Gian hàng Việt trực tuyến” hứa hẹn sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu Việt. Ảnh: Báo Công thương.

Gian hàng Việt trực tuyến” hứa hẹn sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu Việt. Ảnh: Báo Công thương.

Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng được mua hàng giá tốt hơn nhờ giảm bớt các khâu trung gian.

Ngày 16/4, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị: “Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai, gian hàng Việt trực tuyến có thể xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

“Gian hàng Việt trực tuyến” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam sẽ là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử.

Bên cạnh các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA có hiệu lực, không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình và phát triển bền vững hơn nữa tại thị trường trong nước. “Hiện chúng tôi mới ký liên kết với 1 số sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, thời gian tới sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có gian hàng Việt và cũng sẽ thúc đẩy mở gian hàng Việt tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài”, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc HPA cho biết, là đơn vị nòng cốt trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua, HPA đã đồng hành nhiều chương trình với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

HPA cũng đã phối hợp cùng JICA thực hiện trang Nông sản an toàn để đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng cũng như tổ chức tốt các chương trình Đặc sản vùng miền. Nhờ đó nhiều sản phẩm tốt, đặc sản các tỉnh, thành đã được đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại, với mục tiêu đưa càng nhiều hàng đến người tiêu dùng, đặc biệt đưa lên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo...

Phó giám đốc HPA cho rằng, “Gian hàng Việt trực tuyến” hứa hẹn sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số, là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất Việt uy tín đa dạng hoá kênh phân phối, vươn lên mạnh mẽ trước biến động khó lường của đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc HPA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Công thương.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc HPA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Công thương.

Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chương trình Gian hàng Việt hy vọng là siêu thị điện tử cho hàng Việt Nam để sản phẩm Việt phân phối đi khắp cả nước. Quan trọng hơn là giải quyết triệt để vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo bởi nhà sản xuất; hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được truyền thông quảng bá, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ tài chính từ các đối tác của Chương trình.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin thêm, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng Việt nói chung và hàng Việt được phân phối trên các sàn thương mại điện tử nói riêng là chủ đề nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Cùng với sự phối hợp của Quỹ Châu Á và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã kết nối 12 doanh nghiệp đã và đang được thực hiện truy xuất hàng hóa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong khuôn khổ dự án truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển thị trường do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam trên “Gian hàng Việt trực tuyến” góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp trong dự án giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với người tiêu dùng về tính minh bạch của nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn cho doanh nghiệp khi tham gia phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Bên lề Hội nghị, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông, cho biết hiện đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm hạt sachi.

Đây là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng omega rất cao, rất tốt cho sức khỏe nhưng ít người tiêu dùng biết tới. Để mở rộng mạng lưới khách hàng, hợp tác xã của bà Thông đã tìm hiểu để đưa sản phẩm giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

"Sau khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, khách hàng bắt đầu biết đến chúng tôi nhiều hơn. Nếu so với mức độ tiêu thụ truyền thống thì doanh thu bán trên sàn thương mại điện tử tăng lên gấp đôi, công tác truyền thông cũng đơn giản, đỡ vất vả hơn rất nhiều", bà Thông cho hay.

Còn ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công bằng Eatu (Buôn Mê Thuột) cho biết, chất lượng cà phê Hợp tác xã này sản xuất ra rất tốt nhưng quá trình bán ra thị trường rất khó vì người tiêu dùng chưa hiểu và chưa biết đến nhiều. Đặc biệt, vì bán qua nhiều tầng lớp trung gian nên người sản xuất không có lời nhiều. “Thông qua sàn thương mại điện tử này chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều khách hàng hiểu về cà phê của chúng tôi hơn, mức tiêu thụ tăng lên", ông nói.

Được biết, trong thời gian tới, Chương trình Kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến, kết nối với người tiêu dùng thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử sẽ được Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và doanh nghiệp các tỉnh thành phố trên cả nước nói chung.

Tại Hội nghị, gần 20 doanh nghiệp sản xuất đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận triển khai phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”. Thay mặt đơn vị tổ chức, Lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, lãnh đạo HPA đã trao các thỏa thuận triển khai cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp đã được phổ biến về thương mại điện tử, hướng dẫn, tư vấn về các thức kinh doanh thương mại điện tử, phân phối hàng hóa hiệu quả trên sàn thương mại điện tử, tư vấn về giải pháp truy xuất nguồn gốc, các gói hỗ trợ tài chính và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp có thời gian trao đổi, tìm hiểu sâu hơn từ đại diện của các Đơn vị triển khai và các đối tác hợp tác của Chương trình về “Gian hàng Việt trực tuyến” và hình thức kinh doanh hiện đại trong bối cảnh mới.

Tin bài liên quan