Ngày 28/6 tới đây, CTCP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) sẽ tổ chức ĐHCĐ với một nội dung đáng chú ý trong tờ trình của HĐQT là xin giảm vốn điều lệ. Chưa rõ ĐHCĐ Vinapast sẽ quyết định việc này ra sao, song hãy thử xem xét lý do mà HĐQT đưa ra và khía cạnh pháp lý của việc này.
Theo giải trình của HĐQT Vinaplast, HĐQT đề xuất giảm vốn điều lệ là do xác định lại vốn góp của cổ đông nhà nước theo kết quả quyết toán cổ phần hóa (CPH). Theo đó, vốn điều lệ của Công ty này điều chỉnh giảm từ 198 tỷ đồng xuống còn 194,3 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 65,85%, người lao động nắm 0,88%, cổ đông bên ngoài nắm 33,27%.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, có nhiều trường hợp sau khi quyết toán CPH thì giá trị phần vốn Nhà nước bị giảm so với giá trị tại thời điểm xác định giá trị DN. Từ khi có quyết định phê duyệt giá trị DN để CPH đến khi DN thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), hoàn thiện các thủ tục chính thức chuyển sang hình thức CPCP, khoảng thời gian này có thể mất vài tháng, thậm chí cả năm và trong thời gian đó, công ty có thể phát sinh thua lỗ, dẫn đến phần vốn nhà nước bị giảm.
Theo khoản 5, Điều 10, Thông tư 202/2011/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP thì trường hợp phát sinh chênh lệch giảm giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm DN CPH chuyển sang CTCP với giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị DN phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trước khi xử lý.
Nếu phát sinh chênh lệch giảm do nguyên nhân khách quan dẫn đến giá trị vốn nhà nước bị âm thì DN báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa xem xét quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần (sau khi đã chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư và chi phí cổ phần hoá) và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có) để bù đắp. Sau khi đã được bù đắp mà giá trị vốn nhà nước vẫn còn bị âm và DN CPH đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP lần đầu thì HĐQT triệu tập ĐHCĐ bất thường để biểu quyết việc xử lý lỗ và duy trì hoạt động của DN. Nếu do nguyên nhân chủ quan thì xem xét trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có liên quan để xử lý bồi thường vật chất.
Tờ trình của HĐQT Vinaplast không nêu rõ vì sao có phát sinh giảm vốn nhà nước cũng như kết quả của việc làm rõ nguyên nhân để xem xét trách nhiệm cá nhân và xử lý. Tuy nhiên, dựa vào tờ trình của ĐHCĐ thì có thể Vinaplast đã áp dụng điểm 1, Khoản 5, Điều 10 của Thông tư 202/2011/TT-BTC: việc giảm vốn là do nguyên nhân khách quan và sau khi xử lý thì phần vốn nhà nước vẫn âm nên HĐQT đã đưa ra ĐHCĐ xem xét xử lý.
Ở góc độ pháp luật về DN, Luật Doanh nghiệp 2005 không có quy định về giảm vốn điều lệ. Về cơ bản, vốn điều lệ của CTCP là số vốn góp ban đầu của các cổ đông sáng lập, trong quá trình hoạt động, số vốn ban đầu này đem lại hiệu quả khác nhau thể hiện qua tiêu chí vốn chủ sở hữu hay tổng tài sản... Nhưng số vốn đã góp tại thời điểm thành lập thì không thể thay đổi.
Tuy nhiên, ở các văn bản dưới luật như Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT lại có quy định về giảm vốn điều lệ. Sở dĩ có quy định này là để hạn chế tình trạng vốn ảo của CTCP, tức là số vốn đăng ký lớn nhưng thực tế cổ đông không góp đủ số vốn này. Do đó, trong phần về cổ đông sáng lập, Nghị định 102 quy định số cổ phần phát hành khi CTCP thành lập mà không được cổ đông sáng lập mua hết hoặc chào bán không được thì sau 3 năm, DN phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Điều 40, Nghị định 43/2010/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh cũng quy định cụ thể về thủ tục thay đổi vốn điều lệ.
Như vậy, về thủ tục, theo các quy định pháp luật DN, Vinaplast có thể đăng ký giảm vốn điều lệ bởi thực tế, phần vốn nhà nước đã bị giảm bớt, không đúng với phần vốn tại thời điểm xác định giá trị DN. Vấn đề là khi phần vốn thực tế của Nhà nước bị giảm thì trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa được xác định ra sao và quyền lợi cổ đông được xử lý thế nào?
Một cổ đông của Vinaplast cho biết, khi giảm vốn điều lệ, dù số lượng cổ phần, tỷ lệ sở hữu của cổ đông có thể giữ nguyên nhưng bản chất là cổ đông vẫn bị thiệt hại. Ngoài ra, thay đổi vốn điều lệ có thể dẫn đến thay đổi về tỷ lệ sở hữu và ảnh hưởng đến quyền biểu quyết cũng như quyền khác mà điều lệ công ty quy định. Khi vốn điều lệ thay đổi thì có thể tổng tài sản, vốn lưu động, vốn cố định... sẽ thay đổi và độ an toàn, sức mạnh của DN thay đổi theo. Giảm vốn điều lệ dẫn đến quy mô DN thay đổi thì hình thức DN cũng có thể thay đổi, chẳng hạn, khi vốn điều lệ giảm từ trên 120 tỷ đồng xuống dưới mức này thì công ty không còn là công ty đại chúng quy mô lớn và khi đó, quyền lợi của cổ đông và nghĩa vụ của công ty sẽ thay đổi.