Bất cập còn tồn tại
Hiện tại, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những chuyển biến nhất định như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro; chuyển sang hậu kiểm; giảm cơ bản danh mục kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau; xã hội hóa công tác kiểm tra.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu và mong đợi của Chính phủ, khi vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thấp. Hiện mới có 4 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên.
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất bị ách tắc do hải quan cửa khẩu yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan. Doanh nghiệp cho rằng, điều này là “vô lý” bởi Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, chỉ có 2 trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo.
Chưa hết, tình trạng điện tử nửa vời trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang “dày vò” doanh nghiệp, khi kê khai điện tử rồi lại tiếp tục phải kê khai giấy, cơ quan hải quan không có sự kết nối với cổng một cửa do chính cơ quan này phụ trách, quá trình điều phối diễn ra thủ công, nhiều tình huống kê khai đã hoàn tất nhưng sau đó phát sinh vấn đề mà hải quan không cập nhật, doanh nghiệp phải làm lại từ đầu…
Tính riêng năm 2017, doanh nghiệp phải bỏ ra 36 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành của hơn 100 mặt hàng, nhưng kết quả chỉ phát hiện 0,06% lô hàng có hành vi phạm. Tỷ lệ phát hiện rất thấp, chi phí xã hội tốn kém nhiều hơn so với thu lại.
Đi vào thực chất
Tại buổi kiểm tra các bộ trong việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh, không có lý do gì để tạo rào cản cho doanh nghiệp. Do đó, việc rà soát, cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành của các bộ cần tiếp tục đẩy mạnh, đi vào thực chất.
Theo kết quả rà soát, hiện tại, chỉ có Bộ Công thương cắt giảm đúng chỉ tiêu, các bộ ngành khác mới ở mức độ rà soát. Chẳng hạn, Bộ Thông tin Truyền thông đề xuất cắt giảm 50 sản phẩm có kiểm tra chuyên ngành trong tổng số 84 sản phẩm nhưng chưa thực hiện. Về vấn đề này, ông Dũng đề nghị phải làm rõ những bộ đã công bố đến bao giờ thực sự cắt giảm, bộ nào đã rà soát, cắt giảm bao nhiêu, trong thời gian cụ thể thế nào.
Có một vấn đề thực tế đang diễn ra là một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành còn mang tính chất hình thức để đạt được mục tiêu của Chính phủ, thậm chí chỉ thay đổi tên gọi, số lượng thủ tục vẫn giữ nguyên.
Bên cạnh đó, còn nhiều danh mục hàng hóa phải thực hiện nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục hải quan, nhưng hiện nay chưa có bộ nào đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra. Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chồng chéo trong phạm vi một bộ thì giao một đơn vị trong bộ chủ trì, nếu liên quan tới 2 - 3 bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng xây dựng phương án thống nhất.
“Kiểm tra chuyên ngành phải thực chất, không dùng biện pháp cơ học, câu chữ để lách. Dù cắt giảm hay đơn giản hóa cũng phải bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia, sức khỏe con người và môi trường, không vì lý do gì để gây rào cản cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Nhấn mạnh tới những lợi ích mang lại của việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế được nêu làm ví dụ khi đã làm tốt công tác chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện nay, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan mà sau thông quan, triển khai theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cắt giảm thủ kiểm tra chuyên ngành với 5 nhóm sản phẩm. Theo ước tính của Bộ Y tế, việc triển khai Nghị định 15 sẽ giúp tiết kiệm được gần 2,9 triệu ngày công và 2.500 tỷ đồng của doanh nghiệp.