qua lớn chủ yếu trên dưới 1%, ngoại trừ BID -2,1% xuống 36.900 đồng/CP, HDB -3,1% xuống 20.000 đồng/CP, CTG -1,8% xuống 19.450 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng nới rộng biên độ goảm nhe VHM -2,8% xuống 67.100 đồng/CP, VIC -1% xuống 95.000 đồng/CP, BVH -2,5% xuống 46.000 đồng/CP…

Trái lại, cặp đôi cổ phiếu ngành hàng không VJC và HVN vẫn duy trì sắc tím và không có nhiều biến động khi VJC chỉ khớp gần 0,27 triệu đơn vị, còn HVN có thêm hơn 0,1 triệu đơn vị được khớp lệnh trong phiên chiều, nâng tổng thanh khoản lên 2,44 triệu đơn vị, dư mua trần 0,43 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số cổ phiếu lớn khác như GAS, PLX, HPG, SAB đều kết phiên tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu nhà FLC bị bán manh, trong đó ROS đã bị chốt lời mạnh và có thời điểm bị đẩy về mức giá sàn, tuy nhiên lực cầu sôi động đã giúp cổ phiếu này thoát sắc xanh mắt mèo dù biên độ giảm vẫn khá lớn. Kết phiên, ROS -4,2% xuống 4.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khủng, lên tới hơn 82,34 triệu đơn vị.

Các mã khác như AMD -5,7% xuống 2.810 đồng/CP và khớp 13,84 triệu đơn vị; FLC -4,8% xuống 3.000 đồng/CP và khớp 13,77 triệu đơn vị, HAI -3,6% xuống 2.640 đồng/CP và khớp hơn 7 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, sau khi được kéo qua mốc 107 điểm, HNX-Index có thu hẹp biên độ.

Kết phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 1,15 điểm (+1,1%), lên 105,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,91 triệu đơn vị, giá trị 456,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,32 triệu đơn vị, giá trị 18,39 tỷ đồng.

Trong khi ACB quay đầu điều chỉnh nhẹ khi -1% xuống 19.800 đồng/CP, thì người anh em SHB có phiên khởi sắc thứ 8 liên tiếp +6,7% lên 17.500 đồng/CP.

Thêm vào đó, SHS vẫn giữ sắc tím cùng lượng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị và khớp lệnh gần 3,9 triệu đơn vị; ngoài ra các mã PVB, VGS, NDN, SLS, TVC… cũng tăng khá tốt.

Hòa cùng đà giảm của nhóm cổ phiếu nhà FLC, cổ phiếu KLF cũng kết phiên giảm sàn xuống mức giá 1.400 đồng/CP và khớp hơn 3,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc đỏ vẫn bao trùm trong cả phiên chiều.

Kết phiên, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,21%), xuống 50,63 điểm với 91 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,95 triệu đơn vị, giá trị 149,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,27 triệu đơn vị, giá trị 34,7 tỷ đồng.

Chỉ có 3 mã có khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị, gồm BSR khớp 4,94 triệu đơn vị, LPB khớp 1,63 triệu đơn vị và OIL khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong đó, BSR và LPB cùng kết phiên tại mốc tham chiếu, còn OIL tăng nhẹ 1,56% lên 6.500 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó, VN30F2004 đáo hạn gần nhất tăng 0,026% lên 682 điểm, khớp hơn 210.240 đơn vị, khối lượng mở hơn 24.710.

Trên thị trường chứng quyền, có 15 mã tăng, 9 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, CROS2001 tiếp tục có khớp lệnh cao nhất đạt 120.028 đơn vị và kết phiên -12,5% xuống 70 đồng/cq.

Tin bài liên quan